Bộ trưởng Lê Thành Long: Sở Tư pháp cần phát huy vai trò “gác cổng” cho các cấp chính quyền

(PLO) - Chiều 15/9, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Lê Thành Long dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã làm việc tại Sở Tư pháp Hà Nội. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cùng tham dự.
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu trong chương trình làm việc tại Sở Tư pháp Hà Nội.
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu trong chương trình làm việc tại Sở Tư pháp Hà Nội.

Về phía UBNDTP Hà Nội, có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cùng Ban lãnh đạo Sở Tư pháp, lãnh đạo một số Sở, ngành của TP tham dự buổi làm việc.

Nhiều điểm sáng

Cám ơn Bộ trưởng và Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Sở Tư pháp Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng cho rằng hiện nay khối lượng công việc tư pháp rất lớn, nhưng Hà Nội thuận lợi có Bộ Tư pháp đóng trên địa bàn, vì thế Chủ tịch mong Bộ giúp cho Hà Nội trong hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, bởi nếu để xảy ra sai sót thì hậu quả sẽ rất lớn; mong Bộ thường xuyên mở các lớp tập huấn các văn bản mới. Sau 3 năm triển khai Luật thủ đô, Bộ Tư pháp cần sớm có tổng kết để nghiên cứu sửa Luật cho phù hợp với thực tiễn. 

Riêng về số lượng Luật sư trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh làm việc tại Hà Nội rất lớn, vì thế Chủ tịch Chung yêu cầu Sở tăng cường công tác quản lý để luật sư hoạt động hiệu quả, tránh oan sai, bảo vệ quyền lợi tổ chức, cá nhân. 

Trước đề nghị của Sở Tư pháp thí điểm ủy quyền cho Tư pháp cấp xã ký chứng thực bản sao, Chủ tịch băn khoăn vì liên quan đến con dấu, trách nhiệm nên để giải quyết trước mắt các xã, phường, phải rà soát trình tự, thủ tục, phân bổ thời gian hợp lý để giải quyết yêu cầu chứng thực cho người dân; Bộ Tư pháp tạo thuận lợi triển khai dịch vụ công mức độ 3 ở Hà Nội; hỗ trợ cho Hà Nội trong cắt giảm thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh khó khăn về biên chế…

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung  phát biểu tại buổi làm việc

Ghi nhận những đóng góp của Tư pháp Hà Nội trong phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng cảm ơn cấp ủy, chính quyền thành phố đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các ngành để công tác tư pháp Hà Nội ngày càng có nhiều “điểm sáng”. Đơn cử như Hà Nội đã đóng góp cho Bộ nhiều vấn đề vĩ mô, trong xây dựng Luật Thủ đô, nhiều hiệu quả trong ứng dụng công nghệ thông tin; công tác phổ biến giáo dục pháp luật được  thành phố quan tâm, đầu tư nên tổ chức nhiều hoạt động phổ biến pháp luật đến nhân dân…

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng Tư pháp Hà Nội vẫn còn những hạn chế, còn khoảng cách giữa Sở Tư pháp với các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, vì thế, Bộ trưởng đề nghị Sở và các đơn vị ngồi lại, cùng bàn bạc, thảo luận các vấn đề vướng mắc một cách sâu sắc hơn. Ngoài ra, Hà Nội còn có một số vụ việc cụ thể liên quan đến công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp phát hiện ra những chưa được xử lý dứt điểm.

Thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Hà Nội quan tâm hơn tới việc thi hành Luật ban hành VBQPPL và nghị định hướng dẫn, dẫu quy trình thủ tục có chặt chẽ hơn nhưng nếu có vướng mắc thì cần báo cáo Bộ để tháo gỡ kịp thời. Bên cạnh đó, Luật Luật TGPL với số lượng người được thụ hưởng tăng lên đáng kể, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định chặt hơn nên dễ phát sinh trách niệm bồi thường, Sở Tư pháp phải làm tốt công tác tham mưu để thi hành các luật hiệu quả.

Bộ trưởng cũng lưu ý, Hà Nội cố gắng bám sát hơn hoạt động nghề Tư pháp, của các tổ chức đang xã hội hóa, trong đó có luật sư; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra; tham mưu tốt, trực tiếp hơn, phát huy tốt hơn vai trò “gác cổng” cho các cấp chính quyền Hà Nội tránh trường hợp khiếu nại.

