Chủ tịch QH: 'Bệnh nặng không cấp cứu ngay là bất nhân, mất lương tâm nghề nghiệp'

Trước phản ánh của cử tri Cần Thơ về việc người dân bị bệnh nặng hoặc tai nạn giao thông nhưng bệnh viện không cấp cứu, đòi hỏi phải có người thân và nhiều thủ tục khác, dẫn đến những cái chết thương tâm, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, làm như vậy là bất nhân, mất lương tâm nghề nghiệp...
Chủ tịch QH: 'Bệnh nặng không cấp cứu ngay là bất nhân, mất lương tâm nghề nghiệp'

Ngày 6/12, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn Đại biểu QHTP Cần Thơ, đơn vị bầu cử số 1 đã có buổi tiếp xúc cử tri sau kì họp thứ 4, QH khóa XIV, tại phường Ba Láng, quận Cái Răng và tại phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Cử tri Hoàng Đăng Thịnh, phường Ba Láng cho biết, hiện dự án BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp vẫn còn nhiều bất cập như: vị trí đặt trạm, mức thu và chưa có mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân khu vực lân cận trạm. Cử tri đề nghị cần thanh tra, kiểm tra đối với dự án này... Liệu có lợi ích nhóm trong dự án này không?.

Còn cử tri Trương Công Bình, phường An Hòa cho biết, việc tinh giản biên chế trong bộ máy hành chính nhà nước được nhân dân rất đồng tình, song cần giải quyết sao cho phù hợp. Chính sách tinh giản cần lộ trình, có kế hoạch trợ giúp việc làm cho những người bị ảnh hưởng.

Kiến nghị về vấn đề pháp luật, cử tri Đặng Đức Mão nhấn mạnh, vai trò giám sát của QH và cho biết, thời gian qua, có những Bộ, ngành ra quy định “trái khoái” không hợp lòng dân... Cử tri Mão góp ý, vấn đề xây dựng Luật phải có tầm chiến lược lâu dài, bởi hiện nay “tuổi thọ” của Luật chưa cao.

Ngoài ra, nhiều cử tri kiến nghị vấn đề chống tham nhũng, vấn nạn tội phạm xâm hại tình dục, trạng bạo hành trẻ em, chất lượng khám chữa bệnh bằng chính sách Bảo hiểm y tế. Đặc biệt, có cử tri còn phản ánh việc người dân bị bệnh nặng hoặc tai nạn giao thông nhưng bệnh viện không cấp cứu, đòi hỏi phải có người thân và nhiều thủ tục khác, dẫn đến những cái chết thương tâm.

Cử tri nêu ý kiến, kiến nghị trước Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
 Cử tri nêu ý kiến, kiến nghị trước Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đồng cảm và chia sẻ: Những người mà bị bệnh nặng, tai nạn giao thông là phải cấp cứu ngay, chứ không phải nộp viện phí chưa, hộ khẩu ở chỗ nào, người nhà đâu, BHYT đăng kí chỗ nào... làm như vậy là bất nhân, mất lương tâm nghề nghiệp. Chủ tịch QH cho biết sẽ chuyển ý kiến này đến Bộ Y tế và tiếp tục chỉ đạo khắc phục trường hợp này.

Chủ tịch QH còn đề nghị Cần Thơ cần có một chỉ thị, nghị quyết của Thành ủy, HĐND, UBND để chỉ đạo các cơ sở y tế khi người dân bệnh nặng hoặc bị tai nạn giao thông thì phải cấp cứu kịp thời, không được lấy bất cứ một lí do, thủ tục hành chính nào làm chậm trễ, ảnh hưởng đến việc cấp cứu bệnh nhân, sinh mạng của người dân.

Về vấn đề bất cập trong các dự BOT, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định thu hút đầu tư BOT là một chủ trương đúng đắn trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nhiều dự án BOT, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. QH sẽ tiếp tục chương trình giám sát đối với các dự án BOT hướng đến công khai, minh bạch. Riêng đối với dự án BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp, Chủ tịch QH yêu cầu, nếu đã có chủ trương, phương án trong việc hỗ trợ miễn giảm các phương tiện ở khu vực lân cận trạm thì cần triển khai sớm để đáp ứng nguyện vọng của người dân.

Về vấn đề tinh giảm biên chế, Chủ tịch QH cũng cho biết, vừa qua QH đã giám sát tối cao tại kỳ họp về vấn đề cải cách bộ máy hành chính nhà nước, qua đó, cho thấy, bộ máy còn nhiều bất cập, hạn chế và yếu kém cần chấn chỉnh. Như ngành tòa án, đến năm 2020, cần giảm hơn giảm hơn 5.000 biên chế, tương tự là viện KSND, kiểm toán… Tinh giảm biên chế sẽ giúp tiết kiệm chi ngân sách, có nguồn nâng lương cho cán bộ cấp cơ sở.

Tiếp thu ý kiến cử tri về trong việc xây dựng luật, Chủ tịch QH cho biết, hiện nay “tuổi thọ” một số văn bản luật chưa cao, khoảng 5 đến 10 năm, có trường hợp luật vừa mới ban hành phải sửa đổi. Khi làm luật, Ban soạn thảo yêu cầu luật phải đảm bảo tuân thủ Hiến pháp, phải đảm bảo thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính chặt chẽ của các điều luật để vận dụng đúng và phải có một tuổi thọ dài. Tuy nhiên, do cuộc sống luôn luôn đi trước luật nên luật cần phải thay đổi để bắt kịp những vấn đề phát sinh trong xã hội, cũng như phù hợp với những cam kết hội nhập quốc tế.

Đọc thêm