Chích kim vào ngón tay để cứu người đột quỵ?

(PLO) - Gần đây, tôi có đọc một số thông tin trên mạng hướng dẫn người thân có thể cứu sống người tai biến mạch máu não bằng cách chích kim trên 10 đầu ngón tay và dái tai đến khi chảy máu.
Chích kim vào ngón tay để cứu người đột quỵ?

Bùi Hồng Quyên (Nam Định) hỏi: "Bố tôi năm nay 72 tuổi và ông có tiền sử tai biến. Gần đây, tôi có đọc một số thông tin trên mạng hướng dẫn người thân có thể cứu sống người tai biến mạch máu não bằng cách chích kim trên 10 đầu ngón tay và dái tai đến khi chảy máu. Vậy thực hư của phương pháp này như thế nào? Làm thế nào để phát hiện sớm dấu hiệu đột quỵ?".

PGS-TS Mai Duy Tôn, Trưởng Phòng Cấp cứu 1 Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trả lời: Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng tổn thương não cấp tính. Có 2 dạng đột quỵ là đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não; trong đó đột quỵ thiếu máu não thường gặp hơn. Đặc điểm của đột quỵ là xảy ra nhanh, nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong. Sau khi bị đột quỵ, cứ 1 phút trôi qua sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não chết đi, do vậy bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt. Vì thế, nhận biết, đánh giá và xử trí ban đầu đối với bệnh nhân đột quỵ rất quan trọng. 

Cách nhận biết cơn đột quỵ sắp tới là các dấu hiệu khó nói, khó uống nước, mắt mờ, liệt nửa người bên trái hoặc bên phải, không giơ tay lên được. Các biểu hiện như méo miệng (rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng); yếu liệt tay chân (có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay, 2 chân lên cao) và ngôn ngữ bất thường (đề nghị bệnh nhân lặp lại cụm từ đơn giản (nói - cười - chào) xem họ có hiểu và lặp lại được không). Khi thấy có dấu hiệu chính xác cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất hoặc gọi điện cho 115 để được cấp cứu thay vì tự sơ cứu.

Chích kim vào ngón để cứu người đột quỵ? - Ảnh 1.

Những thông tin về việc cứu người đột quỵ bằng cách chích máu 10 đầu ngón tay vẫn được chia sẻ nhiều trên các mạng xã hội

Hiện nay, tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện sớm tính từ lúc khởi phát triệu chứng chỉ chiếm khoảng 5%. Bởi lẽ, khi thấy người thân bị đột quỵ, những người xung quanh thường không có thói quen đưa đi cấp cứu mà hay để bệnh nhân ở nhà hoặc dùng các bài thuốc truyền miệng nên mất đi cơ hội vàng điều trị tối ưu.

Một trong những phương pháp dân gian được mọi người truyền tai nhau là nặn máu ở tay, chân, dái tai để chữa đột quỵ, tôi xin khẳng định cách làm này không có cơ sở khoa học và không có tác dụng.

Khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ thì thời gian vàng từ 4-6 giờ đầu để điều trị đột quỵ rất quan trọng, bệnh nhân vào viện càng sớm thì cơ hội cứu sống càng cao, di chứng càng ít. Việc nhiều gia đình chủ quan, thiếu hiểu biết để bệnh nhân ở nhà tự điều trị bằng thuốc khiến họ mất cơ hội điều trị.

Đọc thêm