Đã tinh giản biên chế gần 40.000 người

(PLO) - Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí của Bộ Nội vụ do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa chủ trì chiều qua (20/8).
Toàn cảnh buổi họp báo
Toàn cảnh buổi họp báo

Tinh giản biên chế gần 40.000 người

Thông tin tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, tổng số người tinh giản biên chế được Bộ Nội vụ thẩm tra từ năm 2015 đến ngày 6/8/2018 là 39.823 người. Theo đó, số người tinh giản biên chế trong năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; năm 2017 là 12.663 người; trong 7 tháng đầu năm là 9.462 người.

Trong đó, nếu tính theo chính sách được hưởng, số người hưởng chính sách về hưu trước tuổi là 34.515 người, chiếm 86,67%; hưởng chính sách thôi việc ngay là 5.234 người, chiếm 13,14%; hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học là 29 người, chiếm 0,07%. Số người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước là 40 người, chiếm 0,1%. 

Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, ở các bộ, ngành, khối TƯ đã thực hiện việc tách, nhập, điều chỉnh các vụ, viện phù hợp với tổ chức bộ, ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế. Tại địa phương, ông Minh cho biết, các địa phương rất chủ động sắp xếp các cơ quan bên trong.

“Qua kiểm tra 12 địa phương thì các địa phương đều rất chủ động, tích cực trong việc thực hiện Nghị quyết TƯ 6 về sắp xếp bộ máy, rất chủ động trong việc sắp xếp các cơ cấu bên trong của một Sở, ví dụ tại Ninh Thuận quán triệt một sở không quá 3 phòng chuyên môn, tại Hà Tĩnh thì 1 thôn không quá 3 chức danh”, ông Minh cho hay.

Kiên quyết thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ 

Tại cuộc họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về trường hợp Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Bình Định bị cho là có “quan lộ” thần tốc. Ông Trương Hải Long - Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức nhấn mạnh, quan điểm của Bộ Nội vụ khi triển khai kết luận Hội nghị TƯ 4 khóa XII và vừa rồi là Nghị quyết 26 về công tác cán bộ là thực hiện chủ trương chung của Đảng là cần kiên quyết thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ.

“Do vậy, đối với những trường hợp phát hiện ra những sai phạm trong công tác cán bộ thì Bộ Nội vụ đã tham mưu. Qua kiểm tra phát hiện hoặc từ thông tin báo chí nêu, Bộ Nội vụ đều đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Long cho hay.

Đối với dư luận về việc bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Bình Định được cho là “thần tốc”, theo ông Long, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định và tỉnh Bình Định đã có các biện pháp để kiểm tra và nếu phát hiện có sai phạm thì theo thẩm quyền quản lý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bình Định sẽ có quyết định xử lý.

“Bộ Nội vụ với tư cách là cơ quan tham mưu chính về quản lý nhà nước đã có văn bản báo cáo Thủ tướng chỉ đạo giao các, bộ, ngành, địa phương thực hiện. Qua theo dõi kết quả xử lý hoặc trên cơ sở kết quả báo cáo xử lý của tỉnh Bình Định nếu thấy không phù hợp chúng tôi sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định”, ông Long nói thêm.

Về câu hỏi có hay không tình trạng lợi dụng chính sách thu hút cán bộ, đặc biệt là thu hút cán bộ trẻ ở các bộ, ngành, địa phương để “cài cắm”, bổ nhiệm người nhà, người thân, ông Long khẳng định quan điểm chung trong thực hiện công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay là tất cả các cấp ủy đảng, các cơ quan đều phải thực hiện nghiêm theo các quy định.

Đối với chính sách thu hút cán bộ trẻ, theo ông Long, qua thanh tra, kiểm tra, kiểm tra, Bộ Nội vụ nhận thấy do quy định của Trung ương chưa cụ thể nên có bộ, ngành, địa phương có chính sách “vượt rào”. “Việc này nếu mang tính hỗ trợ chính sách thì không sao nhưng thu hút cán bộ trẻ mà trái với quy định của Trung ương thì qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Nội vụ đều kiến nghị sửa đổi”, ông nhấn mạnh. 

Đọc thêm