Từ 15/7, Vietcombank tăng phí giao dịch qua ATM lên tới 5.500 đồng/lần

(PLO) - Mức phí rút tiền ngoại mạng của chủ thẻ Vietcombank tại ngân hàng khác vẫn áp dụng là 3.300 đồng/lần nhưng phí chuyển khoản khác hệ thống ngân hàng (NH) là 5.500 đồng/lần trên máy ATM...
Từ 15/7, Vietcombank tăng phí giao dịch qua ATM lên tới 5.500 đồng/lần

Theo thông báo của Vietcombank về việc áp dụng biểu phí thẻ mới, NH này sẽ chính thức tăng phí rút tiền nội mạng ATM lên 1.650 đồng/lần giao dịch từ ngày 15/7. Phí chuyển khoản liên NH trên ATM là 3.300 đồng/lần.

 

Riêng mức phí rút tiền ngoại mạng của chủ thẻ Vietcombank tại ngân hàng khác vẫn áp dụng là 3.300 đồng/lần nhưng phí chuyển khoản khác hệ thống NH là 5.500 đồng/lần trên máy ATM...

Trong đợt tăng phí này, ngoài Vietcombank còn có 2 ngân hàng lớn khác là VietinBank, BIDV. Trước đó, ngân hàng Agribank đã áp dụng biểu phí mới.

Thực tế, ba ngân hàng này đã từng có thông báo tăng phí rút tiền nội mạng trên máy ATM từ đầu tháng 5 vừa qua, nhưng vấp phải nhiều sự phản đối.

Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chỉ đạo yêu cầu các nhà băng này dừng việc tăng phí rút tiền ATM nội mạng. Theo NHNN, khi đưa ra bất kỳ sự thay đổi nào, các NH cần minh bạch thông tin và giải thích cho khách hàng hiểu; đồng thời cân bằng lợi ích giữa NH và khách hàng để tạo ra sự hài hòa giữa người cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ. Do vậy, kế hoạch đồng loạt tăng phí rút tiền ATM vào ngày 16/5 của các ngân hàng bị hoãn lại.

Thống kê cho thấy có khoảng 70 triệu thẻ ATM trên thị trường. Thị phần của 4 ngân hàng lớn trên chiếm khoảng 80%, đồng nghĩa với việc điều chỉnh tăng phí sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các khách hàng hiện hữu.

Trong khi đó, hầu hết các đại diện ngân hàng đều cho rằng đây là một điều chỉnh nhỏ, không phục vụ cho mục đích kinh doanh mà bù lỗ cho hoạt động đầu tư hệ thống ATM. Một ước tính cho rằng chi phí cho mỗi giao dịch tại ATM mà các ngân hàng phải trả từ 7.000-10.000 đồng, bao gồm tổng hợp nhiều loại chi phí.

Các ngân hàng đã đầu tư nhiều vào hệ thống ATM cũng tỏ ra “không thích” các ngân hàng “lười” đầu tư, vì khách hàng có thể rút tiền qua hệ thống ngân hàng lớn nhưng chi phí lại không tốn nhiều.

Đại diện một NH thương mại cho rằng việc tăng phí lúc này là thời điểm thích hợp. Trước đây, dù NHNN cho mức trần là 3.300 đồng/giao dịch nhưng thời gian qua, các NH vẫn duy trì mức phí sau thuế là 1.100 đồng/lần. Với mức thu phí hiện nay không bù đắp được chi phí. Việc tăng phí này không chỉ giúp NH duy trì đầu tư hệ thống và bù đắp một phần chi phí mà còn góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Tăng phí là quyền tự chủ của NH, nhưng trong yêu cầu cạnh tranh, nếu tăng quá cao thì NH sẽ mất khách. NHNN không can thiệp vào nhưng có quy định khung phí chung. Khung này được quy định theo loại hình sản phẩm, ví dụ như về thẻ ATM, phí mở thẻ ban đầu, phí duy trì thẻ…

Tùy từng NH sẽ căn cứ vào loại hình kinh doanh của mình để đưa ra biểu phí phù hợp và mang tính cạnh tranh rất cao. Nếu không thì khách hàng sẽ lựa chọn những NH có biểu phí thấp để hạ giá thành sản phẩm. Trong trường hợp nếu NH tăng phí kiểu “tận thu”, vượt quá khung thì NHNN sẽ tiến hành thanh tra, xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh TP HCM

Đọc thêm