Đừng lạm dụng thực phẩm lạnh trong mùa nóng

(PLVN) - Thời tiết nắng nóng nhiều người sử dụng  nước đá, đồ mát lạnh với mong muốn giải nhiệt. Tuy nhiên, sử dụng những thứ này quá nhiều, thường xuyên, sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, sinh ra nhiều bệnh như đau đầu, viêm họng, hỏng răng, ảnh hưởng lưu thông máu... 
Hình minh họa
Hình minh họa

Chị Nguyễn Thị Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Trời nắng nóng thực sự mình không thiết tha ăn uống lắm. Dưới cái thời tiết này bảo mình ăn đồ không lạnh hay vừa nấu xong thì mình cũng chịu, ít nhất thức ăn nấu nhiệt phải để thật nguội mới dùng được, kèm với ly nước lọc thả thật nhiều đá, hoặc sữa chua, kem hay hoa quả để mát lạnh là ăn thấy ngon miệng, sảng khoái”.

Cũng yêu thích thói quen trên, chị Hoàng Thu Thảo (Thanh Xuân) có thể ăn bất cứ món nguội, lạnh nào. Chị Thảo làm văn phòng và thường có thói quen mang cơm đi ăn trưa.

“Mình không có thói quen quay cơm trong lò vi sóng hay dùng hộp cơm cắm ổ điện. Ăn nguội khiến mình cảm thấy ngon miệng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó lại được ngồi dưới điều hoà mát lạnh, nhâm nhi cốc trà sữa đá, mình thấy thực sự thoải mái. Tuy nhiên có một vài lần ăn cơm xong, rồi ăn thêm kem, trà sữa lạnh, mình có thấy hiện tượng đau đầu, bụng khó chịu, tiêu chảy”, chị Thảo kể

Trao đổi với báo chí, Bác sĩ Đặng Văn Quế, cho biết: "Hiện tượng đau đầu khi ăn kem, đồ ướp lạnh như trên, y học gọi là chứng “não đông”, ai cũng có thể mắc đột ngột khi dùng đồ lạnh. Nguyên nhân là khi ăn kem, nước đá, bia rượu, thực phẩm ướp lạnh (soda, sữa, nước sinh tố lạnh...) qua vòm họng quá nhanh sẽ kích thích mạnh niêm mạc và các cơ quan cảm giác, các đầu mút dây thần kinh điều khiển, các mạch máu lên não..., nhất là vùng não trước bị kích thích tại chỗ khiến nó co lại, trong khi mạch máu vùng não lại giãn phồng ra hơn bình thường (gần như bị tăng áp lực vỏ não). Các mạch máu não bị phồng lên đột ngột sẽ gây đau đầu như bị giật... khiến đầu đau nhức buốt, buồn nôn, nhất là vùng thái dương, trán. Tuy không nguy hiểm, nhưng chứng đau buốt đầu có nguy cơ gây ức chế hệ thần kinh rất cao”. 

Theo GS.TSKH Bùi Quốc Châu, Giám đốc Trung tâm Diện chẩn điều khiển liệu pháp và xoa bóp Việt Nam, Đông y từ xưa nói “Thận ố hàn” (thận ghét lạnh). Không chỉ thận mà phổi và tỳ, vị cũng sợ lạnh. Khi ăn uống đồ lạnh, cơ thể phải tự động hóa giải để quân bình nhiệt độ giữa các vùng khiến hao phí năng lượng. Ăn uống đồ lạnh nhiều có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm: suyễn, đau dạ dày, trĩ, viêm họng, viêm phế quản, viêm mũi dị ứng, cảm lạnh, thấp khớp, tiểu gắt, rụng tóc, đau lưng, hỏng răng, nhức mỏi cổ, gáy, vai, nhức đầu kinh niên, giảm trí nhớ, kém mắt, nặng nề mệt mỏi, sợ lạnh, nhức răng, mụn nhọt, bệnh đường ruột,..

Theo lời khuyên của ThS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, mùa hè nắng nóng quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra mạnh mẽ, dương khí phát ra ngoài, âm khí tiềm phục ở trong. Công năng của tỳ vị có xu hướng suy giảm vì nóng bức dễ uống nhiều làm cho dịch vị bị pha loãng, quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn dễ bị rối loạn.

Bởi vậy, trong mùa hạ, Đông y khuyên nên chú trọng dùng nhiều đồ ăn thức uống có tác dụng thanh nhiệt giải thử, lợi niệu trừ thấp như dưa hấu, mướp đắng, dưa chuột, bí đao, đậu xanh, đậu đen, cháo ngũ đậu, cháo ý dĩ, cháo đậu xanh, cháo biển đậu, cháo lá sen, trà nhân trần, trà hoa cúc, trà nụ hoặc lá vối, trà actiso, trà khổ qua...

Những ngày quá nóng bức có thể dùng một chút nước ướp lạnh hoặc nước đá để giúp cơ thể giải nhiệt nhưng không được dùng nhiều để tránh làm thương tổn tỳ vị, tạo điều kiện cho thấp tà gây bệnh bên trong. Khi mồ hôi ra nhiều phải chú ý bổ sung đủ lượng nước đã mất bằng đường ăn uống.

Đọc thêm