Đề án e-Cabinet: Đến hết năm 2019, sử dụng 100% văn bản điện tử

(PLO) - Cuối tuần qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì cuộc họp triển khai hoạt động của Tổ công tác.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp triển khai hoạt động của Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp triển khai hoạt động của Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hiện nay, việc điện tử hóa các tài liệu văn bản đã trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức khảo sát, học tập kinh nghiệm về quản trị hành chính công và xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số tại các quốc gia thành công, có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng về Chính phủ điện tử của Liên Hợp quốc như Malaysia, Estonia, Pháp, Hàn Quốc. Sau đợt khảo sát, Văn phòng Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng về việc triển khai và các bài học kinh nghiệm của các nước để áp dụng theo thực tế tại Việt Nam.

Văn phòng Chính phủ đã khẩn trương xây dựng Đề án e-Cabinnet phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu đến hết năm 2019 sẽ giảm 30% thời gian các phiên họp Chính phủ, đồng thời giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy; sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp (trừ văn bản có độ mật).

Theo dự thảo đề án, các thành viên Chính phủ cho ý kiến và biểu quyết trên môi trường điện tử có thực hiện chữ ký số đối với các công việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, kể cả khi vắng mặt tại cơ quan hoặc vắng mặt tại phiên họp Chính phủ. Đề án phấn đấu hết năm 2019, 100% các nội dung xin ý kiến thành viên Chính phủ được xử lý trên môi trường mạng (trừ nội dung bí mật nhà nước)…

Ngoài ra, khi được triển khai trong thực tế, Đề án cũng làm tiền đề để kết nối liên thông và phát triển các hệ thống thông tin khác hướng tới một Chính phủ không giấy tờ, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, góp phần đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.

Đọc thêm