Khuyến khích khởi nghiệp đã tăng thu hút đầu tư vào nông nghiệp

(PLO) - Đoàn công tác liên ngành do ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (THPL), Bộ Tư pháp dẫn đầu vừa có buổi làm việc tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) để kiểm tra tình hình THPL về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Tiếp đoàn có Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn và đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ NN&PTNT.
Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (THPL), Bộ Tư pháp
Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (THPL), Bộ Tư pháp

Tăng số doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp

Phát biểu chào mừng Đoàn công tác liên ngành, Thứ trưởng Hà Công Tuấn hoan nghênh hoạt động kiểm tra để nắm bắt tình hình THPL về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành khác. Chia sẻ một số khó khăn trong hoạt động theo dõi tình hình THPL về lĩnh vực này, Thứ trưởng Tuấn cho biết, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp là vấn đề mới, các văn bản quy phạm pháp luật quy định riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp hầu như chưa có. Vì vậy, Thứ trưởng Tuấn đồng tình với cách làm việc của Đoàn công tác liên ngành để cùng đánh giá tình hình, trao đổi, giải đáp các vướng mắc, kiến nghị về tình hình THPL trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, góp phần tăng cường hiệu quả công tác theo dõi vấn đề trọng tâm liên ngành năm 2017.

Báo cáo cụ thể với Đoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ NN&PTNT) Đặng Vũ Trân nêu: Do hầu như chưa có văn bản riêng mà Thứ trưởng Tuấn vừa đề cập nên việc xây dựng danh mục các văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi việc THPL về doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp mới chỉ tập trung vào việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, các thành tựu, khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chính sách này. Bởi vậy, chưa thể đáp ứng được hết các nội dung theo yêu cầu của Nghị định 59/2012/NĐ-CP, đặc biệt là việc đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân.

Theo tinh thần trên thì Bộ đã xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết thi hành các văn bản của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng các đề án, chương trình để tổ chức thực hiện. Qua đây, việc khuyến khích khởi nghiệp, thu hút đầu tư trong nông nghiệp đã đạt những kết quả nhất định.

Cụ thể, số lượng và quy mô doanh nghiệp đầu tư vào nông, lâm, ngư nghiệp tăng đáng kể, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp tăng từ 2.379 doanh nghiệp năm 2007 lên 4.424 doanh nghiệp vào tháng 9/2016. Về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ tháng 6/2016 đến nay đã có nhiều dự án mới của doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với tổng vốn đầu tư trên 20 nghìn tỷ đồng…

Đánh giá sát để tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”

Tuy nhiên, ông Trân phản ánh, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về tiếp cận đất đai, về chính sách khuyến khích đầu tư, về lao động, về tiếp cận tín dụng, về ứng dụng khoa học công nghệ. Chẳng hạn, việc tiếp cận đất nông nghiệp của doanh nghiệp còn khó khăn do công tác công bố, công khai quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên thực tế chưa tốt, chưa rõ ràng. Thủ tục vay vốn rất khó cho nông dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận; cơ chế hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp chưa hiệu quả...

Từ góc độ quản lý, ông Trân thừa nhận việc ban hành kế hoạch và tổ chức theo dõi tình hình THPL về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp còn chậm. Theo ông Trân, Bộ Tư pháp đã hướng dẫn đối tượng doanh nghiệp được lựa chọn để theo dõi và khái niệm “doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo” được chính thức giải thích tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017. Có điều, Bộ NN&PTNT nhận thấy cách hiểu, cách tiếp cận vẫn khác nhau giữa các bộ, ngành và địa phương khiến việc thu thập thông tin về doanh nghiệp khởi nghiệp gặp không ít lúng túng. Để khắc phục các tồn tại trên, Bộ NN&PTNT kiến nghị tập trung sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật liên quan. Song song với đó là các giải pháp khác như xây dựng cơ chế hỗ trợ ươm tạo khởi nghiệp, tăng cường tuyên truyền về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Lắng nghe những vướng mắc của Bộ NN&PTNT trong quá trình thực hiện vừa qua, Cục trưởng Đặng Thanh Sơn và các thành viên Đoàn công tác liên ngành đã đặt ra nhiều vấn đề cần được Bộ NN&PTNT tiếp tục quan tâm theo dõi. Theo đó, cần đánh giá cả về vấn đề nâng cao nhận thức cho các cơ quan từ Trung ương đến địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; làm nổi bật hơn nữa các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, không dàn trải những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nói chung; lưu tâm đến công tác tổ chức tập huấn, tư vấn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đảm bảo tính khả thi của các quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Thấu hiểu phạm vi quản lý các ngành, lĩnh vực của Bộ NN&PTNT là rất rộng, ông Sơn cũng đề nghị làm sâu sắc hơn việc đánh giá về tình hình tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân mà việc thi hành Nghị định 67/2014 có liên quan đến đóng tàu vỏ thép là một ví dụ… 

Đọc thêm