Hàng loạt tàu cá vỏ thép hư hỏng ở Bình Định: Tỉnh sẽ hỗ trợ nếu người dân kiện doanh nghiệp

(PLO) -Trước tình trạng vì đóng tàu vỏ thép nhưng vừa hạ thủy đã hư hỏng khiến ngư dân gánh nợ hàng chục tỷ đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng: “doanh nghiệp đã lợi dụng lòng tốt, sự thiếu hiểu biết của các chủ tàu để làm như thế là không đúng với lương tâm. Nếu các doanh nghiệp không giải quyết những kiến nghị của ngư dân, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ các thủ tục để ngư dân khởi kiện ra tòa”.
 

 

Hàng loạt tàu vỏ thép của ngư dân bị hư hỏng nằm ở Cảng Quy Nhơn.
Hàng loạt tàu vỏ thép của ngư dân bị hư hỏng nằm ở Cảng Quy Nhơn.

Theo ông Trần Văn Phúc - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, tổ trưởng tổ thẩm định độc lập, ngày 6/6, tổ công tác với các thành viên là chuyên gia, kỹ sư chuyên ngành khai thác hàng hải, cơ khí tàu thuyền, đăng kiểm viên cùng các cán bộ thuộc Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Bình Định, Sở Tư pháp tỉnh Bình Định và giám định viên chuyên ngành tàu và vỏ tàu thủy của chi nhánh Cty CP Tập đoàn VINACONTROL Quy Nhơn đã bắt đầu tiến hành kiểm tra, thẩm định 17 tàu vỏ thép của ngư dân của tỉnh bị hư hỏng. 

Bất ngờ về tình trạng tàu vỏ thép

Trong số 17 tàu vỏ thép bị hư hỏng mà ngư dân tỉnh Bình Định phản ánh, kiến nghị, có 12 tàu do Cty TNHH MTV Nam Triệu đóng, còn lại do Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng. Trong đó, có 7 tàu của ngư dân ở huyện Phù Cát, 4 tàu ở huyện Phù Mỹ, 4 tàu ở huyện Hoài Nhơn và 2 tàu ở TP.Quy Nhơn.

Nhiệm vụ của tổ công tác là tiến hành kiểm tra toàn diện từng con tàu, thẩm định, đánh giá để xác định rõ chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, tính năng hoạt động của vỏ tàu, máy thủy, máy điện trên tàu, các trang thiết bị được thi công cung cấp so với hợp đồng đã ký kết giữa ngư dân và các cơ sở đóng mới, cung cấp các trang thiết bị cho tàu vỏ thép. Dự kiến việc kiểm tra hoàn thành vào ngày 12/6.

Đến chiều 7/6, tổ công tác đã kiểm tra một số tàu neo đậu ở khu vực Cảng Quy Nhơn. Tại tàu vỏ thép BĐ 99179 TS của ngư dân Mai Văn Chương (ngụ huyện Phù Cát), các chuyên gia giám định độc lập “sốc” khi phát hiện tụ điện thuộc bộ phận tăng pô cung cấp điện bị xóa các thông số, ký hiệu và hãng sản xuất. Ngoài ra bộ phận tăng pô không có hệ thống tản nhiệt nên quá trình thắp sáng dễ gây chập mạch nguồn, cháy bóng đèn.

Các chuyên gia còn phát hiện trong hợp đồng tàu vỏ thép của ông Chương được trang bị 80 bóng đèn Hàn Quốc, mỗi bóng 3.000 W nhưng khi kiểm tra thì phát hiện đơn vị đóng tàu tự ý thay bóng đèn 2.000 W, không có hệ thống tản nhiệt.

Ông Chương bức xúc: “Tôi mới nhận tàu từ  8/2016 nhưng liên tục gặp sự cố gây lỗ 500 triệu đồng. Riêng giàn đèn tàu đã cháy hỏng mất 21/80 bóng. Nghe các chuyên gia bảo 80 bóng đèn trên tàu của tôi chỉ 2.000 W mà tôi tá hỏa, sốc nặng. Còn tụ điện bị xóa mờ các thông số, ký hiệu, rõ ràng đơn vị đóng tàu làm ăn gian dối, mờ ám mới làm như vậy”.

“Sau khi kiểm tra thực tế tại các tàu, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo, mời thêm các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan để có đánh giá toàn diện, chính xác, khách quan. Sau đó, tổ sẽ có báo cáo kết quả, đề xuất các biện pháp giải quyết trình UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý”, ông Phúc cho biết.

Các chuyên gia sốc khi phát hiện tụ điện thuộc bộ phận tăng pô cung cấp điện trên tàu ông Chương bị xóa các thông số, ký hiệu và hãng sản xuất.
Các chuyên gia sốc khi phát hiện tụ điện thuộc bộ phận tăng pô cung cấp điện trên tàu ông Chương bị xóa các thông số, ký hiệu và hãng sản xuất.

Ngư dân ôm cục nợ 

Trước đó, theo tinh thần Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Bình Định đã có 37 tàu vỏ thép được đóng mới. Tuy nhiên, có 17 tàu đã bị hư hỏng, có tàu hư hỏng rất nặng về máy móc, thiết bị và gỉ sét vỏ, thân tàu.

Nhiều ngư dân bức xúc khiếu nại với các cơ quan chức năng, cho rằng 2 Cty nêu trên đã tự ý thay đổi thép làm vỏ tàu có xuất xứ từ Trung Quốc thay vì Hàn Quốc hay Nhật Bản như trong hợp đồng, mặt khác máy móc lắp ráp thiếu đồng bộ và chất lượng không đảm bảo dẫn đến tàu thường xuyên hư hỏng.

Ngư dân Nguyễn Văn Lý (ngụ xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) có tàu vỏ thép BĐ 99004 TS bức xúc: “Tôi lo sợ ngồi tù vì nợ ngập đầu tại ngân hàng, trong khi đó Cty TNHH Đại Nguyên Dương dường dường như muốn trốn trách nhiệm, có thời gian tôi liên lạc hoài không được. Sau gần 1 tháng thì mới đây Cty mới xuất hiện để xúc tiến việc sữa chữa nhưng tôi chưa đồng tình. Giờ phải chờ cơ quan chức năng kiểm tra vì sao lại đóng thép Trung Quốc”, ông Lý bức xúc.

Theo ngư dân Trần Đình Sơn (ngụ xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ), chủ tàu vỏ thép BĐ 99245 TS, từ khi tàu hạ thủy vào tháng 12/2016 đến nay ông chỉ đi được 2 chuyến biển nhưng thua lỗ đến gần 200 triệu đồng vì máy tàu hư hỏng liên tục.

“Con tàu này tôi đóng với số tiền 19,8 tỷ đồng tại Cty TNHH MTV Nam Triệu, theo hợp đồng máy tàu được trang bị là loại máy chính hãng Doosan của Hàn Quốc. Nếu không thay máy mới chắc chắn tôi phải trả tàu lại cho Cty chứ không dám ra khơi”, ông Sơn cho biết.

Tại cảng cá Đề Gi (thuộc xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), hàng loạt tàu cá vỏ thép đang nằm bờ để sửa chữa suốt nhiều tháng nay vì chất lượng tàu rất kém. 

Theo ngư dân Lê Văn Thãi, chủ tàu vỏ thép Lê Gia 01 BĐ 99016 TS công suất 940 CV hành nghề lưới vây, sau khi nhận tàu từ Cty TNHH MTV Nam Triệu về vào cuối năm 2016, ông mở chuyến biển đầu tiên nhưng bị thua lỗ 200 triệu đồng. 

