Xe rơ mi rơ moóc sẽ được “nới lỏng” khi qua trạm cân

(PLO) -  Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa đề xuất với Bộ GTVT, tháo gỡ những vướng mắc về tải trọng mà các doanh nghiệp, chủ phương tiện xe rơ mi rơ moóc gặp phải khi qua trạm cân.
Xe rơ mi rơ moóc sẽ được “nới lỏng” khi qua trạm cân

Chấp nhận giá trị tải trọng trục khoảng 20%

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã đưa tin, vừa qua các Hiệp hội vận tải cũng như doanh nghiệp đã rất bức xúc trước hiện trạng xe rơ mi rơ moóc (RMRM) bị phạt khi qua trạm cân, và việc Cục đăng kiểm Việt Nam phân tích chỉ rõ những sai phạm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu cũng như mục đích của chủ phương tiện xe RMRM.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng thẳng thắn thừa nhận sự buông lỏng quản lý kiểm soát tải trọng xe trong thời gian trước đây. Đồng thời, hiện tại Bộ Giao thông vận tải cũng thể hiện sự quyết tâm “siết” chặt trọng tải xe theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ một cách quyết liệt nhất. Để tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động vận tải container Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tính toán tháo gỡ những vướng mắc mà doanh nghiệp và các Hiệp hội gặp phải.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, thực tế tính toán thì các RMRM 3 trục theo phương án lập phương trình cân bằng mô men thì giá trị khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông (CPTGGT) tối đa khoảng 38.000 kg. Tính toán các RMRM.2 trục thì giá trị khối lượng toàn bộ CPTGGT tối đa khoảng 33.000 kg.

Ngoài ra, trong quy định về thiết kế mặt đường giao thông, giá trị tải trọng trục có thể vượt quá 20% thì vẫn được phép giữ nguyên giá trị tải trọng trục tiêu chuẩn 10 tấn.

Còn trong quy định về thiết kế cầu, trục thiết kế (ví dụ H30 XB80) có giá trị tải trọng trục đơn cho xe bánh lốp lần lượt là 6 tấn 12 tấn và 12 tấn, tức là vào khoảng 20% so với giới hạn 10 tấn/trục.

Trong thực tế khi vận hành trên đường các phương tiện RMRM có hệ số phân bố lại tải trọng nhất định do quá trình xếp hàng không cân đối, khi phanh, tăng tốc...

Theo tính toán như vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam có thể chấp nhận giá trị tải trọng trục thay đổi do thiết kế phân bố tải trọng trục không hợp lý trong khoảng 20% mà vẫn chưa làm ảnh hưởng tới sức chịu tải theo thiết kế của cầu đường hiện nay

Chỉ xử phạt theo giá trị khối lượng toàn bộ

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Cục đã đề xuất với Bộ GTVT, để tạo điều kiện cho các chủ phương tiện có thời gian chuyển đổi loại phương tiện cho phù hợp với các quy định về kiểm soát tải trọng, đồng thời cũng tạo điều kiện giải tỏa ách tắc đối với hoạt động vận tải container. 
Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị tạm thời từ nay đến 01/06/2015 các Trạm cân kiểm tra tải trọng xe trên đường chỉ xử phạt theo giá trị khối lượng toàn bộ CPTGGT mà chưa xử phạt theo giá trị tải trọng trục. Như vậy, đồng nghĩa với việc cho phép các chủ phương tiện RMRM “sửa lỗi” trước đây của mình trong một năm.

Riêng đối với các RMRM  đang lưu hành mà có thiết kế chưa phù hợp về phân bố tải trọng trục. Để giải quyết các vấn đề sai phạm còn đang tồn tại của doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất cũng như chủ phương tiện RMRM, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đề xuất cho phép điều chỉnh giá trị khối lượng toàn bộ CPTGGT cho các RMRM  được sản xuất và nhập khẩu trước ngày 01/06/2014 theo kết quả tính toán tối đa cho phép là  38000 kg với RMRM  (3 trục) và 33000 kg với RMRM  (2 trục), nhưng không được vượt quá giá trị khối lượng toàn bộ theo thiết kế của nhà sản xuất. Theo số liệu thống kê thì tổng số RMRM  được điều chỉnh khối lượng toàn bộ CPTGGT tăng lên là 6693 chiếc.

Để tiếp tục quản lý tốt các RMRM, tránh lặp lại những “lỗi” trước đây, Cục Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị Bộ GTVT cho phép sửa đổi bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 11:2011/BGTVT về chất lượng an toàn kỹ thuật đối với rơ moóc và RMRM,  các văn bản kỹ thuật liên quan.

Đồng thời bổ sung thêm nội dung quy định rõ ràng hơn đối với RMRM  là phải có thiết kế dạng khung xương và có khối lượng hàng chuyên chở CPTGGT thỏa mãn yêu cầu chở được container theo công ước quốc tế về container (ISO 668:1995) có tổng khối lượng 30,48 tấn trở lên).

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Lê Đình Thọ thẳng thắn: “Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo mạnh mẽ rà soát các vấn đề trên, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật, làm đến đâu mà vướng mắc bất cập thì sẵn sàng công bố cho dư luận. Quan điểm của Bộ giao thông làm như vậy là tự kiểm tra chấn chỉnh mình, dù có đúng hay sai không nên che giấu mà nhìn thẳng vào sự thật để thực hiện”.

Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam còn cho biết thêm: “Ngoài những giải pháp đề xuất nêu trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam còn đề xuất thêm với Bộ GTVT cho phép không thu phí đăng kiểm đối với các xe RMRM chưa đến kì đăng kiểm mà đã điều chỉnh theo thiết kế phù hợp. Còn những xe RMRM đến đúng kỳ đăng kiểm mà điều chỉnh thiết kế phù hợp thì vẫn thu phí bình thường”. 

Đọc thêm