Nữ giới bị 'đối xử' bất bình đẳng cả trong... sách giáo khoa

(PLO) - Phân tích 76 cuốn sách giáo khoa (SGK) của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12 với 8.276 nhân vật trong nội dung văn bản thì nam giới chiếm 69%, nữ giới chiếm 24%; với 7.987 nhân vật trong các hình ảnh thì nam giới chiếm 58%, nữ giới chiếm 41%; các ví dụ trong SGK về các nhân vật quan trọng, nổi tiếng có tới 95% là nhân vật nam…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 Việt Nam với xuất phát điểm từ xã hội phong kiến, tư tưởng trọng nam khinh nữ tồn tại dai dẳng, trong khi đó vấn đề về giới, bình đẳng giới trong xã hội hiện đại lại được nhìn nhận với nhiều góc độ mới, không những là vấn đề nam nữ mà còn cả vấn đề chuyển giới và đồng giới. Những điều này làm cho câu chuyện giáo dục về giới, bình đẳng giới trong nhà trường chứa đựng nhiều bất cập và đòi hỏi cấp thiết phải thay đổi.

Bất bình đẳng giới trong từng trang sách

Sự hạn chế rất lớn về yếu tố giới, bất bình đẳng giới còn thể hiện rất rõ trong từng trang sách – đó là nhận định của chính ngành Giáo dục xung quanh vấn đề đảm bảo bình đẳng giới trong chương trình giáo dục phổ thông. 

Cụ thể, kết quả phân tích 76 cuốn sách giáo khoa (SGK) của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12 với 8.276 nhân vật trong nội dung văn bản thì nam giới chiếm 69%, nữ giới chiếm 24%; với 7.987 nhân vật trong các hình ảnh thì nam giới chiếm 58%, nữ giới chiếm 41%; các ví dụ trong SGK về các nhân vật quan trọng, nổi tiếng có tới 95% là nhân vật nam…

Sự chênh lệch giữa các nhân vật nam nữ cũng có sự khác biệt theo các cấp học, càng lên cấp học cao sự chênh lệch càng lớn, nhất là ở cấp THPT. Nghề nghiệp của nhân vật nam giới trong SGK cũng đa dạng hơn nghề nghiệp của nữ giới.

Mặt khác, nghề nghiệp của các nhân vật trong SGK cũng không có sự cân bằng khi nam giới có nghề nghiệp cụ thể, đa dạng và đều là những công việc xuất hiện ở không gian công cộng, xã hội như bác sĩ, nhà khoa học, giáo sư, kỹ sư, họa sĩ, bộ đội, công an…, trong khi đó nữ giới đa phần làm công việc đơn giản, xuất hiện trong không gian hẹp, gia đình như nhân viên, nội trợ… Nhân vật nam, không chỉ đa dạng về ngành nghề, SGK còn mặc định những đặc tính được cho là điển hình của giới này là hướng ngoại, là trụ cột… để nữ giới phải nghe theo.

Mới đây, tại hội thảo “Đảm bảo bình đẳng giới trong chương trình giáo dục phổ thông” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, ông Trần Kim Tự - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo - Bộ GD-ĐT đã cho biết, suốt từ năm 2013 đến nay, Bộ GD-ĐT liên tục rà soát để điều chỉnh các nội dung về bình đẳng giới trong SGK, nhưng vì sự rà soát chỉ thực hiện mỗi năm một cấp học nhất định nên chưa có sự điều chỉnh tổng thể.

Bỏ quên giáo dục giới tính

Không chỉ tồn tại sự hạn chế về bất bình đẳng giới mà chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể là SGK hiện nay còn bỏ quên giáo dục giới tính. Cũng theo ông Trần Kim Tự, không chỉ mất cân đối về tỉ lệ nhân vật nam nữ trong nội dung, hình ảnh…, các nội dung về giáo dục giới tính và giáo dục kỹ năng sống liên quan đến giới cũng chưa được đề cập một cách bài bản, chính thức.

Vấn đề về giới, bình đẳng giới trong xã hội hiện đại được nhìn nhận với nhiều góc độ mới, không còn là vấn đề nam nữ, giáo dục giới tính, giáo dục sinh sản đơn thuần mà còn cả vấn đề chuyển giới và đồng giới, thế nhưng hầu như chưa được nói đến trong chương trình phổ thông. “Tôi từng được trải nghiệm ở một gia đình tại Singapore có con trai bị đồng tính. Khi tôi hỏi bố mẹ cháu bé rằng họ đối mặt với điều này thế nào. Họ không ngần ngại mà nói rằng đây là sự lựa chọn của con họ và họ tôn trọng lựa chọn đó. Nếu ở Việt Nam, vấn đề này có được nhìn nhận trực diện như thế hay không?”- ông Trần Kim Tự đặt câu hỏi.

