Bán lẻ ở Việt Nam: Lãng phí thị trường nông thôn

(PLO) - Qua nghiên cứu tiềm năng bán lẻ tại thị trường nông thôn, Tổ chức Nielsen Việt Nam cho hay thị trường này chưa được khai phá hết tiềm năng bởi suy nghĩ “người nông thôn thích dùng hàng rẻ”.
Người tiêu dùng nông thôn có xu hướng chủ động tìm kiếm sản phẩm chất lượng
Người tiêu dùng nông thôn có xu hướng chủ động tìm kiếm sản phẩm chất lượng

Mạng xã hội thu hẹp kết nối

Theo báo cáo, chiếm khoảng 68% trong số 90 triệu dân, người tiêu dùng nông thôn đang có những bước phát triển nhảy vọt. Khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và triển vọng của thị trường tiêu dùng nhanh (FMCG) cho thấy những hiệu quả khả quan, sự quan tâm của doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp đa quốc gia dành cho người tiêu dùng nông thôn ngày càng tăng. Với số dân khổng lồ cùng sự thịnh vượng ngày càng rõ ràng, vùng nông thôn Việt Nam thực sự là thị trường hấp dẫn vì người tiêu dùng ở đây đang có mức thu nhập tăng nhanh và có khuynh hướng nâng cao lối sống hiện tại.

Tuy nhiên, thị trường nhiều tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hết do tồn đọng các dòng suy nghĩ: người tiêu dùng nông thôn ít kết nối hơn so với thành thị, xu hướng quan tâm tới sản phẩm giá rẻ và phân phối đến vùng đất xa xôi sẽ gây tốn kém cho doanh nghiệp…

Quá trình đô thị hóa, mạng xã hội phát triển đã thu hẹp khoảng cách giữa người tiêu dùng ở nông thôn và thành thị. Tại khu vực nông thôn, hơn 90% hộ gia đình có tivi, hơn 57% trong số đó kết nối thường xuyên với hơn 10 kênh truyền hình. Bên cạnh đó, số liệu của Nielsen cho thấy 50% người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh trong tổng số 90% điện thoại di động đang được sử dụng tại nông thôn.

Mặc dù mức độ sử dụng Internet còn thấp nhưng điều này đang có xu hướng tăng một cách rõ rệt, gần 24 triệu người ở nông thôn sử dụng Internet, xấp xỉ với số lượng người sử dụng Internet ở thành thị.

Ông Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam nhận định: Khi tiếp xúc với truyền thông, hành vi và thái độ của người tiêu dùng nông thôn và thành thị có nhiều điểm tương đồng. Những gì đang xảy ra ở khu vực thành thị cũng đang xảy ra tương tự ở khu vực nông thôn.

Nhu cầu sử dụng sản phẩm chất lượng

Quý I/2017, mức tăng trưởng ở khu vực nông thôn đạt 12,4%, đóng góp 51% vào tổng doanh thu ngành hàng FMCG toàn quốc; trong khi đó, tăng trưởng khu vực thành thị mới chỉ đạt 5.6%. Hai dòng sản phẩm phổ thông và cao cấp là 2 nguồn đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng FMCG ở nông thôn, với 40% và 38.5% tương ứng từng dòng sản phẩm.

Ông Dũng nhận xét: “Điều đáng ngạc nhiên là người tiêu dùng nông thôn không chỉ mong đợi sản phẩm tốt, chất lượng mà còn chủ động tìm kiếm”.

Chị N.T.H – ngụ quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cho biết: “Khi mua hàng, tôi thường yêu cầu người bán cho xem các sản phẩm tốt, bền. Tuy nhiên, các chợ ở đây ít hàng tốt, quần áo mua về được thời gian ngắn đã bị sứt chỉ, phai màu. Không chỉ vậy, size áo cũng toàn cỡ nhỏ trong khi hai đứa nhà mình cao hơn 1,7m, toàn phải đặt may”.

“Nhiều người tìm tới sản phẩm rẻ tiền nhưng đa số họ đều hỏi về sản phẩm ở phân khúc tầm trung, cũng có người đòi hỏi sản phẩm cà phê cao cấp dùng làm quà tặng”, ông Đặng Văn Thịnh – Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Sơn La, cho biết.

Bài toán khó?

Theo thống kê, kênh thương mại truyền thống gồm hơn 1,1 triệu cửa hàng trên khắp 58 tỉnh, thành chứa đựng sự cạnh tranh phức tạp và sẽ tiếp tục tồn tại lâu dài. Việc đưa hàng hóa đến từng cửa hàng từ lâu đã là bài toán khó cho nhà sản xuất. Ngay đến các doanh nghiệp có mạng lưới bán hàng phong phú cũng chỉ tận dụng được 30% cửa hàng trực tiếp. Vì vậy, ở thị trường nông thôn cần đưa ra mục tiêu mũi nhọn, tập trung vào quận, huyện thì nhiều khả thi đạt doanh số cao.

Chưa hết, hiện nay xu hướng mua hàng online đang phát triển, mạng lưới bán lẻ của các doanh nghiệp ngày càng lớn, các mặt hàng đã xuất hiện ở nhiều vùng nông thôn nhưng chủ yếu là hàng rẻ tiền, trong khi đó, nhu cầu của người tiêu dùng ở nông thôn về sản phẩm phổ thông và cao cấp ngày càng tăng. Qua đó, tiềm năng thị trường nông thôn vẫn chưa được khai phá hết. Bài toán này thực sự có thể giải nếu doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư hệ thống phân phối lẻ dựa trên nền tảng Internet.

Ông Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam nhận định: Khi tiếp xúc với truyền thông, hành vi và thái độ của người tiêu dùng nông thôn và thành thị có nhiều điểm tương đồng. Những gì đang xảy ra ở khu vực thành thị cũng đang xảy ra tương tự ở khu vực nông thôn.

Đọc thêm