Chính phủ không đồng ý giao Bộ Công thương quản lý giá sữa

(PLO) - Chính phủ không đồng ý kiến nghị của Bộ Tài chính việc giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện việc quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Ngày 20/3, Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa quyết định tiếp tục giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo đúng quy định tại Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá.
Trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính chủ trì, thống nhất với Bộ Công Thương làm rõ nhiệm vụ quản lý, bình ổn giá sữa giữa các Bộ; trên cơ sở đó trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 177/2013/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tế và các quy định pháp luật hiện hành.
Phó Thủ tướng cũng giao các Bộ Tài chính, Công Thương, Y tế, Thông tin và Truyền thông và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai các biện pháp quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Trước đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện việc quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Bộ Tài chính giải thích: Bộ Công Thương có chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp thực phẩm, an toàn sản phẩm sữa chế biến; chỉ định cơ quan kiểm tra chuyên môn thực hiện kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm và cấp thông báo thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu trước khi lưu hành trên thị trường.
Hơn nữa, theo Bộ Tài chính, thực tế thời gian vừa qua, để quản lý giá sữa, đặc biệt đối với mặt hàng sữa nhập khẩu, vai trò của Bộ Công Thương rất quan trọng, từ khâu nhập khẩu đến khâu lưu thông trên thị trường. Khía cạnh khác mà Bộ Tài chính muốn chuyển quản lý giá sữa sang Bộ Công Thương là hiện trên thị trường có tình trạng thao túng, độc quyền, làm giá của các doanh nghiệp.
Cơ quan có chức năng chủ trì ngăn chặn phòng vệ thương mại và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương).
Đưa ra nhiều lý do, Bộ Tài chính kiến nghị: “Bộ Công Thương là đơn vị hiểu rõ để cân nhắc đến lợi ích của các quốc gia, lợi ích của các thành viên tham gia trong các tổ chức, cũng như những bất lợi để nhằm hạn chế tối đa khi thực hiện các biện pháp bình ổn giá trong nước”.
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 177/2013/NĐ-CP thì Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá như đăng ký giá; kiểm tra yếu tố hình thành giá; định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất của từng loại hàng hóa, dịch vụ; tiếp nhận, rà soát đăng ký giá, kê khai giá các mặt hàng bình ổn giá, trong đó có mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. 
Do vậy, sau khi xem xét kiến nghị của Bộ Tài chính và ý kiến của các cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo đúng quy định tại Nghị định số 177/2013/NĐ-CP.
Theo Bộ Tài chính, tính đến tháng 12/2014, cơ quan quản lý giá đã công bố giá tối đa và giá đăng ký của 606 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trong đó, Bộ Tài chính công bố 165 sản phẩm, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố công bố 441 sản phẩm.
Đặc biệt, kể từ khi Chính phủ áp dụng biện pháp bình ổn giá, từ tháng 6/2014 giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm và ổn định. Tỷ lệ giảm đạt khoảng 0,1 - 34% tùy từng chủng loại sữa so với thời điểm trước khi Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá./.
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm