Không phát hiện trường hợp nào bị kết án oan trong năm qua

(PLO) - “Các án lệ đã tháo gỡ được khó khăn của thực tiễn, góp phần áp dụng thống nhất pháp luật, được nhiều cấp tòa án áp dụng, thậm chí có án lệ được Chánh án các nước đánh giá cao và thừa nhận có giá trị tham khảo để áp dụng quốc tế như án lệ có tình huống lái xe ô tô đâm thẳng vào cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ dừng xe kiểm tra”.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo trước Quốc hội.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo trước Quốc hội.

Thông tin trên được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết khi trình bày báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV trước khi Quốc hội bước vào phần chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay (30/10).

Đã ban hành 27 án lệ

Báo cáo tại phiên họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 55/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp, trong đó đã đặt ra các yêu cầu cụ thể đối với công tác của các tòa án.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 55, cho đến nay, công tác phát triển án lệ được đẩy mạnh và có nhiều đổi mới, đã ban hành 27 án lệ. Các án lệ đã tháo gỡ được khó khăn của thực tiễn, góp phần áp dụng thống nhất pháp luật, được nhiều cấp tòa án áp dụng, thậm chí có án lệ được Chánh án các nước đánh giá cao và thừa nhận có giá trị tham khảo để áp dụng quốc tế như án lệ có tình huống lái xe ô tô đâm thẳng vào cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ dừng xe kiểm tra.

Tình huống án lệ trong vụ án này là bị cáo đã lái xe ô tô đâm vào cảnh sát giao thông đang ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Cảnh sát giao thông chỉ bị thương, không chết do bám được vào gạt nước và kính chiếu hậu trên thành xe. Giải pháp pháp lý là bị cáo bị kết án về Tội giết người (không thành) chứ không phải Tội chống người thi hành công vụ như một số Tòa án đã xét xử trước đây.

Về thực hiện đúng nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ thị cho các Tòa án tuân thủ nghiêm nguyên tắc tranh tụng, quy định các tiêu chí đánh giá phiên xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp. Việc tranh tụng trong xét xử được thực thi nghiêm túc, nhất là các phiên tòa xét xử tội phạm tham nhũng và các phiên tòa được xã hội quan tâm.

Thông tin về triển khai hiệu quả việc công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, tính đến nay đã đưa lên mạng internet 151.186 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đã có 7 triệu lượt người truy cập và nghiên cứu các bản án.

Chưa phát hiện trường hợp bị kết án oan

Về việc thực hiện yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, thực hiện nghiêm 14 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử đã được đề ra tại Hội nghị Chánh án tòa án 4 cấp để bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại án, khắc phục về cơ bản việc để các vụ án quá hạn luật định; tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án trong năm qua là 1,09%; thấp hơn năm trước 0,21%, đáp ứng được yêu cầu Quốc hội đề ra.

Công tác xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào bị kết án oan người không có tội. Các vụ án lớn, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng và các vụ án mà dư luận xã hội quan tâm được các Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh như: vụ án Trịnh Xuân Thanh phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN); vụ án Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; vụ án Đinh La Thăng phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank).

Chánh án Toà án nhân dân tối cao khẳng định, các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước, đồng thời cũng chú ý áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị các bị cáo chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại.

Công tác xét xử các vụ việc dân sự và vụ án hành chính cơ bản đúng pháp luật, đúng thời hạn, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. 

Về công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử, năm 2018, Tòa án nhân dân tối cao đã thực hiện việc thanh tra, giám sát hoạt động công vụ đối với các Tòa án nhân dân cấp cao, 12 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 131 Tòa án nhân dân cấp huyện. Các tòa án nhân dân cấp tỉnh cũng đã triển khai 307 đợt thanh tra, kiểm tra về hoạt động công vụ đối với các đơn vị Tòa án cấp huyện và các tòa án chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân tỉnh. Qua kiểm tra đã phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm của Thẩm phán trong xét xử, đề xuất kháng nghị đối với các bản án, quyết định có vi phạm, sai sót.

Vẫn theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Tòa án nhân dân tối cao và các tòa án nhân dân cấp cao cũng đã giải quyết được 6.408 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đạt 40%; chất lượng giải quyết tiếp tục được đảm bảo.

Song, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng thừa nhận việc triển khai thực hiện các yêu cầu mà Nghị quyết số 55 của Quốc hội đề ra của Tòa án nhân dân tối cao cũng còn một số tồn tại, hạn chế như một số vụ án xét xử ở cấp sơ thẩm cũng còn có sai sót; tỉ lệ giải quyết đon đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; hạn chế trong giải quyết án hành chính còn nhiều…

Đọc thêm