Chính thức ra mắt “siêu” Ủy ban quản lý 2,3 triệu tỷ đồng vốn Nhà nước

(PLO) - Với việc nhận chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trên 1 triệu tỷ đồng và tổng giá trị tài sản hơn 2,3 triệu tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ kỳ vọng và mong muốn Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) phải hoạt động chuyên nghiệp, hiện đại và tạo ra sự khác biệt trong việc quản lý vốn nhà nước. Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý không để khoảng trống pháp lý, tiêu cực trong quá trình chuyển giao…
Chính thức ra mắt “siêu” Ủy ban quản lý 2,3 triệu tỷ đồng vốn Nhà nước

Chiều nay (30/9), trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo các Bộ ngành trung ương, địa phương, các DN, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (CMSC) đã chính thức ra mắt.

Tại buổi Lễ ra mắt, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã công bố Nghị định 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của CMSC. Nghị định gồm 4 Chương và 11 Điều, trong đó quy định Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ, được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. 

Theo quy định tại Nghị định, có 07 Tập đoàn và 12 Tổng công ty được Chính phủ giao Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Thuốc lá Việt nam (Vinataba), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe). 

Tổng hợp Báo cáo tài chính thời điểm 31/12/2017, giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về CMSC là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chúc mừng sự ra mắt của  CMSC và khẳng định việc nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước, từ đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế là yêu cầu cơ bản của Đảng, nhà nước ta đã đặt ra từ lâu. Chủ trương thành lập CMSC đã được ghi vào Nghị quyết của Đảng và đây là bước quan trọng để tách bạch chức năng quản lý nhà nước với kinh doanh của nhà nước.

Với việc nhận bàn giao 1 triệu tỷ đồng quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và hơn 2,3 triệu tỷ đồng tổng tài sản, theo Thủ tưởng, CMSC đã nắm 2/3 số vốn và tài sản của DN nhà nước, không chỉ số lượng vốn lớn, tài sản lớn mà đây là những đơn vị trọng yếu của nền kinh tế, tòan là những “ông lớn, bà lớn”

Chính vì vậy, với việc thành lập CMSC, theo Thủ tướng có 2 con đường: Thứ nhất, xây dựng một Ủy ban chuyên nghiệp hiện đại; Thứ hai, tạo một cơ quan quan liêu kiểu cũ tạo ra gánh nặng cho nhà nước. “Hai con đường đó, ta chọn đường nào?”- Thủ tướng đặt vấn đề và tuyên bố chọn con đường thứ nhất. “Khó hơn nhưng tôi tin rằng tất cả chúng ta chọn con đường này!” 

Không chỉ Chính phủ, các cơ quan có liên quan, mà dư luận xã hội đang theo dõi và lỳ vọng lớn vào hoạt động của Ủy ban, làm sao khắc phục được yếu kém vào tạo hiệu quả hoạt động của DN nhà nước, hiệu quả kinh doanh, cạnh tranh thành công không những trên thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế…”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng lưu ý hoạt động của CMSC phải tạo ra sự khác biệt, sau 1 năm không chỉ là sơ kết, tổng kết mà phải xem Ủy ban có đóng góp gì cho nền kinh tế, giải quyết bao nhiêu công ăn việc làm… và quan trọng là tạo môi trường cạnh tranh, bình đẳng với các thành phần kinh tế.

Giao cụ thể các nhiệm vụ cho Ủy ban, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh không được để khoảng trống pháp lý trong quá trình chuyển giao. Việc các Bộ ngành bàn giao các Tập đoàn Tổng công ty về CMSC không làm giảm trách nhiệm của các Bộ ngành mà các Bộ ngành phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tiếp tục hoàn thiện môi trường cạnh tranh…

Thủ tướng cũng lưu ý trong quá trình bàn giao không để xảy ra tiêu cực. “Hãy chống tham nhũng, tiêu cực, sân trước sân sau, người nhà… Ko để xảy ra những vụ việc tiêu cực như trong thời gian vừa qua…”,  Thủ tướng lưu ý.

Đọc thêm