Chợ đầu mối TP HCM dịp Tết: Nhiều tiện lợi, lắm nỗi lo

(PLO) - Thời điểm giáp Tết, hàng hóa từ các nơi đổ về các chợ đầu mối ở TP HCM tấp nập cả ngày lẫn đêm. Đây là dịp buôn bán được nhất trong năm, ai cũng muốn có thêm thu nhập để lo cho gia đình, còn người mua được lựa chọn nhiều mặt hàng phong phú. Tuy nhiên, công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm từ gốc tại các địa phương chưa đảm bảo cũng tạo tâm lý lo lắng cho người tiêu dùng.
Quang cảnh buôn bán tấp nập tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.
Quang cảnh buôn bán tấp nập tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.

Nhộn nhịp cuối năm 

Theo ghi nhận của PV, trong đêm 25, rạng sáng ngày 26/12/2018, tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP HCM), các xe hàng rau củ quả… nối đuôi nhau thành hàng dài vào chợ. Chợ đầu mối Thủ Đức nằm ở cửa ngõ phía đông thành phố đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên nên tấp nập nhất.

Bao trùm khắp chợ là không khí khẩn trương, ồ ạt bốc dỡ hàng hóa của người bán lẫn người mua. Người qua kẻ lại chen chân, pha lẫn hàng loạt âm thanh từ tiếng xe cộ, tiếng người hò hét…

Sau khi hàng hóa tập trung tại chợ đầu mối sẽ được chia nhỏ về các chợ khác trên khắp TP HCM qua những tiểu thương. Người đến mua hàng cũng đến chợ từ lúc đồng hồ điểm sang ngày mới. Theo quan sát, lượng trái cây năm nay đa dạng, giá cả có nhỉnh hơn năm ngoái nhưng không đáng kể.

Trên địa bàn TP HCM có 3 chợ đầu mối gồm chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền (quận 8), chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn) và chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (phường Tam Bình, quận Thủ Đức).

Theo các báo cáo, tổng lượng hàng nhập tại 3 chợ đầu mối đạt trung bình 9.000 tấn, chủ yếu gồm hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng thành phố, các chợ khác, cũng như xuất đi một số nước bạn... 

Theo BQL các chợ đầu mối, trong tuần trước Tết, họ sẽ tăng cường nhân lực lao động làm công tác vệ sinh 24/24 giờ để không tồn rác thải qua đêm; vệ sinh hệ thống mương, cống thoát nước và bề mặt sân chợ nhằm giảm thiểu tối đa việc phát sinh các yếu tố gây ô nhiễm nguồn nước thải; tăng cường công tác tiêu độc khử trùng…

Đóng góp lớn song còn nhiều tồn tại

Theo đánh giá của Sở Công Thương TP HCM, các chợ đầu mối nằm ở khu vực cửa ngõ của TP HCM, kết nối đến các vùng sản xuất nông nghiệp lớn của miền Trung và miền Nam đã trở thành các trung tâm tập trung và trung chuyển, điều phối hàng hóa cho thành phố và cả nước; đảm bảo đầu ra cho các hộ sản xuất, chăn nuôi, khuyến khích người dân tăng cường chăn nuôi, mở rộng quy mô sản xuất.

Quy hoạch các chợ đầu mối ở khu vực ngoại thành góp phần tích cực đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và cảnh quan đô thị. Việc tập trung các chợ đầu mối cũ thành 3 chợ đầu mối kinh doanh ổn định cũng đã tạo thành tâm lý an tâm cho thương nhân phát triển kinh doanh cũng như tạo công ăn việc làm cố định cho nhiều lao động phổ thông, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong năm 2017, 3 chợ đầu mối trên địa bàn TP HCM đã đóng góp cho ngân sách thành phố hơn 55 ngàn tỷ tiền thuế, trong đó, chợ đầu mối Bình Điền là 12 tỷ, chợ đầu mối Hóc Môn 15,112 tỷ, chợ đầu mối Thủ Đức 28,295 tỷ.

Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của các chợ đầu mối vẫn còn nhiều tồn tại. Báo cáo của Sở Công Thương TP HCM cho hay, đến nay, ngoại trừ chợ Bình Điền có diện tích khuôn viên lớn, 2 chợ Hóc Môn và Thủ Đức đều đã bố trí hết diện tích kinh doanh nên không còn diện tích trống để làm điểm tập kết hàng lúc cao điểm, gây ra tình trạng kẹt xe cục bộ.

Tại các chợ cũng diễn ra tình trạng thiếu bãi đỗ xe; tình trạng buôn bán lấn chiếm tại đường dẫn vào cổng chợ vẫn tồn tại gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm từ gốc tại các địa phương chưa đảm bảo. Do đó, hàng hóa nhập về chợ đầu mối rồi được chia nhỏ đi các tỉnh cũng chưa được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm chặt chẽ. Điều này tạo tâm lý không yên tâm cho người tiêu dùng. 

Sở Công Thương cũng nhìn nhận hàng hóa từ các tỉnh nhập về chợ đầu mối chưa được sơ chế tại nguồn, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, khiến công tác vệ sinh phải thực hiện liên tục tốn nhiều nhân công và chi phí.

Bên cạnh đó, còn chưa có các quy định, chế tài rõ ràng để quản lý các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động mua bán tại các chợ đầu mối dẫn đến khó khăn trong quản lý truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm hàng hóa.

Để giải quyết các tồn tại ở các chợ đầu mối, Sở Công Thương đã đề xuất UBND TP HCM có cơ chế, chính sách để giải quyết triệt để tình trạng kinh doanh các mặt hàng nông sản thực phẩm không có giấy phép, tự phát xung quanh các chợ.

Đồng thời cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, định hướng đối các cơ sở, hộ nông dân sản xuất các mặt hàng nông sản thực phẩm theo hướng khuyến khích trồng trọt, chăn nuôi theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và thực hiện việc sơ chế hàng hóa tại nguồn trước khi đưa hàng hóa cung ứng vào thành phố.

Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm dịp Tết, mới đây tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Ngọc An - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản – Vissan cho biết, mỗi ngày công ty giết mổ từ 1.200 đến 1.500 con heo, đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP và đạt các tiêu chí an toàn thực phẩm. Mỗi ngày công ty này sản xuất khoảng 80 tấn thực phẩm tươi sống, 60 tấn thực phẩm chế biến với gần 300 mặt hàng.

Đặc biệt để đảm bảo nguồn cung thị trường Tết, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khâu nguyên liệu - giết mổ - sản xuất luôn được công ty ưu tiên hàng đầu. Bộ trưởng Y tế lưu ý công ty cần quan tâm đến vấn đề đang rất nóng là dư lượng chất kháng sinh.

Bộ trưởng Tiến lấy ví dụ: Một số sản phẩm thủy sản khi xuất khẩu bị phát hiện dư hàm lượng kháng sinh đã làm mất uy tín các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế và gây khó khăn rất lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản. Hoàng Giang

Đọc thêm