Đồng thuận cao, Quốc hội thống nhất thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi)

(PLO) -  Hôm nay, 23/11, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng như quy định về nợ vay về cho vay lại, nợ Chính phủ bảo lãnh, trách nhiệm người đứng đầu và đặc biệt là quy định thống nhất đầu mối quản lý nợ công.
Kết quả biểu quyết Luật Quản lý nợ công (sửa đổi)
Kết quả biểu quyết Luật Quản lý nợ công (sửa đổi)

Với đa số phiếu tán thành Quốc hội đã thống nhất thông qua toàn văn Dự thảo Luật Quản lý nợ công. Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ Dự thảo luật này, Quốc hội đã cho ý kiến về một số điều luật như điều 15 của dự thảo Luật về nội dung mô hình cơ quan quản lý nợ công. Đa số phiếu đã tán thành với quy định như Dự thảo.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, đa số ý kiến tán thành quy định Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính như Dự thảo luật.

Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì đàm phán, ký kết các thỏa thuận vay nợ. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong Luật, đề nghị bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng nhà nước hoặc có ý kiến đề nghị giữ như Luật hiện hành.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng quy định rõ đầu mối quản lý nợ công: (i) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; (ii) Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính: chủ trì tổ chức thực hiện đàm phán, ký kết thỏa thuận vay thương mại, hiệp định khung, hiệp định cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước và Chính phủ; (iii) Giao Chính phủ phân công cụ thể nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về nợ công. 

Trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo luật, nội dung này đã được UBTVQH, Đảng đoàn Quốc hội báo cáo xin ý kiến và được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, để tránh cách hiểu, cách áp dụng khác nhau, bảo đảm cụ thể, chặt chẽ, thống nhất về mặt pháp luật, tạo thuận lợi cho quá trình áp dụng Luật, UBTVQH đã bổ sung nội dung khoản 3 Điều 62 theo hướng quy định rõ: Trong trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Luật này và Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 thì áp dụng theo quy định của Luật này.

Khẳng định quan điểm này, UBTVQH cho biết quy định trong Dự thảo luật là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, đúng tinh thần, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc một tổ chức có thể làm nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, đồng thời giao Chính phủ quy định nhiệm vụ phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nợ công nhằm xác lập căn cứ pháp lý minh bạch, cụ thể trong xác định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính, nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp của các cơ quan liên quan, tương tự như quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan đầu mối trong nhiều đạo luật hiện hành như Luật Du lịch; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Phí và lệ phí… 

Ngoài vấn đề liên quan đến nhiệm vụ của Bộ Tài chính, UBTVQH cũng giải trình, tiếp thu nhiều ý kiến liên quan đến phạm vi nợ công, chỉ tiêu an toàn nợ công, quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ…

Tất cả những vấn đề này cũng đã nhận được sự đồng thuận của ĐBQH sau khi nghe UBTVQH giải trình.

Đọc thêm