Bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện

(PLVN) - Trong các năm qua, Bảo hiểm PVI là đơn vị triển khai mạnh mẽ và đạt hiệu quả cao nghiệp vụ bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện trên toàn quốc, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tham gia bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện để người dân sử dụng điện an toàn hiệu quả, bảo vệ cho chủ hộ và các thành viên trong gia đình khi không may gặp rủi ro điện giật trong quá trình sử dụng các thiết bị điện.
Nhân viên Bảo hiểm PVI triển khai bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện đến các hộ dân…
Nhân viên Bảo hiểm PVI triển khai bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện đến các hộ dân…

Theo đó, người được bảo hiểm (NĐBH) là tất cả các thành viên gia đình cùng một hộ khẩu, có hợp đồng sử dụng điện với cơ quan quản lý điện sở tại. Đối tượng được bảo hiểm có thể mở rộng thêm cho các thành viên khác trong gia đình (con cái, ông bà, cha mẹ, những người có mối quan hệ huyết thống với chủ hộ) không có trong hộ khẩu nhưng sống cùng chủ hợp đồng sử dụng điện với điều kiện phải đăng ký danh sách khi tham gia bảo hiểm.

Ngoài ra, người có hành động cứu người, tài sản bị tai nạn dẫn đến chết hoặc bị thương do ảnh hưởng trực tiếp của dòng điện xảy ra tại các hộ đăng ký sử dụng điện cũng là đối tượng được bảo hiểm.

Tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm là những tai nạn xảy ra do NĐBH bị tai nạn dẫn đến chết hoặc bị thương tật thân thể do ảnh hưởng trực tiếp của dòng điện xảy ra tại các hộ đăng ký sử dụng điện. Tuy từng trường hợp phát sinh, quyền lợi của NĐBH cụ thể như sau:

- Trường hợp NĐBH bị chết do tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm: Bảo hiểm PVI sẽ trả toàn bộ số tiền bảo hiểm ghi trong hợp đồng bảo hiểm hoặc Giấy chứng nhận bảo hiểm.

- Trường hợp NĐBH bị thương tật thân thể vĩnh viễn do tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm: Bảo hiểm PVI trả tiền bảo hiểm theo “Bảng tỷ lệ trả tiền bảo hiểm thương tật” ban hành kèm theo Quyết định số 05/TC-BH ngày 02/01/1993 của Bộ Tài chính.

- Trường hợp NĐBH bị thương tật thân thể tạm thời do tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm: Bảo hiểm PVI sẽ thanh toán các chi phí thực tế phát sinh trong quá trình điều trị nhưng tối đa không quá định mức quy định theo “Bảng tỷ lệ trả tiền bảo hiểm thương tật” ban hành kèm theo Quyết định số 05/TC-BH ngày 02/01/1993 của Bộ Tài chính.

- Trường hợp NĐBH bị thương tật thân thể do tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm, trong vòng 01 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, NĐBH bị chết do hậu quả của vụ tai nạn đó: Bảo hiểm PVI sẽ trả phần chênh lệch giữa số tiền bảo hiểm ghi trong Hợp đồng bảo hiểm hay Giấy chứng nhận bảo hiểm với số tiền đã trả trước đó.

- Trường hợp hậu quả của tai nạn thuộc phạm vi trách nhiệm của bảo hiểm bị trầm trọng hơn do bệnh tật hoặc sự tàn tật có sẵn của NĐBH hoặc điều trị vết thương không kịp thời và không theo chỉ dẫn của cơ quan y tế: Bảo hiểm PVI chỉ trả tiền bảo hiểm như đối với loại vết thương tương tự ở người có sức khoẻ bình thường được điều trị một cách hợp lý.

Trong mọi trường hợp, tổng số tiền bồi thường không vượt quá số tiền bảo hiểm quy định ghi trong Giấy chứng nhận/hợp đồng bảo hiểm.

Bảo hiểm PVI khuyến cáo, khi xảy sự kiện bảo hiểm Bên mua bảo hiểm/ NĐBH (hoặc đại diện của NĐBH)/ Người thụ hưởng bảo hiểm cần nộp cho Bảo hiểm PVI các chứng từ cần thiết theo quy định trong vòng 30 ngày kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm. Bảo hiểm PVI có trách nhiệm xem xét, giải quyết và thanh toán tiền bảo hiểm trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

Đọc thêm