Những công trình làm nên thương hiệu Truyền tải điện Quốc gia

(PLO) - Hàng năm, miền Nam luôn phải nhận điện thông qua hệ thống truyền tải từ miền Bắc, miền Trung. Theo đà này, đến năm 2019, lượng điện truyền tải vào Nam sẽ tăng lên 21 tỉ kWh, trong khi năng lực thực tế mới chỉ đáp ứng được khoảng 18 tỷ kWh/năm. 

 

Đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông vận hành năm 2014 đã chứng minh năng lực truyền tải điện vượt trội của EVNNPT
Đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông vận hành năm 2014 đã chứng minh năng lực truyền tải điện vượt trội của EVNNPT

Trách nhiệm trên quả là hết sức nặng nề, nhưng những người làm Truyền tải điện Quốc gia vẫn luôn nỗ lực, bởi sứ mệnh mà họ đã lĩnh trên vai là “Truyền niềm tin” để dựng xây đất nước. 

Khó cũng phải “đi trước một bước”!

Nhu cầu điện của cả nước đang ngày một tăng mạnh, khoảng 11%/năm. Trong đó, năm 2016, toàn quốc cần khoảng 180 tỷ kWh, công suất nguồn khoảng 45.000 MW. Theo quy hoạch, đến năm 2020, công suất nguồn khoảng 60.000 MW, năm 2025 là 96.000 MW.

Cơ cấu sử dụng điện ở các khu vực cũng khá đặc biệt, dẫn tới tình trạng miền Bắc, miền Trung đang thừa điện, trong khi tình hình cung ứng điện tại miền Nam lại đang khó khăn, nan giải. Do đó, miền Nam luôn phải nhận điện từ miền Bắc, miền Trung thông qua hệ thống truyền tải từ miền Bắc, miền Trung vào, với khoảng 15 tỉ kWh trong năm 2017, và dự kiến, năm 2019 sẽ tăng tới 21 tỉ kWh. 

Nhưng điều đáng lo ngại nhất hiện nay là năng lực truyền tải điện vào miền Nam chỉ đáp ứng được khoảng 18,5 tỷ kWh/năm, do khả năng truyền tải từ Bắc - Trung tối đa chỉ đạt con số 14-15 tỉ kWh/năm.

Đại diện Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho hay, giải pháp cấp bách hiện nay để có thể giải quyết “bài toán” truyền tải đủ điện cho miền Nam là khẩn trương xây dựng đường dây 500kV từ Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku. Với đường dây này, khả năng truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Trung sẽ tăng thêm được khoảng 5 tỉ kWh/năm, giảm áp lực truyền tải điện cho miền Nam tăng thêm mỗi năm. 

Cạnh đó, phải đồng loạt đưa vào các tổ máy nhiệt điện khu vực miền Nam (Vĩnh Tân 1, Long Phú 1, Sông Hậu 1...) vào hoạt động, vì đây sẽ là nguồn cung cấp điện quan trọng, đảm bảo cân bằng cung - cầu điện cho miền Nam giai đoạn 2017 - 2020.

ĐZ 220kV Xekaman - Pleiku 2 được xây dựng để truyền tải điện từ các thủy điện của Lào về phục vụ khu vực TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam
ĐZ 220kV Xekaman - Pleiku 2 được xây dựng để truyền tải điện từ các thủy điện của Lào về phục vụ khu vực TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam

Được giao nhiệm vụ giải “bài toán” khó và cấp thiết nói trên, Ban quản lý các dự án các công trình điện miền Trung (trực thuộc EVNNPT) đang rất nỗ lực cùng  các Bộ ngành, và gần chục tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên để có thể sớm hiện thực hóa công trình đường dây 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku.  

Đại diện EVNNPT nói với PLVN, những nỗ lực này một lần nữa thể hiện rất rõ vai trò của Ban quản lý các dự án các công trình điện miền Trung trong việc thực hiện mục tiêu “ngành Điện đi trước một bước” trong việc đầu tư hạ tầng lưới điện điện phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của miền Nam giai đoạn 2017 - 2020 và những năm tiếp theo.

Trước đó, thời điểm đầu năm 2014, công trình đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông cũng đã đóng điện, chứng minh năng lực truyền tải vượt trội của EVNNPT. Đây được coi là dự án trọng điểm cấp bách nhằm tăng cường năng lực truyến tải Bắc - Nam, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải ở khu vực miền Nam giai đoạn 2014 - 2015. 

Được biêt, dự án đi qua các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh với chiều dài toàn tuyến là 437,514 km. Đây là một trong những công trình trọng điểm, cấp bách thuộc Quy hoạch điện VII. Với trong tình hình một số dự án nguồn điện ở khu vực miền Nam chậm tiến độ, việc đẩy nhanh tiến độ thi công đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông khi đó được xem là “cứu cánh” giải quyết tình trạng thiếu điện ở miền Nam năm 2014.

Đáng nói, công trình này đến thời điểm này không chỉ góp phần bảo đảm cung cấp điện cho miền Nam mà còn góp phần tăng cường liên kết lưới truyền tải cấp 500 kV, giúp vận hành hệ thống an toàn, thông suốt... từ đó tạo tiền đề cho việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam và liên kết lưới điện 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia sau năm 2015.

