Nhiều bộ, ngành cam kết “chia lửa” với người chăn nuôi

(PLO) -  Đại diện các Bộ Công an, Quốc phòng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, T.Ư Đoàn… đã cam kết sẽ vận động tiêu thụ thịt lợn cho người nông dân nhằm tháo gỡ đầu ra cấp bách cho sản phẩm thịt.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.

Chiều 28/4, Bộ NN&PTNT chủ trì hội nghị cùng với Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cùng nhiều ban, ngành, đoàn thể, DN họp bàn tìm giải pháp tiêu thụ thịt lợn giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, vấn đề trọng tâm trước mắt là cần phải giải quyết được đàn lợn đang tồn kho đến ngày xuất bán. Theo Bộ trường Nguyễn Xuân Cường, nếu không giải quyết được vấn đề này sẽ tạo nên hiệu ứng không tốt trong Nhân dân, nhất là người chăn nuôi. Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng kêu gọi các bộ, ngành, đoàn thể cùng chung tay vào cuộc với ngành để tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm thịt lợn. “Cần phải đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trước mắt là thịt lợn Việt Nam” – ông Cường đề nghị.

Hưởng ứng lời kêu gọi này, đại diện các bộ, ngành, đoàn thể đã cam kết chia sẻ cùng bà con chăn nuôi. Đại diện Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) cho biết, lực lượng quân đội sẽ vào cuộc tiêu thụ thịt lợn cho bà con nông dân, tuy nhiên đề nghị Bộ NN&PTNT có văn bản cụ thể để Bộ có những giải pháp phối hợp thực hiện. Thể hiện cam kết chung tay tháo gỡ đầu ra cho thịt lợn, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành cho biết, Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo và giao chỉ tiêu cho từng đơn vị, phấn đấu tiêu thụ hàng ngàn tấn lợn cho nông dân mỗi tháng và thực hiện trong vòng một quý. Đồng thời lực lượng công an sẽ phối hợp tích cực trong việc ngăn chặn hàng tạm nhập tái xuất thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn.

Đối với các tổ chức đoàn thể, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cũng hứa sẽ kêu gọi 17 triệu đoàn viên công đoàn, cán bộ, công nhân viên chức cả nước chia sẻ với người chăn nuôi lợn. Còn theo đại diện T.Ư Đoàn, trong hệ thống của tổ chức có 225 DN thuộc Hiệp hội DN trẻ có bếp ăn tập thể với 120.000 công nhân, tiêu thụ khoảng 60 tấn thịt lợn mỗi ngày. Do đó, T.Ư Đoàn sẽ rà soát, vận động các DN này cùng chung tay tiêu thụ thịt lợn cho nông dân.

Được biết, cũng trong ngày 28/4, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu đã làm việc với TP Hồ Chí Minh về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi, trong đó có tiêu thụ thịt lợn. Trước đó, ngày hôm qua (27/4) Đoàn đã làm việc với tỉnh Đồng Nai, một trong những địa phương chăn nuôi lợn trọng điểm ở khu vực phía Nam.

Nhiều giải pháp đã được thực hiện

Theo Bộ NN&PTNT, đây là thời điểm ghi nhận mức rớt giá mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây của lợn hơi xuất chuồng, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn đe dọa tới sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi. Giá lợn hơi xuất chuồng ở Việt Nam đang được đánh giá là thấp nhất thế giới và bình quân người chăn nuôi đang chịu lỗ 1,5 triệu đồng/con.

Trong ít ngày qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ NN&PTNT, đã có 5 DN thức ăn chăn nuôi lớn thông báo giảm giá 200 đồng/kg thức ăn cho lợn các loại, tương ứng giảm khoảng gần 100 tỷ đồng/tháng để hỗ trợ cho người chăn nuôi. Cùng với việc giảm giá thức ăn chăn nuôi, các DN có tiềm năng về giết mổ, chế biến, cấp đông thịt lợn cũng đang tăng hết khả năng có thể để thu mua thịt lợn cho người chăn nuôi. 

Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin, Bộ đã chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương đề nghị hệ thống phân phối thực phẩm tăng cường thu mua tiêu thụ thịt lợn, giảm khâu trung gian và kêu gọi các DN tham gia bình ổn giá thị trường. Trước mắt đã có một số siêu thị lớn như Big C, Saigon Co.op… giảm giá thịt lợn bán tại siêu thị. 

Liên quan tới vấn đề xuất nhập khẩu thịt lợn, ông Hải cho biết, năm 2016 cả nước nhập khẩu hơn 44 triệu USD thịt lợn với số lượng chỉ chiếm khoảng 0,1% lượng tiêu dùng trong nước, chủ yếu từ các nước EU, Mỹ, Canada. Còn về xuất khẩu, hiện nay, chúng ta mới chỉ xuất được một số ít lợn, chủ yếu là lợn sữa sang thị trường Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc). Ngay cả xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cũng chưa được thực hiện do chất lượng chăn nuôi cũng chưa thực sự đảm bảo. “Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT tham gia đàm phán, ký kết với các nước công nhận hết dịch bệnh trên đàn lợn ở Việt Nam để mở rộng thị trường xuất khẩu” – ông Hải cho biết.

Liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi lợn, sáng 28/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì họp với các bộ, ngành để tìm giải pháp. Phó Thủ tướng đã chia sẻ những khó khăn của người chăn nuôi và đồng tình cao với các giải pháp mà Bộ NN&PTNT kiến nghị, đặc biệt là tạm dừng việc tạm nhập tái xuất mặt hàng thực phẩm có liên quan đến sản phẩm chăn nuôi, thủy sản trong nước. Đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng có biện pháp hỗ trợ về tín dụng phù hợp với tình hình thực tế giúp cho người chăn nuôi vượt qua khó khăn.

Đặc biệt, thể hiện tinh thần “kêu gọi gắn liền với hành động”, ngay cuối giờ chiều 28/4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đã cùng xuống Công ty Samsung (Bắc Ninh) để “tiếp thị” đầu ra cho sản phẩm thịt lợn vào hệ thống bếp ăn của DN này.

Đọc thêm