Bản quyền phát sóng AFF Cup 2018: Quyền của “nhà đài” đến đâu?

(PLO) - Do không được sở hữu toàn bộ bản quyền mà chỉ sở hữu quyền sản xuất, khai thác, sử dụng độc quyền trên kênh truyền hình mặt đất miễn phí đối với giải đấu AFF Cup 2018 nên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) hoàn toàn có thể bị khởi kiện nếu không tuân thủ “luật chơi”, cố tình phát sóng ở ngoài phạm vi bản quyền mình có.
"Nóng" chuyện bản quyền phát sóng trước ngày giải đấu AFF Cup 2018 diễn ra
"Nóng" chuyện bản quyền phát sóng trước ngày giải đấu AFF Cup 2018 diễn ra

Không khó để phát hiện vi phạm

Như đã thông tin, cuối tháng 8/2018, VTV đã công bố việc sở hữu bản quyền phát sóng giải bóng đá Liên đoàn Đông Nam Á 2018 (AFF Suzuki Cup 2018). Theo đó, toàn bộ các trận đấu của giải sẽ được đài này tường thuật trực tiếp trên trên hạ tầng mặt đất miễn phí và truyền phát trên tất cả các hạ tầng khác.

Tuy nhiên, gói bản quyền mà VTV đã sở hữu mới chỉ cho phép đơn vị này phát sóng trên các kênh truyền hình truyền thống trong khi bản quyền trên các nền tảng khác như di động, internet, IPTV... không thuộc về VTV mà thuộc quyền của Công ty cổ phần giải pháp truyền hình Thế Hệ Mới (Next Media).   

Với các Clip quảng cáo ra rả trên các kênh truyền hình VTVCab, kèm theo một số phát ngôn nêu diễn dãi quyền phát sóng theo ý mình của một lãnh đạo VTVCab trước thềm giải đấu khiến nhiều người lo ngại chuyện tranh chấp sẽ khó hoàn toàn có thể xảy ra nếu VTV cố tình không tuân thủ “luật chơi”.    

Theo những gì đã công bố thì VTV dự định phát các trận đấu của AFF Cup 2018 trên sóng VTV6 trong khi trên hệ thống truyền hình VTVCab (truyền hình trả tiền) cũng có kênh VTV6. Phía VTV lý lẽ rằng: Chỉ những hệ thống truyền hình trả tiền nào chưa có kênh VTV6 thì mới không được phát AFF Cup 2018. Còn những hệ thống truyền hình trả tiền đang có sẵn kênh VTV6 cũng được phép phát vì truyền hình trả tiền cũng là một hệ thống truyền dẫn của VTV6 (?)

Trong khi đó căn cứ theo Chứng thư cấp quyền phát sóng AFF Suzuki Cup 2018 ngày 2/10/2018 của Legardee Sports Asia Pte LTD (LSA) - chủ sở hữu bản quyền truyền thông của Giải đấu - đã xác nhận cấp quyền cho Next Media độc quyền và quyền phát sóng các trận đấu từ giải đấu AFF Suzuki Cup 2018,  với ngôn ngữ cấp quyền là toàn bộ các ngôn ngữ địa phương Việt Nam, trên các Hạ tầng truyền dẫn vệ tinh; Cáp, IPTV, Phát thanh, Internet và mạng di động, với hình thức Trả tiền.

Dù có tới hai đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng AFF Cup 2018 và đã có những tín hiệu cho thấy việc tranh chấp bản quyền khó có thể tránh khỏi nhưng ông Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ TP.HCM, vẫn tin khi giải đấu diễn ra sẽ không có xung đột, tranh chấp. Bởi theo ông trong gói bản quyền đã ghi rất rõ đơn vị sở hữu có quyền được cấp phép cho bên thứ ba trình chiếu đến đâu, trên nền tảng nào nên cứ dựa vào quyền đó mà thực hiện.

Về phương thức giám sát việc vi phạm bản quyền, ông Tuấn cho rằng, do các trận đấu đều phát trên những nền tảng công nghệ nêu trên nên phía sở hữu bản quyền tập trung theo dõi trên những nền tảng phát sóng. Từ đó, dựa vào những vi phạm khi phát hiện, bên sở hữu bản quyền sẽ có biện pháp cắt sóng hay đề nghị chấm dứt hoạt động của trang web không tôn trọng bản quyền. “Vấn đề là phía đơn vị sở hữu bản quyền có chịu làm hay không chứ nếu quyết tâm làm thì không phải là điều quá khó khăn”- vị luật sư này nhấn mạnh.

Cứ theo luật mà "xử"

Theo Điều 25, Điều 38 và Điều 202 đến Điều 205 của Luật Sở hữu trí tuệ, những tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý. Bên vi phạm sẽ phải chấm dứt hành vi xâm phạm bản quyền. Sau đó, bên sở hữu bản quyền và bên vi phạm cùng nhau đàm phán để đưa ra mức xử lý lẫn đền bù thiệt hại.

Thậm chí, trong trường hợp bên khởi kiện chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về vật chất còn có quyền yêu cầu Toà án quyết định mức bồi thường theo tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà phía vi phạm đã thu được do cố tình thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Liên quan tới gói bản quyền của Next Media, Luật sư Hồ Hữu Hoành của Saigonmind.com cho biết: Theo các văn bản được cung cấp, có thể hiểu Next Media được truyền dẫn, phát hành các trận đấu thông qua hệ thống truyền hình cáp (đương nhiên có trả tiền), hoặc thông qua internet và được thu tiền người xem... Next Media có thể áp dụng các biện pháp khoa học, công nghệ để bảo vệ bản quyền, yêu cầu các cơ quan hành chính xử phạt hành chính những hành vi vi phạm, hoặc khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài thương mại để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo vị luật sư này, trong trường hợp Next Media cho phép một đơn vị tiếp dẫn để phát lại, quyền đó phải được quy định trong hợp đồng ký với LSE, và nếu Next Media có quyền đó, đơn vị tiếp dẫn cũng chỉ được phát, truyền dẫn trên mạng viễn thông, thông tin điện tử (internet). Trong cuộc họp báo mới đây, đại diện của Next Media và đối tác Green Communications nói rằng họ sẵn sàng cung cấp video các trận đấu cho các báo, đài đúng quy định nếu các đơn vị này có công văn xin phép.  

Đối với các trường hợp vi phạm như “Xôi Lạc TV” vừa qua, bất kỳ chủ sở hữu, hoặc chủ thể được cấp quyền khai thác trên phạm vi lãnh thổ đó có thể thực hiện việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp theo quy định của pháp luật.

“Trước hết, có thể đề nghị cơ quan nhà nước, chủ thể có thẩm quyền thực hiện các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm. Ví dụ nếu phát trên nền tảng web, thì đề nghị cơ quan quản lý internet chặn IP; nếu phát trên nền tảng YouTube, Facebook, thì cung cấp chứng minh quyền sử dụng hợp pháp để yêu cầu Google, Facebook xóa nội dung”- luật sư Hoành chia sẻ.

Đọc thêm