“Vết chàm” trong kì thi THPT Quốc gia 2018: Nghịch lý đau lòng, đáng xấu hổ!

(PLO) - Là chia sẻ của thầy giáo môn Lịch sử Trần Trung Hiếu, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh- Nghệ An) về những sự cố gian lận của một số địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa qua. Thầy là người từng có nhiều ý kiến phản biện và tâm huyết với ngành Giáo dục…
Thầy giáo Trần Trung Hiếu - THPT Phan Bội Châu, Nghệ An
Thầy giáo Trần Trung Hiếu - THPT Phan Bội Châu, Nghệ An

Có sòng phẳng, đàng hoàng?

Nhiều người cho rằng, sau cơn địa chấn về Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình đang được tiếp tục “gọi tên” trong danh sách gian lận thi cử… Rồi nữa những thầy cô đã bị khởi tố đồng nghĩa với kì thi “hai trong một” (vừa tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH) đã đi hết sứ mệnh của nó. Là một người thầy tâm huyết và có nhiều ý kiến phản biện, quan điểm của ông thế nào?

- Tôi cho rằng, phương thức thi nào cũng đều có ưu điểm và nhược điểm. Không có phương thức, hình thức thi nào là hoàn hảo, tuyệt đối. Vấn đề là những Ban Chỉ đạo thi các cấp, lãnh đạo hội đồng coi thi, cán bộ coi thi, thí sinh và phụ huynh…Tất cả có sòng phẳng hay không, có đàng hoàng không? Đó mới là mấu chốt của vấn đề. Với những địa phương dẫn đến sự cố thi cử vừa rồi như Hà Giang, Sơn La và tiếp đến đang là Hòa Bình...

Họ đã làm nên một kỳ thi không đàng hoàng, không sòng phẳng. Tôi tin rằng, nếu Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra đồng loạt ngay sau khi công bố điểm thi, chắc chắn không chỉ có Hà Giang, Sơn La. Nói cách khác kỳ thi THPT quốc gia tại những địa phương đó đã bị quyền lực, tiền bạc chi phối dẫn đến sự thay đổi kết quả, điểm số của các thí sinh làm cho kỳ thi không công bằng vì sự gian dối và tiêu cực.

Hệ lụy là sự bất công khiến người giỏi cũng bằng người dốt, người học thật cũng chẳng khác gì kẻ học giả, kẻ thi trượt vẫn có thể trở thành thủ khoa và người đạt điểm thủ khoa chưa chắc lại là những giỏi nhất. Đó là một nghịch lý, một thực tế đau lòng và đáng xấu hổ.

Thứ nhất, tôi là người luôn ủng hộ Nghị quyết 88 của Quốc hội và Nghị quyết 29 của TW Đảng về “đổi mới căn bản và toàn diện” ngành Giáo dục đào tạo, nhưng không đồng thuận với Bộ GD-ĐT khi ghép 2 kỳ thi vào một, hay nói cách khác một kỳ thi nhưng giải quyết 2 mục đích: Cộng nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào cao đẳng, đại học.

Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2018 . (Ảnh minh họa)
Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2018 . (Ảnh minh họa)

Ngay từ khi Bộ GD-ĐT quyết định phương án thi “2 trong 1” tôi đã hoài nghi tính hiệu quả với phương án này. Trải qua những kỳ thi gần đây, đặc biệt là qua những vụ gian lận gây chấn động dư luận ở Hà Giang, Sơn La... là một thực tiễn sinh động để tái khẳng định hình thức thi “2 trong 1” đã “phát lộ” nhiều sự bất ổn và đây là lúc chúng ta cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc phương thức thi “2 trong 1” này. 

Vậy theo ông cụ thể những“bất ổn” đó là gì?

- Bộ GD-ĐT thì luôn cho rằng, đây là kỳ thi giảm tải (nội dung kiến thức thi), giảm áp lực (tư tưởng, tinh thần), giảm chi phí (kinh tế), nhanh gọn (thời gian thi), chính xác (khoa học)... Nói tóm lại, đó là phương thức thi ưu việt, nên làm, phải làm và quyết tâm làm bằng được.

