Đối thoại trực tuyến về “Bảo đảm quyền được thông tin pháp luật của công dân”

(PLO) - Việc “Bảo đảm quyền được thông tin pháp luật của công dân" ở nước ta hiện nay đang được thực hiện như thế nào? Công dân buộc phải biết thông tin về các quy định của pháp luật hay Nhà nước phải có trách nhiệm tuyên truyền để dân biết? Hai khách mời của Chương trình là ông Đỗ Xuân Lân, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và bà Hồ Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội sẽ giải đáp các câu hỏi của bạn đọc. 
Đối thoại trực tuyến về “Bảo đảm quyền được thông tin pháp luật của công dân”

Quyền tiếp cận thông tin, trong đó có thông tin pháp luật là một trong những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự, chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc. Ở Việt Nam, quyền được thông tin của công dân cũng đã được quy định trong Hiến pháp. Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin là quá trình thúc đẩy công bằng và thực thi pháp luật, củng cố nhà nước pháp quyền. Việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, trong đó có thông tin pháp luật sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, làm tăng tính hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước.

Để cung cấp tới Quý độc giả những thông tin hữu ích về việc “Bảo đảm quyền được thông tin pháp luật của công dân", Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp tổ chức buổi đối thoại trực tuyến trên Báo Pháp luật Việt Nam điện tử (địa chỉ: baophapluat.vn) về chủ đề này vào lúc 14h00 thứ 4, ngày 13/12. 

Bạn đọc Nguyễn Thanh Hiền (Hoài Đức – Hà Nội): Người dân chúng tôi chỉ được quyền tiếp cận thông tin pháp luật, hay mọi thông tin người dân đều được quyền tiếp cận?

Ông Đỗ Xuân Lân: Quyền tiếp cận thông tin của công dân là một quyền Hiến Định; Được cụ thể hóa và bảo đảm thực hiện theo luật tiếp cận thông tin năm 2016. Việc tiếp cận thông tin của công dân phải được thực hiện theo quy định của luật tiếp cận thông tin. Như vậy không phải mọi thông tin người dân đều được quyền tiếp cận.

Ông Đỗ Xuân Lân (trái) đang trả lời các câu hỏi của độc giả
Ông Đỗ Xuân Lân (trái) đang trả lời các câu hỏi của độc giả

Công dân cũng có quyền được tiếp cận thông tin về pháp luật, việc thực hiện và bảo đảm thực hiện   quyền được thông tin về pháp luật của công dân sẽ theo quy định của luật phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 và các thông tin mà người dân được tiếp cận sẽ theo quy định của luật tiếp cận thông tin.

Bạn đọc Chu Anh Đức, Thanh Hoá hỏi: Quyền được thông tin về pháp luật của người dân được quy định cụ thể tại những văn bản pháp luật nào? Và ông đánh giá như thế nào về khả năng tiếp cận thông tin về pháp luật của người dân hiện nay?

Ông Đỗ Xuân Lân: Theo Điều 25 của Hiến pháp 2013, công dân có quyền tiếp cận thông tin, trong đó có thông tin về pháp luật. Quyền được thông tin về pháp luật của công dân được quy định cụ thể trong Luật PBGDPL 2012: “Công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập, pháp luật. Nhà nước đảm bảo, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật.” (Điều 2)

Để cụ thể hóa quyền được tiếp cận thông tin trong Hiến pháp, Điều 17 của Luật tiếp cận thông tin năm 2016 (Hiệu lực  thi hành từ 1/7/2018) quy định các thông tin sau đây phải được công khai rộng rãi:

-Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà ViệtNnam là một bên; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan Nhà nước

- Thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với nhưng lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan Nhà nước

- Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật  về ban hành pháp luật.

Điều 15 Luật tiếp cận thông tin năm 2016 cũng quy định: Người nào có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trác nhiệm hình sự.

Điều 167 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung) quy địnhvề tội xâm phạm quyền tiếp cận thông tin của công dân: “Người nào dùng vũ lực đe dọa, dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo  không giam giữ đến 2 năm hoặc bi phạt  tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 1năm đến 5 năm: Có tổ chức, lợi dụng chức vụ quyền hạn, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính cũng có những quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc cản trở công dân thực hiện quyền này.

Đánh giá về khả năng tiếp cận thông tin về pháp luật của người dân hiện nay: Về cơ bản là tốt, công khai mọi văn bản trên cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật; Công báo (trung ương, địa phương); Cổng/trang thông tin điện tử, tủ sách pháp luật, các cơ quan báo chí, truyền thông và lưới thông tin cơ sở, mạng xã hội, Internet.

Rất nhiều câu hỏi về quyền được thông tin pháp luật của người dân đang được gửi tới các chuyên gia
Rất nhiều câu hỏi về quyền được thông tin pháp luật của người dân đang được gửi tới các chuyên gia

Bạn đọc Kiều Tuyết Lan (Quảng Nam): Chúng tôi muốn tìm các văn bản mới ban hành thì tìm ở đâu?

Ông Đỗ Xuân Lân: Bạn có thể tìm văn bản mới ban hành trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về văn bản pháp luật; Công báo  (Trung Ương, địa phương); Cổng thông tin; Trang thông tin điện tử của Bộ nghành; Đoàn thể địa phương; Ủy ban nhân dân các cấp cũng như tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, bạn cũng có thể tiếp cận các văn bản mới trong các sách báo, tài liệu liên quan tới giới thiệu nội dung cơ bản và những điểm mới của văn bản. Trang thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật của Bộ tư pháp và một số cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật khác cũng là một trong những nguồn có thể tìm kiếm văn bản.

Bạn đọc Trần Thị Bình ở Bình Dương hỏi: Thưa bà Hồ Xuân Hương, có 1 thực tế là nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số khi vi phạm pháp luật mới biết những việc họ làm là không được phép (như tảo hôn, bạo lực gia đình, thậm chí là vận chuyển ma túy.v.v…). Theo bà, làm thế nào để người dân có thể tiếp cận nhiều hơn với những thông tin pháp luật cần thiết cho cuộc sống của họ?

Bà Hồ Xuân Hương: Để người dân có thể tiếp cận nhiều hơn với những thông tin pháp luật cần thiết cho cuộc sống của họ cần phải có những cách làm như sau:

- Hướng công tác PBGDPL về cơ sở;

- Tăng cường lực lượng báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở để phổ biến kịp thời những nội dung của văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan trực tiếp đến người dân;

- Tăng cường phát hành tài liệu hỏi đáp pháp luật (nội dung ngắn gọn dễ hiểu để phát cho người dân, dịch ra tiếng dân tộc để phát cho đồng bào dân tộc thiểu số).

- Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng để chia sẻ thông tin pháp luật cho nhân dân;

- Tăng thời lượng tuyên truyền, phát bản tin đối với loại thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách của người dân sinh sống tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn

- Nhân rộng mô hình tổ PBGDPL và trợ giúp pháp lý ở xã, phường, thị trấn;

- Tăng thời lượng thông tin về pháp luật trên các chuyên trang, chuyên mục của các báo, đài phát thanh truyền hình, trên loa truyền thanh ở cơ sở;

- Thực hiện nghiêm việc niêm yết các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn;

- Thực hiện nghiêm các quy định của Luật tiếp cận thông tin (có hiệu lực từ 01/7/2018) về việc công khai rộng rãi các thông tin được phép công khai, cung cấp kịp thời thông tin pháp luật cho người dân khi có yêu cầu.

Bạn đọc Trần Thu An, Đà Nẵng hỏi: Người dân có bắt buộc phải tự biết những thông tin về pháp luật không? Hay nhà nước phải có trách nhiệm phổ biến, giáo dục để người dân nắm được thông tin về pháp luật?

Bà Hồ Xuân Hương: Theo Điều 6 và Điều 48 của Hiến pháp 2013: Người nước ngoài cư trú ở Việt nam; công dân Việt Nam có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Vì vậy, người dân bắt buộc phải tự biết những thông tin về pháp luật để lựa chọn hành vi xử sự phù hợp với quy định của pháp luật; nếu vi phạm pháp luật, sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm.

