Cấm biển, sơ tán dân trước khi bão số 4 đổ bộ

(PLO) - Hầu hết các tỉnh, thành được dự báo trong khu vực ảnh hưởng trực tiếp bão số 4 đã tiến hành cấm biển và sơ tán dân đến khu vực an toàn trước 14h hôm nay, 16/8.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đi kiểm tra vị trí đê xung yếu Hà Nam (Quảng Ninh). Ảnh: Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo TW về PCTT.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đi kiểm tra vị trí đê xung yếu Hà Nam (Quảng Ninh). Ảnh: Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo TW về PCTT.

Sáng nay, 16/8, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương (TW) về Phòng chống thiên tai (PCTT) do Bộ trưởng, Trưởng Ban Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đoàn đi kiểm tra vị trí xung yếu đê biển Hà Nam (Quảng Ninh), vị trí đê xung yếu ở biển Cát Hải và nhà máy Vinfast (Hải Phòng) về công tác chuẩn bị và ứng phó với bão số 4.

Cũng trong sáng nay, Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) có văn bản hỏa tốc tới Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh, thành Hà Nội, Thanh Hóa, Hòa Bình, yêu cầu đặc biệt quan tâm triển khai các giải pháp chống ngập úng vùng trũng thấp, ngập úng đô thị; ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông, hồ chứa; đảm bảo an toàn dân cư, nhất là những khu vực mới xảy ra ngập úng kéo dài như Chương Mỹ, Hà Nội; Duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra...

Tại các địa phương trong khu vực được dự báo ảnh hưởng bão số 4, hôm nay, Quảng Ninh cấm biển từ 6h, sơ tán dân hoàn thành trước 12h cùng ngày; Hải Phòng cấm biển từ 12h, sơ tán dân hoàn thành trước 12h; Nam Định cấm biển từ 5h, sơ tán dân hoàn thành trước 13h; Ninh Bình cấm biển từ 16h, sơ tán dân hoàn thành trước 16h.

Thái Bình cấm biển từ 12h ngày 15/8, sơ tán dân hoàn thành trước 14h hôm nay.

Tính đến 6h hôm nay, Bộ Tư lệnh bộ đôi biên phòng, các địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 36.314 phương tiện/137.774 người đến nơi trú ẩn an toàn.

Từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 2.081 phương tiện/ 9.444 người hoạt động trong vùng nguy hiểm (hoạt động ven bờ đi về trong ngày).

Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình có 13.420 lồng bè, lều, chòi canh/17.036 người. Trong đó, đã vận động tuyên truyền 1.448 người (Nam Định, Thái Bình) vào bờ tránh bão, số còn lại đã biết thông tin và cam kết sẽ vào bờ trước khi bão đổ bộ...

Trước đó, để chủ động đối phó với bão, Ban Chỉ đạo TW về PCTT, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN có Công điện yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố tập trung, khẩn trương chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, căn cứ tình hình cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc cấm biển;

Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra;

Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các khu neo đậu, trú tránh ven biển, trong sông và nhất là quanh các đảo; tuyệt đối không để người dân ở lại lồng bè, chòi canh, tàu thuyền;

Chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản đối với các hoạt động du lịch, trên các đảo và lồng bè nuôi trồng thủy hải sản ven biển và đất liền.

Đối với khu vực trên đất liền: Chỉ đạo hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây;

Triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình công cộng, bến cảng, khu công nghiệp ven biển, các dự án lớn đang thi công, kho tàng, hầm lò, hệ thống truyền tải điện, bãi thải khai thác khoáng sản.

Các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ phải kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh và kiên quyết sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tổ chức cắm biển cảnh báo, tuần tra canh gác các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu và nghiêm cấm vớt củi khi có lũ.

Các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, đặc biệt là các tỉnh Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình chủ động tiêu thoát nước đệm để chống úng cho các diện tích lúa và hoa màu. Các tỉnh, thành phố không tiêu tự chảy phải thực hiện bơm tiêu cưỡng bức chống ngập úng đô thị, dân sinh và sản xuất nông nghiệp.

Đối với hồ chứa thủy lợi, thủy điện phải liên tục cập nhật tình hình, tính toán toán phương án vận hành liên hồ chứa thủy điện và căn cứ tình hình thực tế để chỉ đạo vận hành phù hợp;

Đối với hồ xung yếu có cửa van, điều tiết hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn; bố trí lực lượng thường trực tại các hồ để chủ động xử lý kịp thời khi có tình huống.

Kiểm tra, triển khai các biện pháp gia cố đảm bảo an toàn hệ thống đê điều; đặc biệt là các trọng điểm xung yếu, các sự cố do đợt mưa lũ trước chưa được khắc phục. Trong đó, lưu ý các tuyến sông Bùi, sông Bưởi, sông Hoàng Long.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia thường xuyên cập nhập kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo để cung cấp cho các cơ quan đơn vị liên quan, nhất là đối với dự báo định lượng về mưa và dòng chảy cụ thể cho các khu vực lòng hồ Sơn La, Hòa Bình để chỉ đạo điều hành liên hồ chứa.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Đọc thêm