Vắc xin Việt Nam đủ tiêu chuẩn ra thị trường thế giới

(PLO) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 22/6 chính thức công nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế của WHO (NRA). Như vậy, Việt Nam là quốc gia thứ 39 trên thế giới được cấp Bằng chứng nhận đạt chuẩn này. Đây sẽ là cơ hội rất lớn để vắc xin Việt Nam khẳng định thương hiệu của mình và vươn xa hơn nữa.
Đến năm 2017, Việt Nam sẽ sản xuất được vắc xin phối hợp sởi-rubella
Đến năm 2017, Việt Nam sẽ sản xuất được vắc xin phối hợp sởi-rubella
Đảm bảo thị trường nội địa
Để đạt được thành tựu này, ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, từ năm 2001 Việt Nam đã bắt tay vào quá trình chuẩn bị và thực sự tăng tốc cách đây gần 2 năm. Hơn 1 năm qua, Bộ Y tế đã mời 30 chuyên gia của WHO và các tổ chức quốc tế đến Việt Nam hỗ trợ cho việc nâng cao năng lực của cơ quan quản lý quốc gia về vắc xin. Để đảm bảo các sản phẩm vắc xin có chất lượng và an toàn, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các nội dung theo bộ công cụ tiêu chuẩn đánh giá năng lực của cơ quan quản lý quốc gia về vắc xin của WHO…
14 năm là quãng thời gian khá dài để chúng ta làm được điều kỳ diệu này. Nhưng so với khoảng thời gian 20 năm mới đi tới đích của các quốc gia khác, chúng ta đã thực sự  có một cú bứt phá vô cùng ngoạn mục. 
Hiện, Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã sản xuất được 10/12 loại vắc xin phục vụ cho Chương trình tiêm chủng mở rộng bao gồm các bệnh ho gà, uốn ván, lao, viêm gan B. Trong năm 2017, chúng ta sẽ cố gắng sản xuất thêm 2 loại vắc xin phục vụ chương trình là sởi và rubella. Trong thời gian tới, các nhà sản xuất vắc xin sẽ tiếp tục nghiên cứu để cho ra lò vắc xin viêm màng não mủ, vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng mở rộng.
Ông Cường cũng cho biết, thực tế Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ tai biến sau khi tiêm chủng vắc xin. Trước các sự cố này, Bộ Y tế đều cho dừng việc tiêm chủng loại vắc xin đó để tìm hiểu nguyên nhân. Kết quả cho thấy chưa có vụ việc nào liên quan đến chất lượng vắc xin, nhất là vắc xin sản xuất trong nước. Vì vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm về vắc xin nội địa. 
Còn về việc họ tin dùng vắc xin ngoại nhập hơn là do tư tưởng sính ngoại chứ không phải do chất lượng vắc xin. Người dân nên thay đổi quan điểm về vấn đề này. 
Cơ hội vươn xa ra thế giới
Với hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin đạt tiêu chuẩn quốc tế do WHO công nhận, đại diện Cục Quản lý Dược khẳng định chúng ta đủ khả năng đánh giá chất lượng vắc xin một cách độc lập. Hiện, các loại vắc xin mà chúng ta đã sản xuất được đều đạt tiêu chuẩn về GMP và NRA và đều có thể xuất khẩu được. 
Ngoài 1,7 triệu liều vắc xin cung cấp cho Chương trình tiêm chủng mở rộng trong nước, Việt Nam đã dần hướng ra thị trường thế giới, đặc biệt ưu tiên các quốc gia trong khu vực như: Hàn Quốc, Myanmar, Đông timor và Philippines… 
Không chỉ có vậy, với 4 công ty sản xuất sinh phẩm và vắc xin đạt chuẩn và được đầu tư hiện đại như hiện nay, Bộ Y tế chủ trương chuyên môn hóa (mỗi công ty chuyên sản xuất 1, 2 loại vắc xin) để tránh chồng chéo và tập trung nâng cao chất lượng vắc xin với hy vọng vắc xin trong nước sản xuất sẽ khẳng định vị trí của mình trong nước, khu vực, thậm chí vươn xa ra các nước khác…
Nhìn lại quá trình sản xuất vắc xin trong nước, các nhà quản lý và sản xuất vắc xin Việt Nam thẳng thắn thừa nhận chúng ta mới sản xuất vắc xin ở mức cầm chừng, đủ để tái sản xuất chứ không có tích lũy, thậm chí Nhà nước vẫn phải bù lỗ. 
Cụ thể, theo ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 cho hay, nhiều dây chuyền sản xuất hiện nay của các công ty vẫn chạy chưa hết công suất, như dây chuyền sản xuất vắc xin bại liệt mới chỉ đạt 20% công suất; dây chuyền sản xuất vắc-xin sởi 40% công suất, đa số các dây chuyền chỉ đạt từ 5 đến 10% công suất… 
Chính vì lẽ đó, ông Đỗ Tuấn Đạt cho rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp phải năng động tìm đầu ra để vận hành hết công suất, từ đó hạ giá thành sản phẩm, cạnh tranh trên thị trường chứ không phải cứ chờ đợi  Nhà nước bù lỗ như hiện nay. 
“Mặt khác, khi được bù lỗ qua giá, doanh nghiệp sẽ có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất để hướng tới xuất khẩu và khi làm ăn có lãi, doanh nghiệp có nhiều cơ hội nhận được sự đầu tư nhiều hơn từ các nhà đầu tư khác” – ông Đạt khẳng định. 
20-30 năm nữa, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất vắc xin nhiều nhất thế giới
“Đến thời điểm này, Việt Nam là một trong 39 quốc gia trên thế giới được công nhận hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin theo tiêu chuẩn của WHO. Với năng lực của Việt Nam về hệ thống quản lý chất lượng vắc xin, đội ngũ nhà khoa học cùng với chiến lược đầu tư, phát triển phù hợp, tin  rằng trong 20-30 năm nữa, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia sản xuất vắc xin nhiều nhất trên thế giới” - ông Lahouari Belgharbi, Trưởng đoàn chuyên gia WHO.

Đọc thêm