'Tài sản' lớn của người làm báo

(PLO) - 93 năm Ngày Báo chí cách mạng (BCCM) Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2018) là “ngày hội” của những người làm báo Việt Nam. Nhưng người làm báo nói về nghề làm báo, nói với người làm báo thật khó vô cùng...
'Tài sản' lớn của người làm báo

Tất nhiên, có những điều là tài sản chung, nhận thức chung. Trước hết, đó là truyền thống vững vàng về bản lĩnh chính trị, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Đây là bản chất tốt đẹp của các thế hệ người làm báo cách mạng trước đây và đội ngũ đông đảo hội viên nhà báo hiện nay. Thứ hai, đội ngũ nhà báo cách mạng luôn dấn thân và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tự nguyện đi theo lý tưởng và con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Thứ ba, báo chí cách mạng Việt Nam vừa sáng tạo, tự đổi mới, chủ động hội nhập, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Đó là “tài sản” lớn, đáng tự hào, là hành trang của các thế hệ người làm báo hôm nay và mai sau. Yêu cầu của đất nước luôn đặt ra nhiệm vụ vừa vinh quang, vừa nặng nề “trên vai” những người làm báo. Thời đại “cách mạng công nghệ 4.0” đã và đang tạo ra nhiều vận hội mới nhưng trước mắt những người làm báo cũng đầy rẫy thách thức.

Nhu cầu của bạn đọc về thông tin đòi hỏi nhanh nhạy, ngày càng phong phú, thiết thực, hiệu quả, hình thức ngày càng sinh động, hấp dẫn. Có lẽ trong tình hình hiện nay, thách thức lớn nhất hiện nay là làm thế nào để giữ gìn phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, không bị chệch hướng khi làm báo trong cơ chế thị trường. Đây là “bài toán khó”, chỉ tìm được “lời giải” khi trong “hành trang” mỗi người làm báo có truyền thống, bản lĩnh, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, đủ năng lực bắt kịp xu thế phát triển đa phương tiện của báo chí khu vực và thế giới.

Những vụ việc các đối tượng xấu lợi dụng Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng và thảo luận về Luật Đặc khu tại Kỳ họp thứ 5 để gây rối như vừa qua nhắc nhở thêm những người làm báo về bản lĩnh nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội. Đã đến thời phóng viên, biên tập viên phải hướng đến báo chí phân tích, giải pháp chứ không chỉ phản ánh tường thuật đơn giản, phóng viên phải trở thành chuyên gia trong từng lĩnh vực, am hiểu luật pháp, kiến thức chuyên môn cao và nhạy cảm trên từng “con chữ”, trên từng “bàn phím”. 

Chưa bao giờ báo chí cách mạng phát triển với nhiều cơ hội như hiện nay, nhưng cũng chưa bao giờ đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Dẫu bộn bề khó khăn nhưng được hấp thụ truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng do Bác Hồ sáng lập, được tôi luyện và trưởng thành trong gian khó, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, gắn bó với nhân dân, tin chắc rằng, đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam chắc chắn sẽ luôn đồng hành cùng dân tộc, thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ cao cả của mình.

Đó là điều những người làm báo cách mạng Việt Nam tự tin.

Đọc thêm