Tất bật “canh bạc” hoa Tết Kỷ Hợi: Bài 1 - Dự báo nguồn cung từ “thủ phủ” bích đào

(PLO) - Vào thời điểm này, các làng hoa Nhật Tân, Tây Tựu, Mê Linh (Hà Nội) đang tất bật chuẩn bị vào vụ làm ăn lớn nhất trong năm, với những gốc đào hay vườn ly, hồng, cúc… bạt ngàn trên ruộng. Dường như ai cũng lo cho “canh bạc” này, nhưng không thể không… “đánh”.
Giá nhân công chăm sóc đào vào dịp cuối năm 2018 tăng tới 20% mà vẫn khó thuê
Giá nhân công chăm sóc đào vào dịp cuối năm 2018 tăng tới 20% mà vẫn khó thuê

Trồng đào là nghề ngày càng rủi ro vì nhiều năm gần đây thời tiết rất không thuận  cho “đào đón Tết”. Bởi thời tiết mỗi ngày một nóng, đào sẽ nở sớm, đến Tết là tàn, nhưng không vì thế mà người trồng đào chán nản, thị trường kém sôi động. Đến mùa, vào vụ, họ vẫn tìm cách đáp ứng nhu cầu của thị trường hoa cây cảnh, dù chuyện được, mất chưa thể biết trước. 

Rục rịch khách lẻ, khách buôn “xí phần”

Vườn đào nhà ông Nguyễn Thái Long (77 tuổi) - một người làm nghề trồng đào lâu năm ở phường Nhật Tân - nằm khiêm tốn với diện tích 1.440m2. Những gốc đào nhỏ xinh trong vườn đã lác đác xuất hiện mắt đào, báo hiệu đến mùa tuốt lá. Ông Long đùa, đào ở vườn nhà ông thường gọi là “đào xách tay”, chủ yếu dành cho khách lẻ ở Hà Nội, ai thích thì tới tại vườn mua. 

Ngoài việc trồng đào, vợ chồng ông còn tận dụng đất xung quanh gốc đào để trồng các loại rau như su hào, hành lá…, hay các loại hoa để cho khách tới tham quan chụp ảnh và tặng hoa nếu họ thích. Vườn nhỏ, 2 vợ chồng lại tận dụng sức lực của mình là chính nên thu nhập của khu vườn cũng không được bao nhiêu. “Sau khi trừ hết chi phí chúng tôi được khoảng 100 triệu đồng/sào. Tuy không đáng kể nhưng đó cũng là nghề từ cha ông truyền lại nên còn sức là tôi còn làm”, ông Long tâm sự. 

Khác biệt hoàn toàn với khu vườn nhỏ xinh nhà ông Long, Vườn đào Hiệp Vụ ngay bên cạnh lại rất hoành tráng với hàng trăm gốc đào khá to, đều là những gốc đào khoảng gần chục năm. “Mấy hôm nay, tôi đang đánh gốc, cho đào lên chậu chuyển sang vườn riêng và chuẩn bị cho đợt tuốt lá”, vừa chỉ bảo mấy nhân công làm trong vườn, anh Nguyễn Quang Vụ (41 tuổi), chủ Vườn đào Hiệp Vụ vừa trò chuyện với phóng viên.

Anh Vụ cho biết, để có được những cây đào thế đẹp, ra nhiều nụ, cánh hoa thắm và dày, người trồng đào phải tỉ mỉ trong từng khâu chăm sóc như: làm đất, bấm ngọn, tuốt lá… Việc chăm sóc vườn đào diễn ra quanh năm, ngay từ thời điểm ra Giêng, nhưng thời điểm đào bắt đầu ra mắt cho đến khi cận Tết luôn được người trồng đào đánh giá là thời gian quan trọng nhất, bởi nó quyết định đến sự được hay mất của cả vụ sản xuất, kinh doanh hoa đào.

“Thời gian bắt đầu tuốt lá cần phải chăm sóc cây đào cẩn thận, ngày nào cũng phải quan sát quá trình phát triển của cây, nghe ngóng thời tiết để có những điều chỉnh về kỹ thuật. Thời tiết luôn đóng vai trò quan trọng, chiếm 50% đến sự thành công của vụ đào, còn lại phụ thuộc vào kỹ thuật chăm sóc của ngưởi trồng cây”, lời anh Vụ. 

