Đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước

(PLO) - Hôm nay (21/11), Bộ Tài chính phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN và Cổng thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế (TĐKT), tổng công ty nhà nước (TCTNN). Hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Thông tin vừa được đưa ra tại buổi họp báo do Bộ Tài chính chủ trì hôm qua (20/11).
Họp báo chia sẻ thông tin về  Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các TĐKT, TCTNN.
Họp báo chia sẻ thông tin về Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các TĐKT, TCTNN.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, Hội nghị được tổ chức với mục tiêu đánh giá lại 3 năm triển khai đổi mới, cơ cấu lại DNNN của nhiệm kỳ này, tập trung bàn bạc, thảo luận về các giải pháp thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt và hiệu quả việc sắp xếp, đổi mới DNNN, thực hiện tốt việc cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại DN trong thời gian tới.

Trong đó, có các giải pháp quan trọng sẽ được đề xuất như các DNNN thuộc diện CPH cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất, trình UBND các tỉnh, TP có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN CPH theo đúng quy định.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các DN đã CPH  thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật.

Thực hiện quyết toán công tác CPH và xác định số phải nộp về quỹ (nếu có) đối với các DN CPH chưa quyết toán và hoàn thành trước ngày 31/12/2018, trường hợp không đảm bảo thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này.

Bên hành lang QH, trao đổi với PLVN về CPH DNNN, ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho rằng, trong thời gian vừa qua, công tác CPH gặp nhiều sai sót, thậm chí các vi phạm do một số quy định của luật pháp chưa chặt chẽ khiến những người tiến hành CPH e ngại “dẫm vào vết xe đổ”, cản trở những người mong muốn CPH.

Vì không muốn “tự đưa mình vào thế khó” nên bản thân nhiều người đứng đầu DNNN không muốn CPH, bám vào những vướng mắc để trì hoãn, đưa ra hàng loạt nguy cơ rủi ro khiến những người có quyết định cao hơn “chùn bước” trong việc thúc đẩy CPH.

Do đó, Chính phủ cần có biện pháp, thậm chí cứng rắn đối với những DN này. Nếu không thực hiện được CPH theo kế hoạch thì phải coi người đứng đầu DN không hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí, đến thời điểm chốt mà không làm được thì phải rời khỏi vị trí lãnh đạo DN. Đồng thời phải hoàn thiện thể chế để các địa phương, DN không còn cớ “víu vào” để không CHP…

Đọc thêm