Bảo lãnh thông quan cung cấp cơ chế kiểm soát cho phép giảm thời gian thông quan, tăng cường tính tuân thủ

(PLVN) - Hôm nay (5/4), Tổng cục Hải quan phối hợp với Liên minh tạo thuận lợi thương mại (GATF) tổ chức Hội thảo “Bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” nhằm thu nhận thông tin, ý kiến các bên, qua đó trình các cấp về Đề án điểm thực hiện cơ chế bảo lãnh thông quan.
Bảo lãnh thông quan cung cấp cơ chế kiểm soát cho phép giảm thời gian thông quan, tăng cường tính tuân thủ

Bảo lãnh thông quan là một giải pháp tạo thuận lợi thương mại hàng hóa quốc tế, thông quan nhanh chóng. Trong đó việc áp dụng cơ chế bảo lãnh thông quan của một số nước phát triển trên thế giới như: Mỹ, Canada, Nhật Bản,… sẽ là công cụ giúp cho cơ quan Hải quan nâng cao năng lực quản lý, nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, giúp cho hàng hóa được thông quan nhanh chóng, giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần mở rộng loại hình kinh doanh bảo hiểm.

Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) được giao xây dựng, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội phê duyệt Đề án thí điểm thực hiện cơ chế bảo lãnh thông quan và triển khai thực hiện Đề án tại Quyết định 1254/QĐ-TCHQ ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020.

Để triển khai, thời gian qua Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các chuyên gia của Liên minh tạo thuận lợi thương mại (GATF) tổ chức khảo sát thực tế tại Hoa Kỳ tìm hiểu về Bảo lãnh thông quan với thành phần có đại diện các bộ, ngành.

Đồng thời, GATF cũng tổ chức nhiều phiên họp, hội thảo liên quan đến nội dung này với cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, với thành viên Tổ công tác Chính phủ trong đó có sự tham gia của đại diện các bộ ngành.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết: Cơ chế Bảo lãnh thông quan sẽ cung cấp cơ chế kiểm soát để cho phép giảm thời gian thông quan và tăng cường tính tuân thủ. Chính vì vậy, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia trực tiếp. Đối với DN XNK, Bảo lãnh thông quan sẽ rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng, giảm chi phí, sớm đưa hàng hóa vào sản xuất, có thêm sự lựa chọn đơn vị bảo lãnh nộp thuế ngoài các ngân hàng thương mại như hiện nay, đồng thời cũng góp phần nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật của DN.

Đặc biệt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành nhấn mạnh từ “nhanh” vì “khi hàng hóa nhanh được đưa về bảo quản sẽ đảm bảo chất lượng hàng của DN, giảm chi phí lưu kho tại cửa khẩu. Hàng hóa nhanh được thông quan sẽ nhanh được đưa vào sản xuất hoặc đưa ra lưu thông trên thị trường thì nguồn vốn có thể thu hồi nhanh để đầu tư vào hoạt động liên tục, không bị phạt hợp đồng vì giao hàng chậm muộn.

Ở góc độ cơ quan Hải quan, bảo lãnh thông quan giúp cho cơ quan Hải quan nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo nguồn thu nộp ngân sách, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, vi phạm pháp luật hải quan.

Đối với các cơ quan quản lý chuyên ngành, bảo lãnh thông quan không làm giảm hay mất đi các yêu cầu thực hiện quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, thay vào đó, đây là công cụ hỗ trợ cho cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc kiểm soát việc tuân thủ các quy định về pháp luật kiểm tra chuyên ngành của DN thông qua tổ chức bảo hiểm.

Đối với các tổ chức kinh doanh bảo hiểm, bảo lãnh thông quan sẽ bổ sung một phương thức kinh doanh mới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, phát triển thị trường bảo hiểm tại Việt Nam.

Theo đánh giá của ông Eric Miller, tư vấn cao cấp của GATF, tại Hoa Kỳ, bảo lãnh thông quan sẽ giảm chi phí hành chính từ 0,1 đến 0,5%, giảm chi phí thông quan từ 0,5 đến 0,8% trị giá lô hàng, tăng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu khoảng 1%. Ông cũng đánh giá, Việt Nam hiện là một trong những nước sớm nhất trong khu vực đang triển khai thực hiện việc bảo lãnh thông quan. Đây là cách giúp Việt Nam sớm bảo đảm thực thi đầy đủ Công ước Kyoto về đơn giản hoá và hài hoà hoá thủ tục hải quan, Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TF) và các Hiệp định Thương mại mà Việt Nam là thành viên. 

Đề án thí điểm thực hiện cơ chế bảo lãnh thông quan dự kiến chia làm 3 giai đoạn:

- Giai đoạn thí điểm (2021-2022): Lựa chọn áp dụng cơ chế bảo lãnh đối với một số loại hình, đối tượng như: bảo lãnh nộp thuế hàng kinh doanh, hàng quá cảnh, hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, bảo lãnh cho việc chậm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ, bảo lãnh cho việc đưa hàng hóa về bảo quản.

- Giai đoạn mở rộng (2022-2023): Việc mở rộng thí điểm dự kiến áp dụng bảo lãnh thông quan đối với các loại hình tạm nhập tái xuất khác (như: tham dự hội chợ triển lãm, sửa chữa bảo dưỡng, bảo hành; thi công công trình,…); bảo lãnh cho đưa về bảo quản để chờ cấp giấy phép nhập khẩu của các bộ, ngành đối với một số mặt hàng, lĩnh vực,...

- Giai đoạn chính thức (dự kiến từ năm 2024): Triển khai chính thức hệ thống bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các loại hình khác, như: gia công, chế xuất, sản xuất xuất khẩu và một số trường hợp khác. 

Đọc thêm