Lạc giữa 'rừng' thủ tục

(PLO) - Năm 2002, ngành Hàng hải Việt Nam là ngành đầu tiên và duy nhất cho đến hiện nay báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng cho phép thực hiện thí điểm cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đối với tàu thuyền ra vào cảng biển khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Đó là Quyết định 55/2002/QĐ-TTg “lịch sử”. Sau một thời gian thí điểm, Thủ tướng cho phép áp dụng cải cách TTHC đối với tất cả các cảng biển Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nếu như trước khi có Quyết định 55/2002/QĐ-TTg, các cơ quan cảng vụ hàng hải, biên phòng, hải quan, y tế... đều “rình rập” để lên tàu biển kiểm tra. Sau khi có Quyết định 55/2002/QĐ-TTg, tất cả các cơ quan đều phải phối hợp với nhau và làm “một cửa”.

Nói ra rất đơn giản nhưng đó là cuộc “đấu tranh” thực sự về lợi ích cá nhân, bộ phận. Không lên tàu kiểm tra thủ tục tàu ra/vào cảng có nghĩa là mất “phong bì”.

Không giống như ngành Hàng hải, dù là một ngành hoạt động mang tính chất quốc tế cao, cho đến hiện nay, chúng ra vẫn “níu” nhau trong một “rừng thủ tục”. Gần đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu lên thực tế, “có mỗi mặt hàng như kén tằm, hạt hướng dương mà cũng phải 2 bộ kiểm tra. Mà các bộ không bao giờ đi cùng nhau, đợi “ông” này về rồi ông khác mới đến kiểm tra, kiểm định”.

Cùng “thân phận” như hạt hướng dương, kén tằm là nhiều thứ khác, trong đó nguyên liệu sôcôla cần 13 loại giấy phép, trong đó 12 nguyên liệu cần 12 loại giấy phép, cuối cùng phải xác nhận công bố thành phẩm. 

Vì sao chúng ta có quá nhiều thông tư của nhiều bộ, cùng “điều chỉnh”. Ví dụ như nguyên liệu sản xuất bánh kẹo phải qua kiểm tra theo 4 văn bản gồm 3 thông tư và 1 quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; giống cây trồng cũng phải kiểm tra theo 3 thông tư hay mặt hàng sữa chua vừa phải kiểm dịch theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm theo Bộ Y tế... Trong số các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành, có tới 58% phải thực hiện 2-3 lần thủ tục kiểm tra, tăng chi phí cho doanh nghiệp. 

Kiểm tra chia cắt, thủ công, mất thời gian; đáng tiếc hầu như không phát hiện ra vấn đề gì qua kiểm tra?

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện nay có khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí cho kiểm tra chuyên ngành. CIEM tính toán, nếu giảm được 30% trong số 100.000 mặt hàng phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành như hiện nay có thể giúp nền kinh tế tiết kiệm được khoảng 8,6 triệu ngày công và khoảng 4.300 tỷ đồng. Nếu giảm 50% sẽ tiết kiệm được khoảng 14,3 triệu ngày công và khoảng 7.100 tỷ đồng.

Ngay từ ngày đầu nhậm chức, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết trước toàn dân về một Chính phủ kiến tạo, phục vụ, liêm chính và hành động. Đáng tiếc, Thủ tướng không thể có “trăm tay, nghìn mắt” để làm thay các bộ, ngành.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng chúng ta thực sự đang như lạc giữa “rừng thủ tục”.

Đọc thêm