Tối nay - dù vui nhưng đừng quá trớn

(PLO) - Tối nay xảy ra một sự kiện nhiều người mong đợi cùng với sự phấn khích: trận chung kết AFF Cup lượt đi giữa Malaysia với Việt Nam trên sân Bukit Jalil (Malaysia). Cùng với đó, không ít lo ngại bên ngoài sân cỏ hoặc trên khán đài.
Hình minh họa
Hình minh họa

Còn nhớ, đúng 4 năm trước, trận bán kết lượt đi giữa 2 đội tuyển bóng đá này trên sân Shah Alam, cổ động viên chủ nhà đã tấn công cổ động viên Việt Nam và máu chảy trên khán đài. Một cách ứng xử rất phi thể thao đáng lên án, song vẫn có thể tái diễn trong trận cầu tối nay. Cổ động viên chúng ta cần ứng xử sao đó để chuyện này không xảy ra.

Và, cũng rất không nên để xảy ra những gì trong cơn “đi bão” sau trận thắng 2-1 trên sân Mỹ Đình (Hà Nội) vào đêm thứ năm tuần trước.

Rất phản cảm khi xuất hiện hình ảnh các chàng trai, cô gái khỏa thân nhảy múa, cầm cờ chạy “như hóa rồ”. Tai nạn, ẩu đả, rối loạn giao thông, hú hét, tạo ra những bãi rác trên đường phố và khán đài,... là những hình ảnh rất phổ biến và rất chướng tai, gai mắt. Hình ảnh chiếc xe cứu thương rú còi bất lực trong biển người vây kín đã nói lên nhiều điều đáng căm giận trong sự cuồng nhiệt quá lố này.

Không ít những kẻ lợi dụng việc ăn mừng chiến thắng để hút chích và lên cơn “ngáo đá”, thậm chí cả trộm cắp. Trên mạng xã hội treo những dòng trạng thái, kiểu: “Ai ôm tôi mừng chiến thắng trên khán đài tối qua cho tôi xin lại chiếc ví và điện thoại”. Hài hước đó nhưng thật đáng giận. Còn như việc mừng chiến thắng để chào hàng, kinh doanh, thậm chí để vá xe thì nhiều vô kể.

Thực sự, những hành vi kể trên hoàn toàn xa lạ và trái ngược với tinh thần dân tộc, đoàn kết, thượng võ, tự hào và yêu chuộng hòa bình. Không thể lấy niềm vui chiến thắng của đội bóng nước nhà để biện minh cho các hành vi quá lố bịch và phản cảm, hơn nữa, còn vi phạm pháp luật giao thông hoặc bảo đảm trật tự xã hội. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi không ít người chỉ mong Việt Nam thua đi… cho mình được yên ổn.

Ông bà, bố mẹ nên nhắc nhở con cháu mình, cơ quan, đoàn thể cần quán triệt các thành viên của mình, báo chí truyền thông ngừng cổ vũ cho những trận “đi bão” quá khích để đêm chiến thắng trọn vẹn hơn, niềm vui đi vào giấc ngủ của người già, con trẻ, người lao động... để ngày mai niềm vui đó còn lan tỏa trong công việc, đời sống tinh thần của xã hội. Đó mới là giá trị đích thực của chiến thắng, dù chỉ là bóng đá!