Xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu bia: Không thể thấy khó, mà không làm

(PLVN) - Tại một cuộc nhậu, một người dù không muốn uống cũng bị ép nâng ly lên, ép uống cạn, rồi ngay lập tức cái ly của chủ nhân vừa gắng sức uống cạn lại lập tức được rót đầy, lại được mời mà như ép để tiếp tục nâng lên. Kèm theo đó là những câu khích: “Chú không uống là khinh anh!”, “Nam vô tửu thì sao đáng mặt nam nhi!”. Những ngày lễ tết, ở nhiều vùng miền, người ta lôi bia rượu ra tiếp khách. Ai đến cũng rót, cũng cật lực mời, khách khứa vừa uống cạn ở nhà này lại tiếp tục sang uống cạn bên nhà khác, liên tiếp và liên tiếp…

Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2017, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ USD. Cụ thể, người dân tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu, tương đương 72 triệu lít cồn và gần 4,1 tỷ lít bia, tương đương với 161 triệu lít cồn. 

Trong quý I/2019, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. Trong đó nguyên nhân tai nạn do tài xế sử dụng rượu bia chiếm 1,47% (trên 274 vụ). Cũng trong 3 tháng đầu năm, cảnh sát giao thông trên toàn quốc xử lý 38.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; trong đó có 814 tài xế ôtô.

Ngày 12/4/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp về dự Luật Phòng chống tác hại của rượu bia thì chỉ một ngày trước đó ở TP Quy Nhơn (Bình Định), một tài xế xe Lexus đạp nhầm chân ga, tông thẳng vào đội đưa tang làm bốn người chết, sáu người bị thương nặng.

Ngày 19/4/2019, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức họp góp ý dự luật thì chỉ ba ngày sau, một chiếc “xe điên” gây tai nạn liên hoàn và tông chết nữ công nhân vệ sinh trên đường Láng.

Trong hai vụ trên, tất cả những tài xế đều say xỉn. Trong vụ tai nạn ở đường Láng, tài xế say đến độ “nửa ngày chưa tỉnh” để khai báo…

Luật “yếu dần” đi sau mỗi lần chỉnh sửa?

Tháng 11/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình Quốc hội dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Dự thảo này đưa ra các chế tài rất mạnh như: Điều 5 dự Luật quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên dưới mọi hình thức; cấm ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia, và cấm cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về tác dụng của rượu, bia đối với sức khoẻ...

Điều 20 của dự thảo quy định các địa điểm không được bán rượu, bia bao gồm cơ sở y tế, giáo dục, nơi vui chơi, giải trí dành cho người dưới 18 tuổi; không được bán rượu, bia trên mạng internet và máy bán hàng tự động.

Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận ý kiến đóng góp và tiếp thu, chỉnh sửa, dự luật trình Quốc hội ngày 23/5/2019 đã bỏ quy định cấm bán rượu bia trên internet, chỉ giữ quy định về điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử; việc quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn trên truyền hình được chỉnh lý theo hướng không được quảng cáo trong khoảng thời gian từ 19h đến 20h hàng ngày...

Dự Luật phòng chống tác hại rượu bia đang “yếu dần” đi sau mỗi lần chỉnh sửa - đó là quan điểm của nhiều người và cũng là lo ngại của xã hội. 

“Tôi không hiểu vì sao, sau nhiều hội thảo lấy ý kiến, dự luật đã mất đi tinh thần cứng rắn của các điều khoản liên quan đến biện pháp phòng chống tác hại rượu bia. Các căn cứ, cơ sở xây dựng luật dần xa rời với tình hình thực tiễn, các điều khoản, chế tài có tính răn đe, ngăn ngừa tác hại của rượu bia cứ yếu dần đi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mục tiêu cuối cùng của dự luật là phòng chống tác hại rượu bia nhưng những giải pháp mang tính ngăn chặn như quy định về cấm quảng cáo, bán rượu bia trên Internet, hạn chế quảng cáo rượu bia trên báo in... để không phổ biến loại đồ uống này đã bị đưa ra khỏi dự thảo.

Thay vào đó, tôi thấy lại bổ sung quy định cho phép quảng cáo rượu bia trên truyền hình.  Với cách tiếp cận bảo vệ các nhóm quyền trẻ em có liên quan đến luật này, tôi thấy rất lo lắng…” - là quan điểm của đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên) khi bà trả lời truyền thông về vấn đề này. 

Và những tranh luận…

Phát biểu tranh luận tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ 7 của Quốc hội đang diễn ra, đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ băn khoăn rằng phải chăng cách tiếp cận của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là sai bởi lẽ ra luật phải được tiếp cận dưới góc độ văn hoá.

“Bản báo cáo trình Quốc hội là của Chính phủ, nhưng rõ ràng dấu ấn của Bộ Y tế quá nặng và có xu hướng hơi biệt lập, thậm chí là nó hơi cực đoan”, đại biểu Quốc nói và cho rằng việc sử dụng rượu, bia đúng mực đã là văn hóa không chỉ của dân tộc ta mà còn là của cả nhân loại.

Còn theo bà Phạm Thị Minh Hiền thì “Tôi cho rằng không thể lấy văn hóa, truyền thống để khỏa lấp cho những thiệt hại quá sức nặng nề bởi tác hại của rượu bia gây ra trong thời gian vừa qua.  Ở Việt Nam, việc sử dụng rượu bia không kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thế hệ tương lai. Chúng ta cần phải quản lý, điều chỉnh bằng pháp luật với các biện pháp có tính răn đe cao, không thể thấy khó mà không làm. Tôi nghĩ không nên chần chừ thêm nữa.  

Là một bác sĩ, chuyên gia phản biện chính sách y tế và phát triển cộng đồng, TS. Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, Cơ quan điều phối liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam cho rằng Việt Nam bắt buộc phải chọn giữa sức khoẻ cộng đồng và ngành rượu bia và người dân có quyền đòi hỏi trách nhiệm trong từng lá phiếu của mỗi đại biểu Quốc hội.  

“Năm 2017, ngành bia rượu đóng góp 50.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,7% nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phí tổn kinh tế do rượu bia “lấy đi” từ 1,3% đến 3,3% GDP của mỗi quốc gia. Trong đó, chi phí gián tiếp thường gấp đôi chi phí trực tiếp. 

Bộ Y tế từng cảnh báo Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Euromonitor dự báo lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam dự báo tăng trưởng 5%/năm cho đến 2022.

Mức tiêu thụ rượu bia trên đầu người hàng năm của Việt Nam gia tăng liên tục trong 10 năm qua, hiện tới 8,3 lít cồn/người/năm, vượt xa mức tiêu thụ bình quân của thế giới (6,5 lít/người/năm), đi kèm là các hậu quả: nghèo đói, bệnh tật, tai nạn giao thông, bạo hành gia đình, bạo lực xã hội, tâm thần. Bộ Y tế từng tính toán Việt Nam thiệt hại ít nhất khoảng 65.000 tỷ đồng mỗi năm vì các tác động của rượu bia.

Không có luật, tình hình sử dụng rượu bia sẽ tiếp tục lan tràn, có nguy cơ cản trở thực hiện thành công 13 trong tổng số 17 mục tiêu phát triển bền vững quốc gia mà chính phủ đã cam kết với quốc tế vào năm 2030” – TS. Trần Tuấn bày tỏ lo ngại. 

Đọc thêm