Nhiều người bị dị ứng thuốc đông y do tự ý dùng

(PLO) - Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tuần nào cũng tiếp nhận vài bệnh nhân bị dị ứng thuốc đông y.
Nhiều người bị dị ứng thuốc đông y do tự ý dùng

Bác sĩ Phạm Huy Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại tọa đàm Kiểm soát chất lượng dược liệu chiều 19/9, thuốc đông y vốn lành tính nhưng vẫn có thể gây dị ứng, thậm chí tử vong nếu tự ý sử dụng một cách vô tội vạ. Thuốc đông y chất lượng kém thì nguy cơ gây dị ứng càng nhiều và hậu quả nặng nề hơn. Các biểu hiện nhẹ như mẩn ngứa, nổi ban, mề đay, nặng thì gây nhiễm độc da gây phồng rộp, lở loét; thậm chí tử vong, 

Theo bác sĩ Thông, những trường hợp nhiễm độc da do dị ứng nặng điều trị rất khó khăn, người bệnh đau đớn bởi tình trạng lở loét, hoại tử. Có bệnh nhân bị loét miệng nên khó khăn trong ăn uống, có người giảm thị lực…

Bác sĩ khuyên người dân nên cảnh giác với những quảng cáo bán dược liệu trên mạng, không nên tự ý sử dụng khi không biết nguồn gốc. Tránh mua thuốc đông dược chế biến thành dạng viên hoặc được bán kèm với những gói thuốc bột trắng không rõ nguồn gốc vì có thể bị pha thuốc tân dược không đúng quy định.

Hàng năm Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu. Dược liệu nhập khẩu đã giảm nhưng vẫn chiếm 60-70% (chủ yếu từ Trung Quốc) thị trường. Những dược liệu này thườg không trồng được ở Việt Nam.

Bà Trần Thị Hồng Phương, Phó Cục trưởng Quản lý Y dược cổ truyền cho biết, kiểm tra thực tế thời gian qua cho thấy chất lượng dược phẩm tốt lên nhiều. Tình trạng dược liệu giả, dùng nhầm loài, kém chất lượng, trước đây khá phổ biến còn hiện nay rất ít, tuy nhiên vẫn chưa thể loại trừ với hàng trôi nổi. Do lợi nhuận rất cao nên tình hình buôn lậu diễn ra rất phức tạp.

Việt Nam đang phát triển các vùng trồng dược liệu trong nước, với tám vùng sinh thái được quy hoạch trồng dược liệu phù hợp với từng vùng. Đến năm 2020 nguồn dược liệu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ đáp ứng 50% nhu cầu.

Nước ta có hệ sinh thái phong phú và đa dạng, tiềm năng to lớn về dược liệu (thực vật, động vật, khoáng vật). Trong hơn 12.000 loài thực vật Việt Nam thì gần 4.000 loài có công dụng làm thuốc, vùng phân bố rộng khắp cả nước. Nhiều dược liệu được xếp vào loài quý hiếm trên thế giới, như sâm ngọc linh, sâm vũ diệp, tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ… Tuy nhiên việc bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu đang gặp phải nhiều hạn chế, khó khăn. Việc trồng và khai thác dược liệu còn tự phát, quy mô nhỏ dẫn đến sản lượng không ổn định, giá cả biến động.

Đọc thêm