Tuy nhiên, đó là lý thuyết, còn thực chất và thực tiễn kỳ thi đã diễn ra không đúng với nhận định đó. Trên thực tế thì thi “2 trong 1” như hiện nay nhiều áp lực. Thay vì thi 4 đến 6 môn bắt buộc cho thi tốt nghiệp trước đây, bây giờ thí sinh lại phải thi đến 9 môn với 2 “tổ hợp” môn thi tự chọn. 

Những bất cập bộc lộ kỳ thi THPT “2 trong 1” bằng hình thức thi trắc nghiệm đã tạo kẽ hở cho những kẻ vụ lợi cố tình làm sai. Và sau khi đã làm sai (sửa điểm bài thi, nâng điểm) họ vẫn tiếp tục phi tang để xóa nhòa dấu vết gây khó khăn cho công tác điều tra của cơ quan chức năng. Kẽ hở diễn ra khi quy chế thi chưa chặt chẽ, quản lý lỏng lẻo.

Đây chính là “cơ hội quý” để họ làm bậy theo kiểu bất chấp pháp luật, xem thường quy chế thi, giẫm đạp dư luận, tước đoạt sự công bằng giữa các thí sinh, giữa những địa phương tổ chức thi, chấm nghiêm túc với các địa phương tổ chức thi gian lận.

Chiếc “phao” học bạ đẹp

Như vậy đã đến lúc ngành Giáo dục nên thẳng thắn nhìn lại “được và mất” của kì thi? “Bệnh thành tích” dường như không hề “thuyên giảm” theo thời gian, thưa ông?

- Sự gian dối của một nhóm người trong hội đồng thi ở các địa phương vừa qua đã minh chứng cho sự thiếu chặt chẽ quy trình thi kèm theo quy chế thi ở các công đoạn coi thi, chấm thi, lên danh sách điểm thi. Mặt khác, chúng ta cần xem lại quy trình và kỹ thuật của vấn đề bảo mật phần mềm chấm thi trắc nghiệm liên quan đến các công đoạn chấm và bảo quản bài thi. 

“Kỳ thi “2 trong 1” như hiện nay, thí sinh thi tốt nghiệp thường đạt tỉ lệ đỗ rất cao, xấp xỉ 100%. Không phải số lượng điểm cao của kỳ thi năm này cao hơn năm trước là do thực lực của thí sinh năm này giỏi hơn năm trước để các địa phương và Bộ GD-ĐT lại đánh giá chất lượng dạy học là “ngày càng tốt hơn” được.

Qua 2 kỳ thi THPT quốc gia 2017, 2018, một nguyên nhân cơ bản làm cho điểm thí sinh đạt kết quả tốt nghiệp rất cao so với lực học của thí sinh chính là nhờ chiếc “phao” học bạ khi hầu hết học sinh lớp 12 các trường, các địa phương đều có được điểm tổng kết trung bình môn rất cao.

Rất nhiều học sinh suốt 3 năm chỉ với thực lực học trung bình, thậm chí là yếu kém nhưng điểm tổng kết trung bình trong học bạ lại rất cao. Thi thử ở trường thì điểm cao, thi thật lại có kết quả ngược lại.

Nhiều ý kiến cho rằng, thi “hai trong một” thí sinh và người nhà đỡ vất vả, các thành phố lớn không phải “đảo lộn” mỗi mùa thi. Và “trả” thi ĐH về các trường ĐH như trước đây sẽ lại tái phát luyện thi, thí sinh đi lại tốn kém và cũng chưa hẳn đã không có tiêu cực, khi “lòng tham” làm người thầy dễ sa ngã, khi nhu cầu vào ĐH bằng mọi giá của phụ huynh không hề giảm?

