Quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây: Thay đổi dần thói quen tiện đâu mua đấy

(PLO) - Từ tháng 8/2017 Hà Nội phê duyệt Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội” với mong muốn người dân được sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ; đồng thời xóa bỏ tình trạng bán hàng rong tại vỉa hè, lòng đường. 
Cần nâng cao ý thức trong mua bán trái cây cho cả người bán và người mua
Cần nâng cao ý thức trong mua bán trái cây cho cả người bán và người mua

Khi đó nhiều người đặt ra câu hỏi đề án này của Hà Nội liệu có khả thi? Tuy nhiên, sau nửa năm triển khai Đề án, việc kinh doanh mặt hàng này đã chuyển biến tích cực, theo hướng văn minh, an toàn hơn. Qua đó, trang bị kiến thức, kỹ năng và nâng cao ý thức trong mua bán trái cây cho cả người bán và người mua.

Đã cấp biển nhận diện cho 520 cửa hàng 

Trước khi có đề án, tỷ lệ cửa hàng kinh doanh trái cây đăng ký kinh doanh, thực hiện các điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) còn khá thấp. Nhưng sau 6 tháng triển khai, các chỉ tiêu này tăng đáng kể, có nhiều chỉ tiêu đạt hơn 90%. Đến nay, thành phố đã cấp biển nhận diện cho 520 cửa hàng đáp ứng các yêu cầu của đề án, đạt tỷ lệ 55%.

Trong đó, có 817 cửa hàng có trang thiết bị bảo quản trái cây; 657 cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng trái cây; 712 cửa hàng có trang thiết bị vận chuyển trái cây; 750 cửa hàng có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc trái cây; 625 cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc trái cây…

Nhiều cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp biển, doanh thu tăng từ 20 - 50% do người dân dần nhận thức việc mua trái cây ở cửa hàng có thương hiệu sẽ yên tâm hơn.

Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, đến tháng 3/2018, trên địa bàn 12 quận nội thành có 941 cửa hàng kinh doanh trái cây. Trong đó có 302 cửa hàng chuyên doanh và 639 cửa hàng kinh doanh thực phẩm tổng hợp. Triển khai Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành”, Sở Công Thương đã phối hợp với UBND các quận tổ chức 10 hội nghị tập huấn, hướng dẫn thực hiện đề án cho cán bộ quản lý ATTP, các cơ sở kinh doanh trái cây tại 12 quận…

Đồng thời, Sở giới thiệu các thủ tục, chương trình vay vốn ưu đãi tại Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố và một số ngân hàng thương mại; làm việc với đại diện hai nhãn hàng chuyên cung cấp tủ bảo quản để hỗ trợ giảm giá bán thiết bị từ 10 đến 15% so với giá trên thị trường cho các cửa hàng kinh doanh trái cây… 

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan, đề án đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực, các cửa hàng được cấp biển hiệu nhận diện kinh doanh trái cây có doanh thu tăng hơn so với khi chưa được cấp biển. Tuy nhiên,  trong quá trình triển khai Đề án vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Một số văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cụ thể, rõ ràng gây khó khăn trong công tác xử lý vi phạm, kiểm soát chất lượng ATTP, truy xuất nguồn gốc trái cây; Một số hộ kinh doanh trái cây nhỏ lẻ nhận thức về Đề án còn hạn chế nên chưa phối hợp kịp thời với lực lượng chức năng trong công tác hoàn thiện các thủ tục cũng như điều kiện thực tế để được cấp các loại giấy tờ về ATTP, cấp biển nhận diện… 

Đặc biệt, nhiều người tiêu dùng vẫn còn giữ thói quen tiện đâu mua đấy, chưa chú trọng đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm trái cây dẫn đến thực tế vẫn còn tồn tại các địa điểm kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè, không có trang thiết bị bảo quản trái cây, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng trái cây không bảo đảm.

Thêm vào đó, công tác thực hiện kiểm tra, kiểm soát chất lượng trái cây, truy xuất nguồn gốc còn nhiều khó khăn, vướng mắc, vẫn còn tình trạng một số hộ kinh doanh trái cây ở các chợ đầu mối không có hồ sơ, giấy tờ về nguồn gốc trái cây dẫn đến các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn các quận khi mua trái cây tại chợ đầu mối về bán cũng không có giấy tờ về nguồn gốc.

Xử lý nghiêm các vi phạm 

Với những kết quả khả quan ban đầu mà đề án đạt được, tuy nhiên về lâu dài để đạt mục tiêu đến hết năm 2018: 100% cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận nội thành được cấp biển nhận diện đòi hỏi cần tiếp tục có sự vào cuộc đồng bộ từ các ban, ngành, quận, huyện,...

Lộ trình thực hiện đề án được chia thành 3 giai đoạn, hiện nay đã bước vào giai  tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây không thực hiện đúng các quy định; kiên quyết giải tỏa các điểm kinh doanh trái cây lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng; kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm; công khai danh sách các cửa hàng đảm bảo ATTP được cấp biển nhận diện; các tổ chức, cá nhân, địa điểm kinh doanh trái cây vi phạm quy định qua các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân và người tiêu dùng nắm rõ, lựa chọn...

Thành phố đặt mục tiêu đến hết năm 2018, toàn bộ người kinh doanh được đào tạo, tập huấn ATTP, tất cả các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận được cấp biển nhận diện. Cũng theo đại diện Sở Công Thương, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động các cửa hàng, hộ kinh doanh trái cây nâng cao ý thức, trách nhiệm về an toàn thực phẩm, thành phố cũng tăng cường quản lý để đảm bảo các cơ sở luôn chấp hành đúng cam kết. Kể từ tháng 4, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố tiến hành kiểm tra, giám sát các cửa hàng kinh doanh trái cây thuộc Đề án Thí điểm quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành, cửa hàng nào vi phạm sẽ bị xử phạt nặng, có thể rút giấy phép kinh doanh.

Đọc thêm