Bà Hồ Xuân Hương (phải), Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội đang trả lời các câu hỏi của độc giả
Bà Hồ Xuân Hương (phải), Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội đang trả lời các câu hỏi của độc giả

Tuy nhiên, theo Luật PBGDPL 2012: Công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật. Nhà nước bảo đảm tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật." (Điều 2).

Như vậy, theo quy định này, công dân vừa bắt buộc phải chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật và Nhà nước cũng phải có trách nhiệm bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật. Vì thế, Điều 3 của Luật quy định PBGDPL là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt. Trách nhiệm của Nhà nước và cả hệ thống chính trị là phải triển khai thực hiện tốt công tác PBGDPL.

Bạn đọc Vi Thị Thơm ở Thái Bình hỏi: Bà có thể cho biết người dân có thể tiếp cận thông tin pháp luật thông qua những cách thức nào?

Bà Hồ Xuân Hương:  Hội nghị giới thiệu Luật, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tuyên truyền PBGDPL, các phương tiện thông tin đại chúng (các báo, Đài phát thanh truyền hình, loa truyền thanh của xã, phường), câu lặc bộ pháp luật, khai thác tủ sách pháp luật, tài liệu pháp luật được cấp phát (sách, tờ gấp hỏi đáp pháp luật), các cuộc thi tìm hiểu pháp luật.v.v.

Bạn đọc Kiều Tuyết Hoa, Cần Thơ hỏi: Trong quá trình tiếp cận thông tin về pháp luật, nếu người dân bị cản trở, họ phải làm gì?

 Ông Đỗ Xuân Lân: Quyền được tiếp cận thông tin về pháp luật là một quyền con người, quyền cơ bản của công dân nên nó phải được bảo đảm thực hiện trên thực tế. Trách nhiệm của tất cả các chủ thể, trong đó có các cơ quan nhà nước là phải bảo đảm để công dân thực hiện quyền này; mọi hành vi cản trở việc thực hiện quyền này của công dân đều là hành vi trái pháp luật và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự bị áp dụng các biện pháp kỷ luật, nếu gây thiệ hại thì phải bồi thường thiệt hại.

Ông Đỗ Xuân Lân: Quyền được tiếp cận thông tin về pháp luật là một quyền con người, quyền cơ bản của công dân nên nó phải được bảo đảm thực hiện trên thực tế.
Ông Đỗ Xuân Lân: Quyền được tiếp cận thông tin về pháp luật là một quyền con người, quyền cơ bản của công dân nên nó phải được bảo đảm thực hiện trên thực tế.

Nếu bị cản trở, người  dân có thể tự mình yêu cầu các chủ thể chấm dứt hành vi vi phạm; thông báo cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đấu tranh, xử lý đối với các hành  vi vi phạm. 

Bạn đọc Vũ Hải An, Ninh Bình hỏi: Cán bộ tư pháp xã có trách nhiệm đáp ứng quyền được tiếp cận thông tin pháp luật của người dân không?

Bà Hồ Xuân Hương: UBND xã có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra và thông tin do mình nhận được để trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, trừ trường hợp quy định tại Điều 6 của Luật Tiếp cận thông tin; đối với trường hợp quy định tại Điều 7 của Luật này thì cung cấp thông tin khi có đủ điều kiện theo quy định. Cán bộ tư pháp xã phối hợp với Văn phòng UBND giúp UBND xã cung cấp thông tin về pháp luật bằng các hình thức theo quy định.

Công dân được cung cấp thông tin không phải trả phí, lệ phí, trừ trường hợp luật khác có quy định.

Người yêu cầu cung cấp thông tin phải trả chi phí thực tế để in, sao, chụp, gửi thông tin.

Bạn đọc Thái Thị Len, ở Cao Bằng hỏi: Theo quyền được tiếp cận thông tin, những loại văn bản pháp luật nào của nhà nước ban hành thì chúng tôi được quyền xem và đến đâu để được xem các văn bản này?