 

Đề nghị thí điểm ủy quyền cho công chức Tư pháp cấp xã được ký chứng thực bản sao

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho biết, 8 tháng đầu năm công tác tư pháp trên địa bàn thành phố đã được Sở Tư pháp, các Sở, ngành, quận, huyện triển khai đồng bộ, toàn diện. Một số nhiệm vụ đạt kết quả tốt như:

Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát VBQPPL có sự chủ động, có tác động tích cực, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Thành phố. Sở Tư pháp đã đóng góp ý kiến pháp lý để giải quyết những vấn đề vướng mắc, phức tạp về đầu tư kinh doanh, đất đai, xây dựng…, hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật được quan tâm, chú trọng, bám sát nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế- xã hội của Thủ đô và đạt được nhiều kết quả khả quan. Công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp được tập trung triển khai hơn so với trước. Qua thanh tra đã xử lý nghiêm và giải quyết những tiêu cực, sai phạm của các đơn vị luật sư, công chứng; Hoạt động bổ trợ tư pháp tiếp tục được đổi mới, đẩy mạnh xã hội hóa; Thủ tục hành chính của thành phố được đẩy mạnh kiểm tra rà soát và đơn giản hóa, giảm thời gian, chi phí cho người dân khi thực hiện tại các cơ quan nhà nước; Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ cho người dân trong lĩnh vực tư pháp được mở rộng trên địa bàn thành phố bước đầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao

Sở Tư pháp Hà Nội đã phối hợp với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Bộ Tư pháp tiến hành thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực chứng thực tại Chương Mỹ, Hoàn Kiếm, qua kiểm tra đã phát hiện một số sai sót. Sở cũng đã kịp thời chủ động phối hợp với Sở Nội vụ, UBND quận Đống Đa làm rõ thông tin về dấu hiệu tiêu cực trong quá trình giải quyết thủ tục đăng ký khai tử tại UBND phường Văn Miếu  ngay sau khi báo chí phản ánh.

Tuy nhiên, cũng theo Giám đốc Ngô Anh Tuấn, tổ chức bộ máy của ngành Tư pháp vẫn đang là khó khăn cơ bản của ngành: lực lượng cán bộ tư pháp cấp huyện xã còn mỏng, nhiều xã chỉ có 1 công chức tư pháp, trong khi nhiệm vụ được giao ngày càng tăng; đội ngũ cán bộ pháp chế sở ngành còn thiếu; một số đơn vị còn lúng túng trong thực hiện các quy định mới của Luật ban hành VBQPPL năm 2015; việc triển khai Luật thủ đô và các văn bản thi hành Luật trong 3 năm qua chưa thực sự hiệu quả; việc triển khai Luật hộ tịch và các văn bản hướng dẫn còn nhiều vướng mắc, nhiều nội dung quy định chưa cụ thể hoặc còn thiếu; tiến độ rà soát, chuẩn hóa đơn giản hóa thủ tục hành chính của thành phố còn chậm, nhiều TTHC của các Sở, ngành chậm được công bố; công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật còn nhiều khó khăn…

Sở Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, biên chế của cán bộ Tư pháp cấp xã căn cứ trên số dân; xem xét nhất trí cho triển khai thí điểm việc ủy quyền cho công chức Tư pháp cấp xã được ký chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm, vai trò của công chức tư pháp; đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ trình Chính phủ chỉ đạo việc kiện toàn lực lượng cán bộ pháp chế các Sở, ngành đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, ổn định để triển khai nhiệm vụ được giao; đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, nguồn lực để đảm bảo triển khai tốt những nhiệm vụ công tác trong lĩnh vực quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; tiếp tục nghiên cứu, thực hiện cắt giảm chuẩn hóa TTHC, tránh rườm rà, gây khó khăn cho các tổ chức, công dân. Đề nghị Bộ tư pháp tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và UBND thành phố trong việc xây dựng một số cơ chế, chính sách cụ thể để triển khai Luật thủ đô…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo một số Sở, ngành, phòng tư pháp quận huyện, các phòng chuyên môn thuộc Sở đã làm rõ thêm một số nội dung cũng như những khó khăn, đề xuất biện pháp tháo gỡ. Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ đã giải đáp và thông tin làm rõ hơn một số nội dung mà các đại biểu quan tâm.


Cũng trong buổi làm việc, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã trao tặng Huân chương Lao động hạng II cho đồng chí Phan Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội./.

Đọc thêm