Để thực phẩm không rơi vào tình trạng “sáng rau, chiều rác”…

(PLO) - Đảm bảo an toàn thực phẩm luôn là mục tiêu tối thượng đối với doanh nghiệp. Công việc này phải bắt nguồn từ những người nông dân nhưng chính doanh nghiệp mới là những người quyết định hướng đi sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm… 
An toàn thực phẩm là “cuộc chơi” chung của người nông dân và doanh nghiệp
An toàn thực phẩm là “cuộc chơi” chung của người nông dân và doanh nghiệp

An toàn bắt đầu từ người nông dân…

Ông Phạm Anh Tuấn (Liên hiệp HTX tiêu thụ Nông sản an toàn Việt Nam) khẳng định, mô hình HTX kiểu mới có nhiều vấn đề, đặc biệt trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Liên hiệp HTX có hơn 300 thành viên trên toàn quốc, đủ các mặt hàng cung cấp từ rau, củ quả, thịt cá… nên để thay đổi tư duy của người dân rất vất vả, phải thuyết phục bà con, hướng dẫn bà con nông dân làm như thế nào để đảm bảo ATTP, phải chấp nhận “mưa dầm thấm lâu”. 

Hiện nay, phong trào tham gia làm thành viên của HTX rất mạnh, kéo theo tư duy và xu thế thực hiện ATTP cũng đã thay đổi trong suy nghĩ của người dân. Cụ thể, theo ông Tuấn, tất cả các thành viên trong Liên minh HTX đều kiểm soát được chất lượng  sản phẩm. Chăm sóc theo phương pháp khoa học, ngày tra giống, bón phân, quy trình thế nào đều ghi lại rõ ràng.

Ông Tuấn khẳng định: “Đây là một sự tiến triển mạnh mẽ về nhận thức do đó mô hình này cần phải đẩy mạnh”. Ông Tuấn cũng cho rằng, muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau, do đó, Liên hiệp HTX là kết nối hàng trăm, hàng nghìn HTX để có nguồn thực phẩm đa dạng và an toàn cung cấp cho các doanh nghiệp phân phối. 

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, làm thực phẩm rất rủi ro, sáng là rau, chiều là rác. Thậm chí, chỉ vì sự cố mất điện mà một thành viên trong Liên minh HTX phải đổ đi cả kho cá vì không đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Do đó, để làm được thực phẩm an toàn, phải cần sự đồng lòng tham gia của toàn xã hội - tất cả những đối tượng tham gia vào quy trình cung cấp sản phẩm đến người tiêu dùng, từ người nông dân, đến khâu bảo quản và phân phối sản phẩm. 

Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc chất lượng sản phẩm của Chuỗi cửa hàng Bác Tôm cũng cho rằng, thúc đẩy bà con chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống sang an toàn là điều quan trọng nhất. Năm 2009, khi thực hiện nghiên cứu và can thiệp đưa nông sản vùng cao đến thị trường đô thị nhằm mục tiêu xoá đói giảm nghèo, ông Chiến bắt đầu tổ chức hội thảo mời bà con nông dân đến phổ biến và hướng dẫn chuyển đổi mô hình sản xuất sang hiện đại. 

Ông Chiến cho biết, khó khăn đầu tiên là thuyết phục bà con nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất và khó khăn thứ hai là thuyết phục người tiêu dùng (NTD ) tin mình. Đối với sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp (DN) thương mại cần gắn kết bà con với DN, sát cánh cùng bà con, thuyết phục họ từ khi sản xuất đến thu hoạch, đặc biệt làm sao để thu mua ổn định đầu ra cho sản phẩm để đảm bảo nguồn cung ổn định. “Nếu không làm như thế, người nông dân có thể quay về thói quen sản xuất cũ bất kỳ lúc nào” - ông Chiến khẳng định. 

… và cách ứng xử của doanh nghiệp

Tân Hiệp Phát là tập đoàn trong nước chuyên sản xuất về đồ uống. Tập đoàn này đã trải qua rất nhiều sóng gió xuất phát từ vấn đề ATTP. Ông Nguyễn Phan Huy Khôi, Giám đốc đối ngoại Tân Hiệp Phát cho biết, sau sự cố, Tân Hiệp Phát đã thực hiện nghiêm chỉnh giá trị cốt lõi của DN, bắt đầu từ ATTP. Ông Khôi cho biết, đã từng có lúc, Tập đoàn đặt ra câu hỏi “Văn hoá ATTP có trở thành giá trị văn hoá DN hay không”? 

Và Tân Hiệp Phát đã đi theo quan điểm ATTP phải từ tận gốc, DN cần khắt khe với chính mình, không thể dùng ATTP như một mỹ từ để làm truyền thông. ATTP phải trở thành cốt lõi của DN. Khi đã công bố sản phẩm tốt nhưng lại làm ngược lại, đưa ra những sản phẩm không an toàn rõ ràng là lừa dối khách hàng. “Chúng tôi theo đuổi tinh thần nhân văn, từ cán bộ lãnh đạo đến nhân viên đều hiểu được trách nhiệm này. Chúng tôi xây dựng Tập đoàn thân thiện, DN thân thiện, đặt lợi ích của NTD lên trên hết” - ông Khôi khẳng định. 

Đây cũng là vấn đề mà ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam đề cập đến. Theo ông Hùng, NTD tin tưởng thương hiệu của DN không phải qua cách thức quảng cáo mà quan trọng nhất là chất lượng, giá cả, ATTP là hàng đầu. 

Do đó, quan trọng là cần có thông tin để NTD biết được là thông tin thật. Châu Âu, Nhật Bản đều bắt buộc phải có thông tin xuất xứ nguồn gốc sản phẩm nhưng ở Việt Nam quy định thì có nhưng chưa làm đến nơi đến chốn, hàng hoá ở chợ, thậm chí ở siêu thị đều đa phần không thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ. 

Ngoài ra, vấn đề ứng xử với NTD cũng là việc DN nên quan tâm. Ông Hùng cũng như các thành viên của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD đã từng xử lý khá nhiều vụ tranh chấp giữa NTD và DN. Ông Hùng cho biết, không thể tránh khỏi việc thực phẩm đến tay NTD có vấn đề nên việc ứng xử như thế nào là vô cùng quan trọng. Những DN có tầm nhìn sẽ có ứng xử rất tốt với các khiếu nại. Tỉnh táo, biết cách ứng xử với NTD và giải quyết sau bán hàng thế nào chính là sách lược mà các DN cần để tâm đến.  

Đọc thêm