Bà Hồ Xuân Hương: 

Các thông tin pháp luật sau đây phải được công khai rộng rãi:

a) Văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước;

b) Thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước;

c) Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung và kết quả trưng cầu ý dân, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan nhà nước mà đưa ra lấy ý kiến Nhân dân theo quy định của pháp luật; đề án và dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính.

Bạn đọc Trần Thanh Loan, tp Hồ Chí Minh hỏi: Với vai trò là đơn vị giúp Bộ trưởng quản lý Nhà nước về công tác PBGDPL, Vụ PBGDPL đã và đang có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL để bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của công dân?

Ông Đỗ Xuân Lân: Với vai trò là đơn vị giúp Bộ trưởng quản lý Nhà nước về công tác PBGDPL, chúng tôi đã và đang thực hiện những công việc sau: 

Triển khai thực hiện tốt Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành; tới đây sẽ tham mưu ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả

- Triển khai thực hiện chương trình PBGDPL giai đoạn 20177 - 2021 và các đề án, ;Kế hoach tiếp tục triển khai thực hiện các Đề án về PBGDPL.

- Tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về PBGDPL, chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL chuyên ngành;

- Xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật; Cổng thông tin điện tử pháp điển; chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác pháp điển, rà soát, hệ thống hóa, xây dựng tửu sách pháp luật.

- Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; Khai thác sử dụng hiệu quả đội ngũ  báo cáo viên pháp luật.

Bạn đọc Nguyễn Đức Dũng, Hà Nội hỏi: Người thân của tôi có liên quan đến một vụ án. Bên cơ quan điều tra đã cho làm một số xét nghiệm, giám định. Đã có kết quả. Nhưng họ cố tình dấu chúng tôi. Như vậy có phải là vi phạm quyền được tiếp cận thông tin pháp luật của người dân không?

Bà Hồ Xuân Hương: Các kết quả xét nghiệm, giám định có liên quan đến vụ án mà cơ quan điều tra đã cho trưng cầu thì người có hành vi phạm tội và người thân của họ không được quyền xem.Theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự và Luật Giám định Tư pháp thì người bị hại có quyền được xem các kết quả này.

Việc công khai kết quả giám định trên được thực hiện tại Tòa án.

Bạn đọc Tạ Thị Xuân (Yên Bái) hỏi: Nhà nước có quy định cơ quan nào phụ trách việc phục vụ quyền tiếp cận thông tin pháp luật của người dân không?

Ông Đỗ Xuân Lân: Theo luật phổ biến giáo dục pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong đó nhà nước giữ vai trò nòng cốt. Các cơ quan nhà nước; đội ngũ cán bộ công chức trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm nắm vững các quy định của pháp luật có liên quan và thực hiện việc tuyên truyền phổ biến, vận động thuyết phục người dân tuân thủ, chấp hành pháp luật.

Ông Đỗ Xuân Lân: Phổ biến giáo dục pháp luật là một nội dung của công tác quản lý nhà nước
Ông Đỗ Xuân Lân: Phổ biến giáo dục pháp luật là một nội dung của công tác quản lý nhà nước

Phổ biến giáo dục pháp luật là một nội dung của công tác quản lý nhà nước, vì vậy các cơ quan được giao chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực nào thì có trách nhiệm phải tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân về lĩnh vực đó. Trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ trưởng, UBND các cấp là phải triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân trong phạm vi quản lý. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý.

Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm thực hiện công tác phổ biến pháp luật thuộc trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan.

Bạn đọc Lê Ngọc Anh, Bình Định hỏi: Pháp luật có giới hạn người nào được tiếp cận với loại thông tin pháp luật nào không? Hay được quyền tự do tiếp cận những thông tin pháp luật mà mình muốn?

Bà Hồ Xuân Hương: Công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước trừ thông tin không được tiếp cận quy định tại Điều 6 của Luật Tiếp cận thông tin; được tiếp cận có điều kiện đối với thông tin quy định tại Điều 7 của Luật Tiếp cận thông tin.