- Điều quan trọng hơn là chất lượng của học sinh, thí sinh liệu có hơn các thí sinh đã thi theo phương thức thi truyền thống trước đây không? Theo quan điểm của cá nhân tôi là nên bỏ thi tốt nghiệp THPT trong kỳ thi THPT quốc gia để dồn lực, dồn tâm, dồn trí tuệ vào kỳ thi đại học một cách sòng phẳng như nhiều năm trước. Xu thế chung của học sinh bây giờ là học là để thi chứ không phải học để làm người. “Thi gì, học nấy” đã thay cho kiểu truyền thống “học gì, thi nấy”. 

Thứ hai, nếu Bộ GD-ĐT vẫn giữ kỳ thi “2 trong 1”, Bộ GD-ĐT cùng các địa phương phải tổ chức kỳ thi sòng phẳng, đàng hoàng để giữ vững kỷ cương pháp luật trong thi cử và lấy lại niềm tin của xã hội, của học sinh, phụ huynh và đội ngũ cán bộ, giáo viên đã và đang công tác trong ngành Giáo dục. Đương nhiên, ai cũng hiểu giáo dục là sự nghiệp của toàn dân chứ không chỉ là trách nhiệm của ngành Giáo dục đào tạo.

Thứ ba, trong nhiều năm qua, cứ sau khi kết thúc buổi thi cuối cùng của kỳ thi, Bộ GD-ĐT thường tổ chức họp báo. Những điệp từ, điệp ngữ quen thuộc trong các cuộc họp báo được phát ra đã trở nên thiếu khách quan, không thuyết phục.Và trước khi bước vào năm học mới, Bộ vẫn thường tổ chức hội nghị tổng kết năm học toàn quốc. Trong các báo cáo tổng kết dài dằng dặc đó, chủ yếu là điểm danh rất cụ thể các thành tích kèm theo nhiều ưu điểm nhưng trình bày một cách rất chung chung. 

Ông có đề xuất gì cho kì thi năm tới được thật sự công bằng và sòng phẳng?

- Nhiều tồn tại, đặc biệt là vấn đề thi cử trong nhiều khâu đề thi, đáp án, coi thi, chấm thi và xét tuyển chưa được làm rõ về biểu hiện, nguyên nhân, giải pháp. Vì vậy, tôi đề xuất sau kỳ thi THPT quốc gia 2018 này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cùng phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức cuộc “hội thảo khoa học” theo đúng nghĩa để đánh giá một cách thẳng thắn, trung thực và toàn diện kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Điều cốt lõi nhất để tạo nên sự thành công trong cuộc hội thảo này là Bộ cần dũng cảm để lắng nghe, biết chấp nhận ý kiến trái chiều một cách dân chủ từ phía các nhà giáo lão thành, các nhà khoa học, nhà sư phạm có trình độ, kinh nghiệm, am hiểu thực tiễn giáo dục phổ thông, am tường chuyện thi cử để ngồi với nhau, thẳng thắn với nhau, cùng tranh luận, thảo luận tìm ra phương án tối ưu khắc phục tình trạng bất cập. 

Điều cuối cùng mà cá nhân tôi mong mỏi và hy vọng (chứ không dám đặt cược với kỳ vọng) rằng, trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục đào tạo thì việc “tày đình, tày trời” ở Hà Giang, Sơn La và có thể còn nhiều địa phương khác nữa bị phanh phui là một nỗi đau chứa đầy cảm xúc cho sự phẫn nộ, nhưng đồng thời cũng là “cơ hội” để ngành Giáo dục nhìn lại mình một cách thẳng thắn, trung thực hơn, khách quan hơn.

Cần một thay đổi lớn của một số vấn đề cả về nhân sự lẫn chủ trương, biện pháp, bước đi. Muốn tiếp tục phát triển và đi lên thì phải sòng phẳng, trung thực nhìn nhận ra những điểm yếu kém, bất cập và dũng cảm, kiên quyết đưa “những nhóm lợi ích”, dù kẻ đó là ai. Đó là cách tốt nhất để lấy lại niềm tin vào sự công tâm, công bằng của xã hội về việc học thật, thi thật, coi thật, chấm thật và có điểm thật!

Cảm ơn ông về những chia sẻ!  

Đọc thêm