Bê bối lạm dụng thuốc giảm đau gây nghiện

(PLO) - Nước Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực y tế công cộng, nghiêm trọng đến mức Tổng thống Donald Trump đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế ở cấp quốc gia. Đó là tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau có chứa chất gây nghiện...
Năm 2016, Mỹ có khoảng 60.000 trường hợp tử vong vì sử dụng quá liều thuốc giảm đau có khả năng gây nghiện
Năm 2016, Mỹ có khoảng 60.000 trường hợp tử vong vì sử dụng quá liều thuốc giảm đau có khả năng gây nghiện

Dù chỉ chiếm 5% dân số thế giới nhưng nước Mỹ tiêu thụ đến 80% tổng lượng thuốc giảm đau gây nghiện toàn cầu. Đây là một con số kỷ lục mà hậu quả của nó là những cái chết được báo trước. 

Báo động

Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, trong năm 2016, Mỹ có khoảng 60.000 trường hợp tử vong vì sử dụng quá liều thuốc giảm đau có khả năng gây nghiện trong điều trị y tế, tăng 19% so với năm 2015. Ước tính có khoảng 2-3 triệu người đang được kê đơn sử dụng heroin hoặc thuốc giảm đau có khả năng gây nghiện, trong đó trung bình mỗi ngày Mỹ có 90 người chết vì quá liều.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia y tế, những con số trên chưa phản ánh được hết thực chất của vấn đề khi mà số liệu thực tế có thể còn tồi tệ hơn rất nhiều. Thống kê còn chỉ rõ, thời gian nằm viện càng lâu bệnh nhân càng dễ có nguy cơ phụ thuộc vào thuốc giảm đau. Các chuyên gia cho rằng, sau khi sử dụng nhóm thuốc gây nghiện (nhóm Opioid) để giảm đau, rất nhiều bệnh nhân đã bị nghiện. Thậm chí còn chuyển sang sử dụng heroin với giá thành rẻ hơn.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions nhận định, trong lịch sử nước Mỹ chưa bao giờ phải đối mặt với số người bị tử vong do sử dụng thuốc giảm đau gây nghiện cao như vậy, đó là chưa kể đến những trường hợp không tử vong nhưng phải đương đầu với những tác hại của cơn nghiện. Trong bối cảnh đó, lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp y tế về vấn nạn này.

Ngày 10/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện (nhóm opioid) ở Mỹ đã trở thành “tình trạng khẩn cấp quốc gia” và cam kết đẩy mạnh các nỗ lực chống vấn nạn này. 

Theo người đứng đầu Nhà Trắng, đây là một vấn đề nghiêm trọng mà nước Mỹ chưa từng phải đối mặt. Ông Trump cam kết chính quyền sẽ đầu tư nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để giải quyết tình trạng này. 

Tuyên chiến

Nguyên nhân của tình trạng lạm dụng thuốc gây nghiện giảm đau được cho là có bàn tay của một số bác sỹ Mỹ vô lương tâm khi kê đơn với sự thao túng của các hãng dược phẩm mặc cho các chuyên gia y khoa khuyến cáo, việc kê đơn thuốc giảm đau nhóm Opioid cần phải thận trọng và chỉ sử dụng cắt cơn đau đối với các bệnh nan y như ung thư giai đoạn cuối. 

Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau còn do cả thói quen sử dụng thuốc giảm đau thiếu kiểm soát của một bộ phận lớn dân cư tại Mỹ khiến cuộc khủng hoảng ngày càng lan rộng. 

Trước tình trạng báo động trên, để siết chặt hơn trong việc kiểm soát việc kê đơn thuốc giảm đau có chất ma túy, Bộ Tư pháp Mỹ đã thành lập một đơn vị phụ trách giám sát việc lạm dụng và sử dụng không đúng cách thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện. Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã bổ nhiệm 12 công tố viên, có trách nhiệm điều tra về các gian lận trong ngành y và đưa những người vi phạm ra tòa án.

Bộ Tư pháp Mỹ ra thông báo, nếu một bác sĩ kê thuốc giảm đau gây nghiện vì mục tiêu kiếm lời, hay một dược sĩ để thuốc lọt ra ngoài một cách gian lận, họ sẽ bị truy tố. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết gần đây đã truy tố hơn 400 người, trong đó có các bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau có chứa chất gây nghiện, không cần thiết cho điều trị, cũng như các nhà thuốc bán các loại thuốc như vậy cho những người nghiện. 

Ngoài ra, trong thời gian qua, hàng chục thành phố, địa hạt và các bang trên toàn nước Mỹ đã và đang khởi kiện các hãng dược phẩm lớn của nước này với cáo buộc gây ra vấn nạn nghiện ma túy tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Các cáo buộc cho rằng, “vấn nạn” Opioid chính là “sản phẩm” được tạo ra bởi “kế hoạch gian lận” của các hãng dược Purdue Pharma, Mallinckrodt Pharmaceuticals và Endo Pharmaceuticals nhằm “đánh lừa các bác sĩ và công chúng về sự cần thiết cũng như tính chất gây nghiện của các loại thuốc có chứa Opioid”. Các hãng dược đã bỏ hàng triệu USD vào hoạt động quảng cáo và tung ra lực lượng bán hàng hùng hậu. Hệ quả là các sản phẩm thuốc này được bán rộng rãi dẫn tới tình trạng lạm dụng trong người dân. 

Trong khi đó, một chiến dịch nhằm giảm thiểu số bệnh nhân lạm dụng thuốc giảm đau đã và đang nhận được sự hưởng ứng của nhiều trường đại học y ở Mỹ. Các khóa học chuyên đề trong chiến dịch này giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về tình trạng và tâm lý của bệnh nhân khi dùng thuốc giảm đau và giúp họ có nhận thức đúng đắn về thuốc giảm đau. Một số bệnh viện ở Mỹ cũng đang bắt buộc áp dụng các biện pháp thay thế thuốc giảm đau trong quá trình điều trị chấn thương.

Đọc thêm