Nghiên cứu chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc hóa học thế hệ thứ 3

(PLO) - Đây là đề nghị của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị triển khai Chỉ thị số 14- CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng và tổng kết các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ diễn ra sáng 18/9, tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.

Đánh giá cao và biểu dương ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cũng như các bộ, ngành, các đoàn thể, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân đã chung sức, chung lòng thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa để thể hiện tấm lòng “đền ơn đáp nghĩa” với người có công, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các hoạt động không chỉ mang tính kỷ niệm mà còn thể hiện trách nhiệm, tình cảm và cả tấm lòng của thế hệ hôm nay với cha anh, những người đã hy sinh, cống hiến công sức và xương máu cho độc lập tự do của dân tộc. Song mỗi chúng ta cần xác định tiếp tục có những việc làm, hành động cụ thể xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh để giữ vững nền độc lập dân tộc và phát triển đất nước.

Theo Phó Thủ tướng, cách tri ân tốt nhất đối với các liệt sỹ, thương binh, các gia đình người có công là phải làm tốt hơn những nhiệm vụ mà Trung ương Đảng đã xác định, như phát triển về kinh tế, môi trường, văn hóa… Khơi dậy, nhân lên cái tốt trong mỗi cơ quan, trong mỗi một con người, trong mỗi một công việc. Trước hết, ngành LĐTB&XH cần tập trung giải quyết những hồ sơ đề nghị công  nhận thương binh, liệt sĩ đã tiếp nhận trong năm 2017 và đến năm 2020 sẽ giải quyết cơ bản xong tất cả hồ sơ còn tồn đọng. Nghiên cứu, thực hiện chế độ, chính sách đối với người bị ảnh hưởng chất độc hóa học thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học…

Cho rằng cả nước còn trên 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, Phó Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh, nỗ lực hơn nữa trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Việc xác định danh tính liệt sĩ phải làm với tất cả tấm lòng nhưng phải làm cẩn trọng, khoa học. Chế độ cho thương binh, liệt sĩ và người có công cũng cần được mở rộng diện đối tượng và nâng mức hỗ trợ phù hợp với khả năng hiện tại, phấn đấu 100% người có công, gia đình chính sách có mức sống bằng mức sống trung bình của địa phương.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định Bộ LĐTB&XH sẽ cùng các cấp, các ngành vào cuộc triển khai một cách quyết liệt, tận tâm với tinh thần, trách nhiệm cao. Đáng chú ý là sẽ làm điểm việc giải quyết hồ sơ thanh niên xung phong tồn đọng do không còn giấy tờ tại 3 tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Bình với phương châm công khai, minh bạch và thận trọng. Từ kết quả thí điểm, sẽ nhân rộng trên cả nước.

Cũng tại Hội nghị, báo cáo tổng kết các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, tổng kinh phí để tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp này là hơn 394,6 tỷ đồng. Các địa phương đã trích ngân sách tổ chức gặp mặt, thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách. Theo báo cáo ban đầu, ngân sách các địa phương trong cả nước đã dành khoảng 998,1 tỷ đồng với trên 2,44 triệu suất quà thăm hỏi tặng cho các gia đình chính sách… Như vậy, theo thống kê ban đầu, ngân sách nhà nước đã dành tổng cộng khoảng 1.392,7 tỷ đồng cho công tác thăm, tặng quà, chăm sóc người có công với cách mạng. 

Đọc thêm