“Lý do là thiết bị hầm bảo quản sản phẩm không đảm bảo, đá lạnh tiêu hao nhiều nên phải cho tàu vào bờ sớm. Sau đó, đơn vị đóng tàu cử thợ vào sửa chữa mất 2 tuần mới xong. Ngày 2/4, tôi vận hành tàu để chuẩn bị mở chuyến biển thứ 3 thì hộp số, kim phun dầu của tàu lại bị hỏng. Ngày 19/4, sau khi khắc phục xong, tôi cho tàu chạy thử tiếp lại phát hiện thêm bô và sơn hàn giải nhiệt của tàu bị hư hỏng”, ông Thãi bức xúc.

Trên tàu ông Chương, 80 bóng đèn Hàn Quốc, mỗi bóng 3.000 W cũng bị thay bằng bóng đèn 2.000 W.
Trên tàu ông Chương, 80 bóng đèn Hàn Quốc, mỗi bóng 3.000 W cũng bị thay bằng bóng đèn 2.000 W.

Sẽ hỗ trợ ngư dân khởi kiện

Theo ông Hà Ngọc Tân - Phó chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, ngư dân huyện Phù Mỹ hạ thủy 9 tàu vỏ thép. Trong đó, 8/9 tàu làm ăn thua lỗ, 4/9 tàu bị hư hỏng. 

Ông Tân cho biết: “Cty TNHH Đại Nguyên Dương ký hợp đồng đóng tàu bằng thép Hàn Quốc/Nhật Bản nhưng lại thay thế bằng thép Trung Quốc là sai sự thật, không đúng với hợp đồng, làm ăn gian dối”.

“Riêng Cty TNHH MTV Nam Triệu, trước đây tôi là 1 trong những người tích cực giới thiệu, tư vấn cho ngư dân vì lý do Cty này có uy tín từ trước. Nhưng qua sự cố tàu hư hỏng tôi cảm thấy rất hối hận. Việc này, có một phần trách nhiệm của tôi trong việc giới thiệu cho ngư dân. Nếu ngư dân đưa ra tòa khởi kiện, chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mình”, ông Tân nói.

Trước thực trạng tàu vỏ thép mới bàn giao cho ngư dân đã hư hỏng, nằm bờ, ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, bức xúc: “Mạng người là quý nhất. Doanh nghiệp làm ăn gian dối lỡ không may tàu gặp sự cố giữa vùng biển thời tiết xấu thì sinh mạng ngư dân sẽ vô cùng nguy hiểm. Đó là chưa kể là tôm, cá đánh bắt được nếu tàu gặp sự cố không thể vào bờ được thì hỏng hết, tổn thất kinh tế rất lớn”.

Theo ông Châu, trước đây, khi đối thoại với ngư dân về hàng loạt tàu vỏ thép mới hạ thủy đã hư hỏng, Cty TNHH Đại Nguyên Dương và Cty TNHH MTV Nam Triệu đổ lỗi cho ngư dân không biết vận hành, bảo dưỡng khiến tàu vỏ thép gỉ sắt cục bộ, liên tục gặp sự cố là không đúng. 

Doanh nghiệp đã lợi dụng lòng tốt, sự thiếu hiểu biết của các chủ tàu để làm như thế là không đúng với lương tâm. Khi thực hiện đóng tàu, hai Cty nói trên đóng tàu theo mẫu thiết kế có sẵn của Bộ NN-PTNT chứ không thiết kế mới, nhưng khi tính tiền, họ lại thu thêm tiền thiết kế mẫu, như vậy là không được. 

“Chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp phải hoàn trả chi phí thiết kế cho chủ tàu; đồng thời đền bù cho ngư dân bị thiệt hại thời gian tàu nằm bờ. Trong tháng 6, hai Cty nói trên nếu không giải quyết những kiến nghị của ngư dân thì UBND tỉnh sẽ hỗ trợ các thủ tục để ngư dân khởi kiện ra tòa”, ông Châu nói.

Đọc thêm