Quản lý nợ công: Cần thống nhất một đầu mối

(PLO) - Đó là quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khi cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), hôm qua (17/8).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Lê Thị Nga phát biểu.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Lê Thị Nga phát biểu.

Không để tình trạng “cát cứ”

Ý kiến còn khác nhau duy nhất đối với dự án Luật này là quy định về đầu mối quản lý. Chính phủ đề nghị giữ nguyên nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như quy định hiện hành nhằm bảo đảm ổn định bộ máy, không gây xáo trộn về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan và không phải điều chỉnh các luật có liên quan.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH – cơ quan thẩm tra dự  án Luật – đề nghị quy định rõ Chính phủ chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về nợ công và điều chỉnh quy định về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành để bảo đảm xác lập rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan, khắc phục các bất cập, hạn chế hiện nay; bảo đảm nhất quán trong công tác quản lý, huy động, vay vốn trong nước cũng như vay vốn nước ngoài. 

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần thống nhất một đầu mối về quản lý nợ công. “Về đầu mối quản lý nợ công, chúng ta chưa làm được vì chúng ta cứ “cát cứ”. Bộ nào cũng giữ chức năng của bộ đó mà không chịu buông ra. Chúng ta không được đi ngược lại xu hướng thế giới và Nghị quyết của Bộ Chính trị”, Chủ tịch QH nói, đồng thời ví von: “Trong một gia đình cha mẹ lo cân đối ngân sách của gia đình nhưng con cái đi vay lợ tùm lum tiêu xài, cha mẹ lo ngân sách trả nợ thì làm sao có một nền ngân sách bền vững được”.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị tổng kết việc thực hiện chức năng của các cơ quan quản lý nợ công thời gian qua, đánh giá kỹ tác động của cả 2 phương án trước khi UBTVQH cho ý kiến. Tổng kết nội dung này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiến hành đánh giá tác động về việc nếu tập trung một đầu mối thì có lợi gì và để như hiện nay sẽ có tác động gì rồi thống nhất với nhau để trình ra UBTVQH cho ý kiến tại phiên họp tháng 9 tới. Nếu đến khi đó các bên vẫn còn khác nhau thì sẽ báo cáo Bộ Chính trị để xin ý kiến.

Thu hồi 867,942 tỷ đồng phân bổ  không đúng quy trình

Báo cáo thẩm tra việc điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách Trung ương của Chính phủ năm 2017 và thông qua phương án phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2016 cho biết, việc  thu hồi 867,942 tỷ đồng của 05 bộ, ngành trung ương và 02 địa phương phân bổ không đúng quy định và không có nhu cầu sử dụng. Liên quan đến những khoản thu hồi trong nước, Chính phủ đề nghị thu hồi 179,985 tỷ đồng đã bố trí cho việc xây dựng Trụ sở Bộ Ngoại giao và Dự án đầu tư phát triển và mở rộng Nhà máy In tiền Quốc gia của Ngân hàng Nhà nước. Đối với vốn ngoài nước, Chính phủ đề nghị thu hồi 687,957 tỷ đồng vốn ODA vay của Ấn Độ và các dự án ODA có cơ cấu hỗn hợp. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân vì sao có tình trạng phân bổ không đúng và phân bổ vào một số lĩnh vực không có nhu cầu sử dụng. Trách nhiệm thuộc về cơ quan nào? Việc tuân thủ Luật Ngân sách Nhà nước và các luật liên quan đến đầu tư thực hiện có đúng không “để năm sau không còn xảy ra tình trạng này”, bà Nga nói.

Chỉ ra một số vấn đề trong phân bổ vốn ngân sách Trung ương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời, cần xác định tiêu chí cụ thể cho việc điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách Trung ương với số vốn thu hồi về. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị: “Cần phải có thái độ rõ ràng đối với việc mạnh dạn lấy số tiền thu hồi về để đầu tư cơ sở hạ tầng ở các tỉnh miền núi phía Bắc bị hư hỏng do mưa lũ vừa qua”.

Đọc thêm