Bà Hồ Xuân Hương: Công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước trừ thông tin không được tiếp cận quy định tại Điều 6 của Luật Tiếp cận thông tin
Bà Hồ Xuân Hương: Công dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước trừ thông tin không được tiếp cận quy định tại Điều 6 của Luật Tiếp cận thông tin

Người mất năng lực hành vi dân sự thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người giám hộ;

Người dưới 18 tuổi yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp Luật Trẻ em và luật khác có quy định khác.

Bạn đọc Nguyễn Xuân Trường (Bắc Ninh):  Theo quyền được thông tin pháp luật, những loại văn bản nào của nhà nước ban hành, chúng tôi được quyền xem, và đến đâu để được xem các văn bản này?

Ông Đỗ Xuân Lân: Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật không thuộc bí mật nhà nước, mọi người dân đều có quyền tiếp cận và tìm hiểu để thực thi nghiêm chỉnh và đầy đủ.

Các bạn có thể xem trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về văn bản pháp luật; Cổng thông tin điện tử chính phủ; Hệ thống công báo; Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước; Tủ sách pháp luật; Xã phường thị trấn hoặc liên hệ với cán bộ công chức được giao nhiệm vụ triển khai thi hành văn bản đó hoặc được giao nhiệm vụ thực thi công vụ trong lĩnh vực đó. Bạn cũng có thể liên hệ với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật để được cung cấp thông tin. Trang thông tin điện tử phổ biến pháp luật của Bộ tư pháp cũng là một địa chỉ bạn có thể tìm đến để xem hoặc xem trên báo chí có đăng tải toàn văn nội dung văn bản.

Bạn có thể xem toàn văn hoặc từng nội dung của văn bản theo nhu cầu của mình. Dĩ nhiên văn bản đó phải không thuộc diện văn bản mật hoặc văn bản lưu hành nội bộ.

Bạn đọc Lê Minh Giang (Tây Ninh):  Nếu cố tình dấu diếm các văn bản pháp luật, cố tình hạn chế quyền được  thông tin pháp luật của người dân thì có bị xử lý không, hình thức xử lý như thế nào?

Ông Đỗ Xuân Lân: Tiếp cận thông tin pháp luật là quyền cơ bản của công dân và người dân cần phải biết pháp luật để lựa chọn hành vi xử sự phù hợp với pháp luật, không vi phạm pháp luật hoặc xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, người dân và xã hội. Vì vậy, luật phổ biến giáo dục quy định, nhà nước bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật. Việc không cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật là hành vi bị luật nghiêm cấm. Người cố tình giấu diếm các văn bản pháp luật, cố tình hạn chế quyền được thông tin về pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kỷ luật; Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định.

Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội vi phạm quyền tiếp cận thông tin của công dân trong đó có thông tin về pháp luật. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 2 tháng đến 3 năm, thậm chí có thể phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Rất nhiều độc giả quan tâm tới quyền được thông tin pháp luật
Rất nhiều độc giả quan tâm tới quyền được thông tin pháp luật

Bạn đọc Thu Thi Tran (Hamburg, Đức):  Tôi là người Việt xa xứ lâu năm, thường tìm hiểu thông tin về quê nhà qua mạng xã hội, tuy nhiên trên mạng hiện có rất nhiều nguồn tin, mỗi sự kiện đều có nhiều luồng thông tin khác nhau. Xin hỏi có cách nào để phân biệt tin chính thống nên tiếp cận và tin hạn chế tiếp cận?

Ông Đỗ Xuân Lân: Muốn tiếp cận thông tin về pháp luật một cách chính thống, bạn nên truy cập và khai thác trên cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, công báo, cổng thông tin điện tử và các trang tin điện tử của các cơ quan nhà nước. Đây là những nguồn cung cấp thông tin chính thức của nhà nước cho người dân. 

Các thông tin trên mạng xã hội thường không phải là các thông tin pháp luật chính thống. Vì thế bạn cần sàng lọc và thận trọng khi tiếp cận các nguồn tin này.

Bạn đọc Đàm Văn Dững (Trùng Khánh - Cao Bằng): Tôi là một nhà giáo về hưu, thường được bà con đến nhờ tư vấn về các khúc mắc liên quan đến chế độ, chính sách đến pháp luật. Tôi có nhu cầu cập nhật thường xuyên thông tin về luật, các quy định mới được điều chỉnh trong pháp luật, các chính sách với đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng miền núi. Xin hỏi tôi có thể tìm những thông tin này ở đâu?