Hiện nay, Vườn đào Hiệp Vụ đã có khách quen gọi đặt hàng, có khách đặt làm quà biếu, khách buôn thì đến tận vườn, chọn những cây ưng nhất, mang về tự chăm sóc, tuốt lá rồi chuyển đi các thị trường ở phía Nam, Đà Lạt… Công đoạn bận rộn nhất thời điểm này của các vườn đào là lựa chọn những cây tốt nhất, đẹp nhất, chăm sóc kỹ càng để “đón Tết”, các cây xấu hơn sẽ được đánh chung về một vườn để “hưởng” chế độ chăm sóc “đặc biệt” hoặc chấp nhận… buông, để lại sang năm chăm sóc từ đầu. 

Giá nhân công tăng mạnh

Số lượng người làm vào mỗi vụ Tết luôn là sự lo lắng của bất kỳ làng nghề truyền thống nào. Đào Nhật Tân cũng không là ngoại lệ. Anh Vụ cho biết, tổng diện tích vườn đào nhà anh lên đến khoảng 40.000m2, ngày thường thì có từ 4 - 6 công nhân chăm sóc đào, nhưng thời điểm này anh phải thuê thêm 20 công nhân nữa, với mức lương 350 nghìn đồng/người/ngày (chưa có ăn). Riêng đối với việc tuốt lá, gia đình anh cũng phải bỏ ra vài chục triệu đồng thuê nhân công. Năm ngoái, gia đình anh mất khoảng hơn 30 triệu đồng tiền thuê tuốt lá. 

Đây cũng là “cảnh khổ” của vườn đào Thất Thốn Lê Hàm. Anh Hàm chia sẻ, tìm nhân công làm vụ Tết rất khó khăn vì hiện nay, số lượng lao động nhàn rỗi không còn, đa phần thanh niên nông thôn, thành thị đều đi làm công nhân ở các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, cứ đến dịp này, anh lại lo tìm thêm người làm, số lượng tăng thêm cũng khá nhiều, chi phí phải bỏ ra để thuê nhân công chuẩn bị cho đào dịp Tết đều tăng 20% mỗi năm. 

Tìm xong nhân công là cả chủ, cả thợ tất bật mỗi ngày xoay quanh vườn đào. Đào Thất Thốn tuốt lá sớm hơn đào truyền thống khoảng 3 tuần, đến nay, đã hoàn thành việc tuốt lá. Tuy việc tuốt lá cho đào Thất Thốn không mất nhiều công sức như đào truyền thống nhưng giống đào Thất Thốn của anh là loại đặc biệt nên luôn có một chế độ chăm sóc đặc biệt. 

Anh cho biết, các vườn đào khác còn có thể hy vọng vào thời tiết để “trúng vụ” nhưng riêng đào Thất Thốn, chưa năm nào thời tiết ủng hộ. Thế nên, hàng năm, vào đúng dịp này, anh và công nhân của mình lại rục rịch chuẩn bị lắp nhà lạnh để… “nuôi” đào. Mỗi nhà lạnh khoảng 35m2, được lắp đặt một 1 hoặc 2 điều hòa với công suất 24.000 - 30.000 BTU. Đưa đào vào nhà lạnh rồi nhưng cũng vẫn phải nghe ngóng thời tiết để có thể… “tung nóc” nhà lạnh lên khi cần thiết. 

Điều đặc biệt ở Lê Hàm là dù chi phí nhân công mỗi năm đều tăng thêm 20% nhưng anh Hàm chủ trương “giữ giá đào ổn định”. Anh cho biết, để tăng doanh thu thì người trồng đào phải biết cách làm tăng năng suất lao động, cải tiến mẫu mã, tạo ra nhiều dáng đào đẹp và tăng số lượng, chứ không thể đẩy giá sản phẩm lên được. 

Chia tay làng đào Nhật Tân, hình ảnh những người thợ “chân lấm tay bùn” ở vườn đào hoặc hình ảnh 4 - 5 nhân công to khỏe đánh một gốc đào để chuẩn bị vào vụ Tết cứ theo chúng tôi… Để có một mùa đào khoe sắc, những người con ở làng đào đã phải chuẩn bị mất bao nhiêu công sức mà thành quả nhiều khi vẫn phải phấp phỏng, đợi chờ... Nhưng đâu chỉ có đào hồi hộp với “canh bạc” Tết, các làng hoa cũng lo lắng không kém vào thời điểm mà những tờ lịch tường cuối năm đang dần hết… 

Đọc thêm