Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nghĩ lớn nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất

(PLO) - Hôm qua (18/7), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018. Đây là lần thứ 8 chương trình được tổ chức với chủ đề: “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số”. 
Thủ tướng Chính phủ tham quan Triển lãm trưng bày công nghệ thông tin
Thủ tướng Chính phủ tham quan Triển lãm trưng bày công nghệ thông tin

Vietnam ICT Summit 2018 thu hút sự tham dự của 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở trong nước và khu vực.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lịch sử

Phát biểu trước các diễn giả, doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nội dung của Diễn đàn; cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lịch sử song cũng đầy thách thức đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước.

Để không bỏ lỡ cơ hội này, trước hết, Chính phủ phải tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số. Đồng thời, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để phát huy được những thuận lợi do việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số mang lại và đáp ứng được những thách thức của thời đại kinh tế số.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đánh giá, việc triển khai còn rất chậm và không đồng đều, các kết quả đạt được chưa đáp ứng với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Còn nhiều tồn tại và bất cập trong triển khai Chính phủ điện tử. 

Xây dựng nguồn nhân lực thông minh

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, việc xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn liền với vai trò của người đứng đầu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, bảo đảm thực thi hiệu quả.

Do vậy, Việt Nam đang thiết lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo; các thành viên Ủy ban là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng các bộ liên quan trực tiếp tới các nhiệm vụ trong xây dựng Chính phủ điện tử, đồng thời có sự tham gia của đại diện cho khu vực tư nhân để phát huy hiệu quả hợp tác công - tư trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Thủ tướng nêu rõ với quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm “Hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”; “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất có hiệu quả lớn,” Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025. Nghị quyết cần xác định rõ mục tiêu, hiệu quả thực thi, tránh tình trạng làm hình thức mà không bảo đảm yêu cầu.

Giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng đề nghị hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế pháp luật, chính sách nền tảng cho xây dựng Chính phủ điện tử. “Muốn làm cách mạng thành công, trước hết phải xây dựng được lực lượng cách mạng. Nguồn nhân lực thông minh cộng với sự sáng tạo là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”, Thủ tướng nói. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị tập trung triển khai các giải pháp nền tảng công nghệ Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, cần dồn sức và đa dạng hóa nguồn lực để phát triển Chính phủ điện tử trên cơ sở xác định mục tiêu trọng tâm và ưu tiên đầu tư trong ngắn hạn và trung hạn cả nguồn lực tài chính và nguồn lực con người. Phát huy hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia. 

Cho rằng văn hóa chia sẻ và hợp tác chưa đi vào tư duy của nhiều người, đây được xem là một trong những rào cản rất lớn trong việc phát triển nhanh Chính phủ số, Thủ tướng nhấn mạnh, cần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhận thức về Chính phủ điện tử, kinh tế số, hạ tầng số.

Đọc thêm