Mô hình vận tải Uber/Grab: Phép thử thúc đẩy công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0

(PLO) - Trong bối cảnh các công nghệ mới phát triển nhanh chóng trong cuộc cách mạng 4.0, nhiều hiện tượng kinh tế - xã hội mới xuất hiện, điển hình là trên thị trường vận chuyển, với sự xuất hiện của Uber/Grap, các supply cars đã làm thay đổi môi trường hoạt động cũng như phúc lợi của xã hội.
Hà Nội và TPHCM đang chịu áp lực lớn về quá tải các phương tiện giao thông
Hà Nội và TPHCM đang chịu áp lực lớn về quá tải các phương tiện giao thông

Uber/Grap là phép thử?

Tại tọa đàm khoa học “Chính sách quy hoạch giao thông đô thị trong kỷ nguyên số” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức vào sáng ngày 8/9, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ thì Uber và Grab không phải là loại hình taxi mà thuộc nhóm xe hợp đồng.

“Thông qua phần mềm công nghệ, trước khi bước lên xe, khách hàng đã biết lộ trình và phí phải trả,  khi đó hợp đồng cũng đã được ký kết xong. Bản chất thì Uber và Grab không phải là taxi dù ngày càng thay thế chức năng của xe taxi tại các đô thị. Nhiều nhà quản lý địa phương đã có suy nghĩ Uber, Grab giống như taxi và đây là một hãng taxi, nếu phát triển quá nhanh thì cần có điều tiết nên có khuynh hướng đưa ra giới hạn với Uber, Grab, thậm chí có địa phương có chính sách cấm loại hình này như Đà Nẵng… Quan điểm hạn chế số lượng (cấp hạn ngạch) đối với xe hợp đồng điện tử để giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và ngăn chặn gián đoạn ngành taxi truyền thống. Phải chăng đang ứng xử thiếu phù hợp đối với loại hình này?”, TS.Nguyễn Đức Thành nhận định.

Bày tỏ quan điểm về sự phát triển của Uber/Grap, theo TS.Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Uber/Grap hiện nay là phép thử với định hướng phát triển khoa học công nghệ trong thực tiễn đời sống, chính sách hiện nay. Chính phủ có chủ trương thúc đẩy công nghiệp 4.0 nên nếu chúng ta từ chối Uber/Grap hay cho phép địa phương thiết lập rào cản với loại hình này vô hình trung sẽ phát đi thông điệp, nói áp dụng khoa học công nghệ nhưng thực tế không làm được. Đó sẽ là thông điệp không chỉ với ngành vận tải mà còn các ngành khác nữa.

Đồng tình quan điểm, CEO Đỗ Hoài Nam, đồng sáng lập UP-Co Working Space cho rằng, hiện nay khi khoa học công nghệ đi vào mọi ngõ ngách cuộc sống thì nên cần có cái nhìn đa chiều. Thay vì hạn chế Uber/Grab thì nên bắt buộc taxi truyền thống phải có thay đổi công nghệ. Nếu nói đến bài toán tối ưu hóa, thì theo nghiên cứu rộng rãi, tỷ lệ lấp đầy Uber/Grab là hơn 75% còn taxi truyền thống được 25%, như vậy, 3 chiếc taxi truyền thống mới có hiệu suất bằng 1 Uber, Grap.

Cần chính sách phù hợp hơn để hội nhập 

Trước vấn đề nhiều người băn khoăn làm sao quản lý loại hình Uber/Grab hiệu quả, công bằng, các chuyên gia đề xuất những nhà quản lý, hoạch định chính sách cần có cái nhìn khách quan và đa chiều về vấn đề này, đảm bảo sự công bằng khách quan và yếu tố thị trường.

“Có người cho rằng khi xuất hiện Uber thì lượng xe sẽ nhiều hơn, điều này không đúng. Trên thực tế, khi nhiều người chọn đi xe Uber và từ bỏ phương tiện khác (có thể là xe máy, có thể là ô tô riêng, cũng có thể là taxi truyền thống…Vì thế, một chiếc Uber vận hành thì ít nhất một loại phương tiện khác tạm dừng. Cho nên, việc hạn chế Uber với mục đích làm giảm ùn tắc giao thông là không hợp lý. Thay vì hạn chế xe hợp đồng điện tử, thì nên đẩy taxi truyền thống phát triển lên một bước mới - ứng dụng công nghệ để giành lại thị phần. Hơn nữa, việc kiểm tra, kiểm soát thuế của xe hợp đồng điện tử như Uber/Grap rất dễ dàng vì rất minh bạch. Trong khi đó, taxi truyền thống nộp thuế theo kỳ hạn, có khi chậm, nợ…”. TS.Nguyễn Đức Thành bày tỏ quan điểm.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, mọi chính sách đều có lợi ích. Tuy nhiên, cần xem xét cân nhắc kỹ lưỡng trên tầm nhìn dài hạn và trên các mặt như cam kết quốc tế và lợi ích kinh tế.

TS. Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đặt vấn đề: Việc một số địa phương cấm Uber, Grab liệu có khả thi hay không? Khi Đà Nẵng đưa ra chính sách hạn chế Uber, Grab nhưng vẫn có loại hình này tồn tại ở đây.

“Nói nôm na tung quân ra giám sát có làm được không? Chúng ta cũng cần có cái nhìn khách quan, từ khi thí điểm Uber, Grab đã tạo sự cạnh tranh, một số hãng taxi truyền thống đã đổi mới công nghệ, cũng từ khi có loại hình này thì việc các hãng taxi truyền thống tăng giá hầu như không còn nữa”, ông Vinh cho hay.

Ông Vinh cũng cho biết thêm, việc một số địa phương có phản ứng tiêu cực, chưa dựa trên đánh giá thấu đáo về cái được, cái mất cho Nhà nước, nền kinh tế và người dân. Do đó, đòi hỏi đánh giá kỹ càng hơn để có lựa chọn chính sách tốt nhất trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Nhất là trong bối cảnh mới đây Thủ tướng có chỉ đạo chuẩn bị điều kiện công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0, trong khi cuộc cách mạng này quan trọng là kết nối, chia sẻ thông tin. Qua đó, ông Vinh đề xuất, quan điểm quản lý nhà nước cần hạn chế đúng chỗ chứ không nên “bắt nhầm còn hơn bỏ sót”. Nên cởi bỏ bớt những quy định, điều kiện, cho phép tự do hóa vận tải taxi để doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, tuy nhiên phải đảm bảo quy định an toàn.

Đọc thêm