Gia hạn sử dụng hai chất nguy hiểm 2,4D và Paraquat: Coi trọng quyền lợi DN hơn sức khỏe người dân?

(PLO) - Mặc dù đã bị loại ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật từ tháng 2/2017 nhưng thực tế 2 hoạt chất nguy hiểm 2,4D và Paraquat vẫn được phép nhập về Việt Nam để sản xuất, sử dụng trong thời gian ít nhất là 6 tháng nữa. 
Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục loại nhiều hóa chất bảo vệ thực vật xếp ở nhóm độc ra khỏi danh mục được phép sử dụng.  (Ảnh minh họa)
Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục loại nhiều hóa chất bảo vệ thực vật xếp ở nhóm độc ra khỏi danh mục được phép sử dụng. (Ảnh minh họa)

Trước đó, vào ngày 8/2/2017, Bộ trưởng  Bộ NN&PTNT đã ký quyết định loại hai chất nguy hiểm 2,4D và Paraquat khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Nhưng trong chính quyết định này, Bộ NN&PTNT lại gia hạn 1-2 năm cho việc tiếp tục sản xuất, nhập khẩu các chất này.

Loại bỏ nhưng chưa “khai tử”

Tính cho đến thời điểm hiện nay, Quyết định của Bộ NN&PTNT mới có hiệu lực 6 tháng, tức vẫn còn độ dài nửa năm nữa, 2 hai chất nguy hiểm 2,4D và Paraquat mới chính thức bị “khai tử”. 

Tìm hiểu được biết, hoạt chất 2,4D có tác dụng trừ cỏ không phải là chất để phun cho cây. Nhưng do sử dụng ở liều lượng thấp có tác dụng kích thích sinh trưởng nên đã bị lạm dụng để làm thuốc phun kích thích tăng trưởng rất nguy hiểm. Trong khi đó, Paraquat lại là chất có khả năng gây ung thư, rất độc hại và không có thuốc giải và đã bị 90 nước cấm lưu hành. Có thể nói, cả hai hóa chất này là chất cực độc, sau khi nông dân sử dụng, lưu dẫn vào cây trồng, nguồn nước, môi trường... và phải mất hàng chục năm hai hóa chất độc hại này mới có thể phân hủy. 

Là 2 chất độc nên việc quyết định “gia hạn” của Bộ NN&PTNT là động thái gây khó hiểu. Theo nhiều chuyên gia, đúng lý ra, VN phải cấm sử dụng hai hóa chất này từ nhiều năm trước. Nhưng việc Bộ NN&PTNT quyết định loại hai chất nguy hiểm 2,4D và Paraquat khỏi danh mục thuốc BVTV nhưng lại cho phép sử dụng thêm 2 năm chẳng khác nào  là để bảo vệ DN đã “lỡ” nhập thuốc, giúp các DN này cần có thời gian để tiêu thụ hết số thuốc đã nhập. Trong khi giữa cái lợi cho DN và hại cho xã hội cần được xem xét kỹ lưỡng thì chưa được Bộ NN&PTNT cân nhắc khi ban hành quyết định nói trên.

Kiểm soát được không?

Về việc loại hai chất nguy hiểm 2,4D và Paraquat khỏi danh mục thuốc BVTV nhưng lại cho phép sử dụng thêm 2 năm, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật giải thích: Việc quyết định như vậy là căn cứ vào Luật Bảo vệ và kiểm định thực vật và theo thông lệ quốc tế.  Theo ông Trung, khi loại bỏ bất cứ 1 hoạt chất gì đang sử dụng ra khỏi danh mục thì từ Mỹ, EU và các nước phát triển đều cần 1 lộ trình về mặt thời gian để tất cả DN đang kinh doanh, sử dụng chất bị loại bỏ có thời gian thích ứng với chính sách mới. 

Ông Trung nói, quan điểm của Bộ NN&PTNT khi xây dựng Luật Bảo vệ và kiểm định thực vật và các văn bản quy phạm để hướng dẫn luật này đều quy định bảo đảm thời gian cho DN xử lý những tồn tại mà DN đang kinh doanh sản xuất khi có thay đổi về chính sách. “Vì thế, mục đích của chúng ta bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, người sản xuất thì chúng ta đã loại bỏ 2 hoạt chất này rồi nhưng quan điểm của chúng tôi là vẫn cần lộ trình để DN thích ứng”- ông Trung nêu quan điểm. 

Hiện vẫn còn 6 tháng nữa mới ngừng nhập khẩu hai chất nguy hiểm 2,4D và Paraquat vào trong nước. Vậy trong thời gian gia hạn như vậy sẽ được cơ quan quản lý kiểm soát thế nào? Ông Trung cho hay: Thuốc BVTV kiểm tra quản lý rất chặt, 100% lô hàng nhập khẩu vào trong nước đều phải kiểm tra quản lý nhà nước về chất lượng. Do vậy Cục BVTV đã yêu cầu, những hợp đồng nào ký trước ngày quyết định có hiệu lực thì tiếp tục được nhập đưa vào trong nước, còn những hợp đồng nào sau đó thì không được phép đưa vào. Ngoài ra, cơ cấu thuốc sử dụng của tất cả các DN tại các tỉnh đều được báo cáo hàng tháng về Cục BVTV để cơ quan này kiểm soát. 

Theo Cục BVTV,  Bộ NN&PTNT đã loại nhiều hóa chất BVTV xếp ở nhóm độc ra khỏi danh mục được phép sử dụng. Hiện cơ quan này cũng đang tiếp tục rà soát hàng chục hoạt chất có trong phụ lục 3 của công ước Rotterdam và sẽ có những quyết định với những chất tiếp tục được đưa vào danh mục cấm. 

 “Theo chỉ đạo của Bộ, chúng tôi cũng đang kiểm tra, kiểm soát rất chặt chẽ. Và Cục BVTV cũng đã lên phương án sửa đổi lại các văn bản, thông tư hướng dẫn để tới đây quản lý cho phù hợp hơn. Làm sao để rút ngắn hơn thời gian sát với điều kiện thực tế. Bảo đảm trong thời gian ngắn nhất có thể loại bỏ dứt điểm các loại thuốc có đầy đủ bằng chứng khoa học ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam”- Cục trưởng Cục BVTV cho hay. 

Đọc thêm