75% dịch vụ logistics ở Việt Nam do doanh nghiệp ngoại vận hành

(PLO) - Đó là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2017 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh & Phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam” do Bộ Công Thương chủ trì được tổ chức sáng nay (15/12) tại Hà Nội.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh Logistics phải được coi là một ngành dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh Logistics phải được coi là một ngành dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam

Khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh Logistics phải được coi là một ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng, đóng vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị cần tập trung làm rõ những kết quả đã đạt được trong thời gian qua cũng như các hạn chế còn tồn tại để từ đó có những giải pháp phù hợp và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, ngành dịch vụ Logistics Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ từ 15-16%/năm. Theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới, năm 2016, Việt Nam xếp hạng 64/160 nước; đứng thứ 4 trong các nước ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Tuy nhiên, chi phí logistics ở nước ta còn ở mức cao, tương đương 20,8 % GDP (41,26 tỷ USD, năm 2016), trong khi ở các nước phát triển chỉ từ 9-14% GDP.

Hiện nay Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành dịch vụ logistics, trong đó khoảng 1.300 DN có quy mô vừa và nhỏ. Ngoài ra đang có khoảng 30 DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.

Các DN Việt Nam cung cấp chủ yếu các dịch vụ logistics nội địa, như dịch vụ vận tải nội địa, vận tải đa phương thức, dịch vụ cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ kho bãi, khai báo hải quan, giám định, hun trùng hàng hóa, kiểm nghiệm, bốc dỡ hàng hóa...

Theo thạc sỹ Nguyễn Trần Minh Trí (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới), Việt Nam đang bị hạn chế về vận tải biển quốc tế, vận tải hàng không quốc tế và các dịch vụ bên ngoài vì thiếu hệ thống chung trên toàn thế giới.

Khoảng 1.300 DN vừa và nhỏ Việt Nam làm dịch vụ logistics chỉ chiếm 25% thị phần. Trong khi đó, cả nước có 25/30 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới tham gia đầu tư và kinh doanh logistics dưới nhiều hình thức và chiếm 75% thị phần, chủ yếu là các dịch vụ quốc tế.

Các DN logistics Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng ¼ nhu cầu thị trường logistics trong nước. Lĩnh vực quan trọng nhất trong logistics là vận tải biển thì DN Việt Nam mới chỉ đáp ứng chuyên chở được 18% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, phần còn lại đang bị chi phối bởi các DN nước ngoài.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, hoạt động logistics hiệu quả yếu tố quan trọng bảo đảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Logistics hiệu quả càng đặc biệt quan trọng đối với một nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và xuất khẩu như Việt Nam.

Đọc thêm