Văn hóa công vụ

(PLO) - Sắp tới ngày của báo giới 21/6, như một sự trùng hợp nghịch cảnh, 2 vụ xâm phạm hoạt động báo chí liên tiếp xảy ra ở hai đầu đất nước.
Nhóm PV VTV bị hỏng máy quay hơn 1 tỷ đồng.
Nhóm PV VTV bị hỏng máy quay hơn 1 tỷ đồng.

Vụ thứ nhất tại Sóc Sơn (Hà Nội), nhóm phóng viên VTV đang tác nghiệp tại địa điểm ao hồ bị lấn chiếm ở xã Phù Lỗ thì bị một chiếc xe bán tải lao thẳng vào. Không xảy ra thương vong về người nhưng chiếc máy quay giá trị khoảng 1 tỷ đồng bị xô đổ gây hư hỏng. 

Vụ thứ 2 tại Vĩnh Long, nhóm phóng viên của Báo Tiền Phong đang tác nghiệp tại hiện trường một đập kè bị ngăn cản và đáng nói hơn cả là một người mặc thường phục, xưng hô “mày tao”, nói năng khiếm nhã. Người này là Đại tá, Trưởng Công an huyện.

Cả hai vụ trên, cơ quan chức năng ngay lập tức vào cuộc. Công an huyện Sóc Sơn đã khởi tố vụ án và thông báo cho người liên quan và chính quyền địa phương. Công an tỉnh Vĩnh Long cũng tiến hành xác minh làm rõ vụ việc.

Hiện tượng các phóng viên bị đuổi đánh, bị hành hung, bị nhục mạ, bị ngăn cản tác nghiệp hoặc tỏ thái độ không hợp tác, thậm chí bị giam lỏng không phải chuyện hy hữu mà khá phổ biến trong đời sống hàng ngày.

Có nhiều nguyên nhân để dẫn tới những sự ứng xử đáng buồn này, kể cả thái độ, tác phong thiếu chuyên nghiệp của chính phóng viên đang thực hiện nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, nguyên nhân chính ngăn cản phóng viên tác nghiệp là người ta (chính quyền, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp,...) muốn bưng bít thông tin.

Điều này trái với các quy định pháp luật về hoạt động báo chí và thái độ tiếp xúc, hành xử thô lỗ bị nghiêm cấm bởi quy tắc ứng xử công chức, viên chức cũng như nội quy của ngành, cơ quan. Bất luận vì lý do gì cũng không được phép tự cho mình cái cách ứng xử thiếu văn hóa đó. Nhân dân nhìn vào và bình luận: “Với các nhà báo còn bị đối xử như vậy, huống chi là dân thường!”.

Ngoài cách hành xử bột phát, thiếu kiềm chế của một số người đối với hoạt động báo chí, cũng đã xuất hiện những “ý tưởng pháp lý” đưa vào quy định bằng văn bản pháp quy nhằm hạn chế sự tác nghiệp của nhà báo, phóng viên. Ví dụ như yêu cầu phải có giấy phép mới vào cửa, ngoài thẻ nhà báo phải có Giấy giới thiệu của cơ quan, phải được cấp trên đồng ý... Những động thái này gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin chính xác, kịp thời và đa chiều, vốn là dữ kiện tối cần thiết của hoạt động báo chí và nó xâm hại trực tiếp đến Luật Báo chí.

Hoạt động của nhà báo có những đặc thù nghề nghiệp riêng và có nhiều cách để khai thác thông tin khác nhau nhưng đều là sự thực thi công vụ. Ngăn cản hoạt động của báo chí  hoặc sự tác nghiệp của phóng viên trong các trường hợp cụ thể dưới hình thức này hoặc hình thức khác phải được coi là hành vi cản trở người thi hành công vụ. Điều cần thiết hơn, cùng là thực thi công vụ, phục vụ nhiệm vụ của Nhà nước giao vì một mục đích chung, hà cớ gì phải đặt nhà báo vào vị trí đối lập để biểu hiện một cách ứng xử thiếu văn hóa?! .

Đọc thêm