Sẵn sàng các phương án ứng phó bão số 3

(PLO) - Hôm qua (18/7), chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 3 và áp thấp nhiệt đới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, bão số 3 với tốc độ di chuyển vào đất liền nhanh và có dấu hiệu mạnh lên, các thành viên Ban Chỉ đạo phải tập trung chỉ đạo các địa phương ven biển trong khu vực ảnh hưởng của bão theo dõi sát diễn biến bão, sẵn sàng các phương án ứng phó khi sự cố xảy ra...
Cán bộ Đồn Biên phòng cảng Cửa Lò - Bến Thủy giúp dân chằng chống nhà cửa
Cán bộ Đồn Biên phòng cảng Cửa Lò - Bến Thủy giúp dân chằng chống nhà cửa

Ông Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ đạo Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai cử ngay các đoàn xuống các địa phương có thể chịu ảnh hưởng lớn của bão số 3 để kiểm tra, chỉ đạo, phối hợp ứng phó với bão số 3 ngay trong ngày 18/7. 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ chiều tối qua (18/7), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh, sau đó bão sẽ đi vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Ông Nguyễn Xuân Cường yêu cầu công tác dự báo cần phải chi tiết, thường xuyên, liên tục, sát tình hình, dự báo cụ thể định lượng mưa để đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo và tính toán vận hành hệ thống hồ chứa.

Đặc biệt lưu ý đến các hồ thuỷ điện nhỏ khu vực miền Trung và Tây Nguyên; vận hành liên hồ chứa các hệ thống khu vực miền Trung; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu; các biện pháp chống sạt lở; kiểm soát tàu thuyền trên biển và các hoạt động kinh tế, du lịch, nuôi trồng thủy sản. 

Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ TN&MT) kiểm tra toàn bộ nơi tránh trú của các phương tiện, người dân đặc biệt chú ý tới các tỉnh chịu ảnh hưởng lớn như Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh... thường trực 24/24 và thường xuyên xây dựng thông tin ngắn, đủ, dễ hiểu gửi các thành viên Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, TP để ứng phó kịp thời.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng sẵn sàng các phương án, vật tư, thiết bị trước mọi tình huống.  Bộ Ngoại giao có công hàm gửi Đại sứ quán các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và các Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài đề nghị tạo điều kiện cho ngư dân Việt Nam trú, tránh bão và hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Tại cuộc họp, các địa phương ven biển cho biết đã khẩn trương kiểm đếm, kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm vào bờ trú, tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, di chuyển đến nơi an toàn.

Đối với các địa phương ảnh hưởng trực tiếp của bão đã chủ động ban hành lệnh cấm biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền. Các địa phương miền núi Bắc Trung bộ đã và đang tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét và triển khai sơ tán người dân đến nơi an toàn. 

Theo Đại tá Trần Dương Kiên, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 18/7, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 56.595 phương tiện với 237.532 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển phòng, tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. 

Trước diễn biến phức tạp và di chuyển nhanh của bão số 3, từ ngày 18/7, nhiều địa phương chịu ảnh hưởng của bão đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng tránh, chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại. Lãnh đạo một số tỉnh cũng ban hành công điện yêu cầu dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó bão số 3.

Nghệ An – Hà Tĩnh:

Chủ động đối phó với bão Sơn Tinh

Mưa lớn trong nhiều ngày qua đã làm nước sông, suối, hồ đập trên địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh dâng lên cao. Nhiều tuyến đường tại các huyện như Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang… của tỉnh Hà Tĩnh đã bị ngập cục bộ ảnh hưởng đến sinh hoạt. Mưa lớn trên địa bàn Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã làm sạt lở mái ta-luy dương trên quốc lộ 8A tại Km 80+300 (gần Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo) với 40m­­3 đất và làm đứt 30m đường dẫn đầu cầu Trốc Vạc.

Vào lúc 17h chiều qua (17/7), ông Phan Đình Tường (52 tuổi) trú tại xóm Minh Thủy, xã Sơn Thủy (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đi ra đồng thả lưới bắt cá, trong quá trình thả lưới, do không may bị sẩy chân vào khu vực nước sâu dẫn đến đuối nước, tử vong. Trước đó, ông Nguyễn Thành (SN 1962, trú tại xã Sơn Hòa, Hương Sơn) cũng bị tử vong khi đi bắt cá ngoài đồng trong lúc trời mưa to.

Tại Nghệ An, theo thống kê đến 12h ngày 18/7, toàn tỉnh có 1 nhà dân bị sập, 4 ngôi nhà bị sạt lở, 8.858,57 ha lúa bị ngập, 3.366,75 ha hoa màu các loại bị ngập, 431,32 ha diện tích thủy sản bị ngập… Do mưa lớn kéo dài mấy ngày qua, mực nước tại các sông, suối lên nhanh nên nhiều cầu tràn ở một số huyện như Con Cuông, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Hưng Nguyên… đã bị nước ngập sâu, chia cắt... 

Mưa lớn cũng cuốn trôi một đoạn đường liên xã Châu Bính - Châu Tiến, huyện Quỳ Châu khiến giao thông bị chia cắt, địa phương đã tiến hành làm cầu tạm để phục vụ đi lại. Do lưu lượng nước đổ về hồ chứa đang tiếp tục tăng nhanh, buộc Nhà máy Thuỷ điện Khe Bố (Tương Dương) phải lập kế hoạch xả lũ. 

Theo Nhà máy Thủy điện Khe Bố, lưu lượng nước về hồ Khe Bố tiếp tục tăng. Để đảm bảo nhà máy được vận hành an toàn theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả, nhà máy lên kế hoạch xả lũ bắt đầu từ lúc 1h ngày 18/7.

Tổng lưu lượng xả dự kiến từ 800m3/s đến 1.700m3/s, bao gồm: lưu lượng xả qua đập tràn và lưu lượng phát điện qua tổ máy. Trước đó, ngày 17/7 vợ chồng ông Nguyễn Văn Đông (SN 1952) cùng vợ là bà Trần Thị Lợi (SN 1958, trú tại xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn) dùng thuyền đi đánh bắt cá trên sông Lam thì gặp nạn và tử vong. 

Đọc thêm