Đầu năm 2016, EVNNPT cũng đã tổ chức đóng điện thành công Dự án đường dây 220kV Xekaman 1 (Hatxan) - Pleiku 2 (phần trên lãnh thổ Việt nam), đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng sẵn sàng kết nối lưới điện truyền tải từ nước bạn Lào để truyền tải điện năng từ các Nhà máy Xekaman 1, Xekaman San-Xay, Xekong 3 thượng, Xekong 3 hạ cung cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực Miền Nam nói chung và trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam - TP Hồ Chí Minh nói riêng.

Vì thương hiệu EVNNPT 

Trước khi thực hiện những dự án trọng điểm, cấp điện ổn định cho miền Nam như đã nêu, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung đã để lại nhiều dấu ấn trong chặng đường 30 năm qua. Và đã được ví như những “viên gạch” góp phần tạo nên nền móng, hình ảnh và thương hiệu EVNNPT ngày nay, với sứ mạnh “Truyền niềm tin” để dựng xây và phát triển đất nước.  

Ở đây, có thể nhắc tới Dự án đường dây 500kV Yaly - Pleiku, đấu nối với tổ máy số 1 Nhà máy thủy điện Yaly (tháng 12/2000) để tiếp nhận 360MW hòa lưới điện quốc gia. Đây là công trình tiêu biểu và là dự án cấp điện áp 500kV đầu tiên  mà Ban này được giao quản lý đầu tư. 

Đại diện Ban quản lý  dự án các công trình điện miền Trung cho hay, Dự án đường dây 500kV Yaly - Pleiku đã chứng tỏ sự trưởng thành của đơn vị khi thực hiện những nhiệm vụ mà ngành đã phân giao. Từ đó khẳng định được vị trí, vai trò của Ban trong việc đảm bản an ninh năng lượng quốc gia, là tiền đề quan trọng để chủ đầu tư tiếp tục giao giải những “bài toán” khó hơn về năng lượng phục vụ phát triển.

Ngoài ra, một số dự án Ban thực hiện cũng được nhắc tới như một sự tự hào của nhiều thế hệ cán bộ đơn vị ở công trình đường dây 500kV mạch 2 Pleiku - Phú Lâm hoàn thành, vận hành tháng 4/2004; Dự án 500kV Pleiku - Dốc Sỏi - Đà Nẵng vận hành ngày 31/8/2004; hay công trình 500kV Đà Nẵng - Hà Tĩnh hoàn thành đưa vào vận hành vào ngày 22/5/2005, đã góp phần quan trọng vào việc truyền tải công suất qua lại giữa 3 miền Bắc - Trung - Nam, tạo nên sự tin cậy, ổn định vận hành hệ thống điện 500kV.

Chủ tịch EVNNPT Đặng Phan Tường (thứ 2, phải sang) tặng bằng khen cho BQLDA các công trình điện miền Trung vì đã có thành tích hoàn thành TBA 500kV Hiệp Hòa (Bắc Giang)
Chủ tịch EVNNPT Đặng Phan Tường (thứ 2, phải sang) tặng bằng khen cho BQLDA các công trình điện miền Trung vì đã có thành tích  hoàn thành TBA 500kV Hiệp Hòa (Bắc Giang)

Vì mục tiêu truyền tải dòng điện, những người làm công tác quản lý dự án của EVNNPT đã ngang dọc khắp đất nước để dựng cột, kéo dây thắp sáng nhiều nhà máy, đô thị... Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung cũng không chỉ quanh quẩn “sân nhà” mà từng kéo “quân” ra Bắc  thực hiện nhiều dự án quan trọng như chuẩn bị hạ tầng để nhập điện từ Trung Quốc qua cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) qua đó “cứu điện” cho miền Bắc nói chung và chủ yếu là Hà Nội thời kỳ 2007.

Ở địa bàn này, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung còn được giao nhiệm vụ quan trọng khác, đó là đầu tư công trình Trạm 500kV Hiệp Hòa (Bắc Giang) và các rẽ nhánh - một công trình có quy mô bậc nhất Đông Nam Á, giữ vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội và các tỉnh khu vực Tây Bắc. 

Ngoài ra, còn phải thực hiện Dự án đường dây 500kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa với nhiệm vụ thu gom công suất các nhà máy nhiệt điện khu vực  Đông Bắc, các dự án lưới đồng bộ các Trung tâm nhiệt điện Vũng Áng, Vĩnh Tân... đường dây 500kV đấu nối Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, TBA 500kV Việt Trì, TBA 500kV Lai Châu, tạo liên kết vòng lưới điện 500kV đảm bảo an toàn cung cấp điện toàn hệ thống.

Ba mươi năm Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung, 10 năm  Truyền tải điện Quốc gia - hai con số này dường như đã hòa vào nhau tạo nên nền tảng vững chắc cho thương hiệu EVNNPT, qua đó góp phần giúp ngành Điện hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình.

Đọc thêm