Việt Nam – Myanmar hướng mục tiêu kim ngạch thương mại 1 tỷ USD

(PLVN) - Nhận lời mời của Phó Tổng thống Myanmar Myint Swe, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thăm làm việc Myanmar ngày 16-18/6.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hội đàm với Phó Tổng thống Myanmar Myint Swe - Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hội đàm với Phó Tổng thống Myanmar Myint Swe - Ảnh: VGP

Theo Bộ ngoại giao, trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 17/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có cuộc hội đàm với Phó Tổng thống Myint Swe. 

Tại hội đàm, trên tinh thần xây dựng, hai bên cùng thảo luận về các tiềm năng, thế mạnh cũng như khó khăn, rào cản trong lĩnh vực này, với mong muốn tìm ra các biện pháp hữu hiệu nhằm đưa kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa, sớm đạt mục tiêu 1 tỷ USD như Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra, đồng thời tăng cường đầu tư hai chiều. 

Phó Tổng thống Myanmar ghi nhận các đề nghị của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm dịch và thông quan cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là thực phẩm chế biến, dược phẩm và hoa quả - là các mặt hàng có hạn sử dụng ngắn; thu hẹp danh mục các mặt hàng nhập khẩu cần xin giấy phép, tích cực tạo điều kiện, sớm đưa quả thanh long ra khỏi danh mục này; nhất trí phối hợp và hỗ trợ nhau tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và tham gia các triển lãm, hội chợ thương mại của nhau. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cảm ơn và đề nghị Chính phủ Myanmar tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại Myanmar; đẩy nhanh tiến độ cấp phép cho các dự án của Việt Nam tại Myanmar; có cơ chế chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư Việt Nam về cấp/thuê đất, thuế, phí, miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị vật tư đầu tư và xây dựng tại các dự án. 

Phó Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam tuyệt đối tôn trọng luật pháp Myanmar, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Myanmar, có các chương trình thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR). 

Hai nhà Lãnh đạo cũng trao đổi phương hướng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác như an ninh, quốc phòng, năng lượng, viễn thông, nông nghiệp, giao thông vận tải…. 

Hai bên hoan nghênh việc thúc đẩy thiết lập cơ chế Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng trong năm 2019; cam kết xúc tiến đàm phán, ký kết các văn kiện về hợp tác an ninh, tư pháp vào thời điểm phù hợp; đẩy mạnh triển khai các dự án về phát triển cây công nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản hiện nay; tăng cường kết nối giao thông vận tải giữa hai nước, không chỉ đường không mà còn đường bộ và đường thủy.

Trao đổi về các vấn đề khu vực cùng quan tâm, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng chung, phối hợp giải quyết các thách thức chung về an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.  

Hai bên khẳng định ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; cam kết ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và nỗ lực sớm đạt được COC hiệu lực và thực chất. 

Hai bên cũng khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN, Phong trào Không liên kết cũng như các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác như ACMECS, CLMV, GMS, EWEC ... 

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chào xã giao Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi. Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tái khẳng định Việt Nam ủng hộ Myanmar trong tiến trình hòa hợp, hòa giải dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng thành công đất nước Myanmar hòa bình, ổn định và phát triển, có vai trò và vị thế ngày càng cao ở khu vực và thế giới. 

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nêu các đề xuất cụ thể của các doanh nghiệp liên quan đến khai khoáng, chế biến sản phẩm đá; kinh doanh phân phối sản phẩm xăng dầu và phát triển dịch vụ dầu khí; phát triển mạng lưới viễn thông và thi công hạ tầng mạng lưới viễn thông, phát triển cây công nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản… tại Myanmar.

Bà Aung San Suu Kyi ghi nhận để tiếp tục thúc đẩy, nhấn mạnh Chính phủ Myanmar luôn dành ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam trên cơ sở pháp luật và quy định hiện hành của Myanmar cũng như quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.