Không chỉ ở Singapore, Hà Lan là quốc gia đi đầu về giáo dục giới tính khi là nước có tỉ lệ mang thai tuổi vị thành niên thấp nhất trên thế giới (khoảng 0,05%). Pháp luật Anh quy định bắt buộc trẻ đủ 5 tuổi sẽ bắt đầu học về giới tính. Tại châu Á, một số quốc gia cũng có chính sách về giáo dục trong trường học như Nhật Bản, giáo dục giới tính là bắt buộc từ 10 hay 11 tuổi; Ấn Độ có chương trình với mục tiêu hướng tới trẻ em từ 9 đến 16 tuổi; Chính phủ Malaysia khuyến cáo trẻ em nên được giáo dục giới tính từ 4 tuổi…

Nhưng ở Việt Nam, giáo dục giới tính chưa đề cập kịp thời trong SGK hiện hành. Bài học đầu tiên về giới tính trong SGK lớp 5, theo ông Trần Kim Tự, đơn thuần chỉ là học sinh được học về sự sinh sản nam nữ, cơ thể được hình thành từ lúc mới sinh cho đến dậy thì. “Giáo dục giới tính được chuyên gia khuyến cáo là phải đề cập cho học sinh cuối cấp tiểu học nhưng rõ ràng chúng ta đã hơi muộn vì chưa đề cập đến nội dung này một cách bài bản trong SGK về giáo dục giới tính các lớp cấp tiểu học” - ông Tự cho biết.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Cần cả nhận thức của giáo viên

Dù chương trình hay, SGK tốt nhưng đội ngũ giáo viên không nhận ra cần phải làm như thế hoặc không chủ động thì mọi nỗ lực của các nhà biên soạn cũng sẽ không đạt được kết quả.

Năng lực, trình độ, quan điểm, nhận thức và kỹ năng lồng ghép giới của các giáo viên trong quá trình triển khai các bài dạy trên lớp là yếu tố quyết định đến nhận thức của học sinh”.

Ông Trần Kim Tự - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo Bộ GD-ĐT

Ông Trần Kim Tự
Ông Trần Kim Tự

Tăng thông điệp nam giới làm việc nhà, phụ nữ làm kinh tế

Sẽ thêm hình ảnh và hành động tích cực hơn của nam giới thay vì chỉ gán những hành vi mang tính tiêu cực như vật lộn, hút thuốc, vứt rác; thêm hình ảnh thầy giáo trong cấp mẫu giáo, tiểu học và hình ảnh nam giới làm việc nhà như là hoạt động thường ngày hơn là chỉ khi người mẹ/vợ mang thai hoặc ốm đau; bổ sung hình ảnh về nữ giới biểu hiện sự tự tin, năng động, hoạt bát, điều hành hướng dẫn người khác hơn là thường chỉ ngồi yên lắng nghe.

Rà soát, xem xét giải thích tránh phân biệt giới khi sử dụng những từ ngữ như “người trụ cột trong gia đình”, “cháu đích tôn”, “phái mạnh” mặc định cho nam giới hoặc “dịu dàng”, “nội trợ”, “phái yếu” mặc định với phụ nữ. Ngoài ra sẽ nhấn mạnh vai trò của phụ nữ làm kinh tế…

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: 

Kết nối giữa gia đình và nhà trường xung quanh vấn đề giới

Đảm bảo bình đẳng giới trong chương trình giáo dục phổ thông là vấn đề rộng và rất khó, không chỉ về giới trong SGK mà còn làm thế nào để nâng cao nhận thức giới cho thầy cô, giáo, nhận thức trong quá trình viết sách.

Sắp tới, Hội LHPN Việt Nam với thế mạnh về đội ngũ cán bộ và mạng lưới chuyên gia về giới, Hội đề xuất sẽ làm đầu mối tổ chức và phối hợp triển khai hỗ trợ như tham gia các Hội đồng tư vấn, tham vấn về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng, thẩm định chương trình và SGK phổ thông. Ngoài ra, biên soạn và cung cấp tài liệu tăng cường kết nối giữa cha mẹ và con cái, giữa gia đình và nhà trường, trong đó có nội dung giáo dục về giới và bình đẳng giới.

Đọc thêm