Ông Đỗ Xuân Lân: Bác nên truy cập khai thác thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, công báo, cổng thông tin điện tử chính phủ. Vụ việc có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ - Nghành nào thì bác tiếp cận với cổng thông tin của Bộ - Nghành đó để khai thác thông tin, thậm chí nêu câu hỏi ở mục hỏi đáp hoặc tư vấn pháp luật trên trang thông tin điện tử (nếu có). Toàn văn, văn bản và những điểm mới của văn bản thường được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của các Bộ - Nghành quản lý nhà nước chuyên nghành bác có thể truy cập vào trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ tư pháp hoặc Ủy ban dân tộc để phục vụ cho nhu cầu tiếp cận thông tin pháp luật của mình, nhất là các chế độ chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và người dân ở vùng sâu vùng xa.

Bạn đọc Lê Thị Mai (Việt Trì, Phú Thọ): Để được thông tin pháp luật, người dân chỉ cần đến cơ quan quản lý nhà nước hay còn phải thực hiện những thủ tục gì? Có phải trả tiền để có thông tin pháp luật không?

Bà Hồ Xuân Hương: Người yêu cầu cung cấp thông tin có thể yêu cầu cung cấp thông tin bằng các hình thức: trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác đến trụ sở của cơ quan nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin;

Gửi phiếu yêu cầu qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax đến cơ quan cung cấp thông tin.

Trình tự thủ tục cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin được quy định như sau:

Đối với thông tin đơn giản có sẵn có thể cung cấp ngay thì người yêu cầu cung cấp thông tin được trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu hoặc yêu cầu cung cấp ngay văn bản, bản chụp tài liệu.

Đối với thông tin phức tạp, không có sẵn cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó, hoặc thông tin cần thiết phải có ý kiến của các cơ quan tổ chức đơn vị khác thì chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ, cơ quan được yêu cầu phải thông báo cho người yêu cầu đến trụ sở được trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu hoặc yêu cầu cung cấp ngay văn bản, bản chụp tài liệu..., hoặc có văn bản thông báo về việc từ chối cung cấp thông tin.

Trình tự, thủ tục cung cấp thông tin qua mạng điện tử khi có đủ điều kiện sau đây:

a) Thông tin được yêu cầu phải là thông tin thuộc tập tin có sẵn và có thể truyền tải qua mạng điện tử;

b) Cơ quan nhà nước có đủ điều kiện về kỹ thuật để cung cấp thông tin được yêu cầu qua mạng điện tử.

Việc cung cấp thông tin qua mạng điện tử được thực hiện bằng các cách thức sau đây:

a) Gửi tập tin đính kèm thư điện tử;

b) Cung cấp mã truy cập một lần;

C) Chỉ dẫn địa chỉ truy cập để tải thông tin

Công dân được cung cung cấp thông tin không phải trả phí, lệ phí trừ trường hợp luật khác có quy định; người yêu cầu cung cấp thông tin phải trả chi phí thực tế để in, sao, chụp, gửi thông tin.

Các khách mời đã trực tiếp giải đáp rất nhiều câu hỏi của độc giả
Các khách mời đã trực tiếp giải đáp rất nhiều câu hỏi của độc giả

Kính thưa Quý độc giả!

Trong khoảng thời gian từ 14h đến 15h30 ngày hôm nay (13/12), hai khách mời của chúng tôi là ông Đỗ Xuân Lân, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và bà Hồ Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội đã trực tiếp giải đáp  nhiều câu hỏi của độc giả về quyền được thông tin về pháp luật của công dân. 

Những câu hỏi mà độc giả đang tiếp tục gửi về Tòa soạn chưa được trả lời sẽ được chúng tôi gửi tới các chuyên gia để có phản hồi trong thời gian sớm nhất. 

Trân trọng cảm ơn sự quan tâm, theo dõi của Quý độc giả. 

Đọc thêm