Thành triệu phú nhờ săn “vàng đen” Tây Bắc

(PLO) - Trước đây, hương vị của hạt dổi rừng chỉ có trong những món ăn hàng ngày của đồng bào Tây Bắc. Nhưng ngày nay, loại hạt này ngày càng được ưa chuộng và xuất hiện nhiều trong những quán ăn  ở các thành phố lớn. Chính vì nhu cầu tiêu thụ cao, nhất là thời điểm giáp tết nguyên đán, hạt dổi rừng đã được dân buôn gọi với cái tên “vàng đen” miền Tây Bắc.
Ông Thương cho biết, trước khi hạt dổi bung hoa, người dân phải phát quang trước mới dễ thu hoạch
Ông Thương cho biết, trước khi hạt dổi bung hoa, người dân phải phát quang trước mới dễ thu hoạch

Đặc sản hạt dổi Tây Bắc 

Những chuyến đi công tác ở Tây Bắc dài ngày đã giúp tôi được thưởng thức vô vàn những món đặc sản của đồng bào nơi đây. Trong số đó, tôi nhớ nhất là lần nhậu cùng anh bạn người Giáy vài năm trước ở huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu), ban đầu anh ta bê nguyên mâm cỗ chỉ toàn rau sống, một bát nước chấm và vài ly vại rót rượu. 

Một hồi sau, anh xách hẳn xô cá chép vẫn đang bơi lại mâm, nhìn sơ qua mỗi con chép chẳng nổi 2 lạng, rồi dùng tay bắt một con sống đành đạch  gói cùng  rau sống chấm bỏ vào miệng nhai chọt choẹt. 

Ban đầu nhìn thấy thế tôi cảm giác “choáng”, nhưng khi thử mới thấy món này độc đáo, nhất là mùi vị của bát nước chấm món cá gỏi sống ấy. Hỏi ra mới rõ, hương vị độc đáo trong bát nước chấm ăn cùng gỏi cá ấy dùng hạt dổi rừng làm nguyên liệu chính.

Mới đây, trong chuyến viết bài về hoàn cảnh khó khăn không được phẫu thuật của những đứa trẻ mọc hai “của quý” ở huyện Bắc Mê (Hà Giang), tôi vô tình gặp một dân buôn, anh ta hỏi ở vùng đất đó có hạt dổi rừng không? Tôi nói tôi không rõ bởi mình không phải người bản địa. Rồi anh ậm ừ bảo, hạt đó có giá lắm, anh ta đang tìm mua với giá gốc là 4 triệu/kg.

Tên đầy đủ của kẻ “săn” hạt dổi rừng lần đó tôi gặp là Hoàng Minh Hiếu (SN 1980). Hiếu quê gốc Hải Dương, đã hai “lần đò”, nhưng anh không có con cái bìu ríu, vì thế mà  có nhiều thời gian đi ngao du buôn bán, có khi mấy tháng mới về quê một lần.

Ngồi phệt bên gốc cây, Hiếu kể đến với nghề “săn” hạt dổi rừng là từ một lần đi ăn cơm quán, anh thấy khách ở cửa hàng đó đông đến lạ, lần nào anh đến cũng hết chỗ ngồi, ai cũng nói bí quyết giữ khách ấy là nhờ vào bát nước chấm, rồi hương liệu tẩm món ăn trong đó có hạt dổi. Thế là anh nảy ra ý tưởng liên hệ với nhiều cửa hàng lớn nhỏ khắp miền Bắc để giao dịch làm ăn với họ.

Nhấp vài chén rượu với thịt trâu gác bếp, Hiếu nhìn lên trời và cười tươi như thỏa mãn về chiến tích của mình. Thực tế hạt dổi rừng chỉ có ở các tỉnh miền núi phía Bắc, chính vì thế điểm đi “săn” của Hiếu thường là các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu...

Nhưng mỗi chuyến đi có lời lãi hay không còn tùy thuộc vào may mắn, bởi thời điểm hiện tại không chỉ có mình anh biết đến nghề này mà còn rất nhiều “thợ săn” khác nữa. Tuy nhiên, theo Hiếu thu nhập từ nghề “săn” hạt rừng trung bình một tháng anh kiếm khoảng 50 triệu, đó là chưa kể thời điểm giá hạt này “sốt”.

Theo nhiều chủ cửa hàng ăn ở Hà Nội, sở dĩ khách hàng thích hương vị của hạt dổi rừng là nhờ mùi hương ngào ngạt thốc lên mũi mỗi khi dùng nước chấm có hạt này. Thông thường sau khi ăn hạt dổi, người thưởng thức sẽ có cảm giác miệng thoang thoảng mùi hương. Chính vì sự đặc biệt ấy mà hiện nay có rất nhiều quán ăn ở các thành phố lớn đã cố gắng bắt tay với thương lái mua hạt, thậm chí không tiếc chi cả chục triệu để mua bằng được hạt dổi rừng để dự trữ làm gia vị.  

Một dân sành ăn cho biết, hạt dổi rừng phù hợp với món gà luộc, thịt lợn luộc, thịt nướng, nước chấm gỏi... Nhưng có điều hiện nay trên thị trường lại xuất hiện tràn lan rất nhiều loại hạt dổi rừng được dán nhãn mác đẹp, giới thiệu hay nhưng thực tế là giả”.

Hạt dổi
Hạt dổi

Đổi đời nhờ nghề “săn” Dổi rừng

Tôi có một anh bạn thân hiện tại làm chủ một cửa hàng ăn có tiếng gần Ngã Tư Sở (Hà Nội). Nhớ lần vừa rồi ngồi trong quán cà phê vừa nói chuyện vừa tỉ tê, anh nhắc đến chuyện năm 2015 anh có mua 3kg hạt dổi rừng với giá 9 triệu đồng/kg từ một thương lái lạ xưng tên Hải đến tận cửa hàng giao. 

Nhưng hạt mua về được gần tháng thì mốc meo và không được thơm như những lần anh mua trước, kể từ đó anh ta không dám mua nguồn không  tin cậy. Không chỉ anh bạn tôi mà còn nhiều chủ hàng ăn khác được hỏi cũng trả lời từng bị lừa như thế, có người còn thử hẳn hoi ban đầu thấy mùi thơm phưng phức nhưng để một thời gian thì hạt hỏng, hoặc tự dưng hạt chảy thành nước.

Để tìm hiểu nguồn gốc của hạt dổi rừng chuẩn, cũng như cách chế biến gia vị quý hiếm bậc nhất miền Bắc này, tôi đã ngược lên vùng cao nguyên đá Hà Giang. Cụ thể là xã Xuân Giang, huyện Quang Bình, nơi được cho là nhiều cây dổi rừng nhất.

Ông Hoàng Văn Thương (SN 1969), người sành sỏi về từng gốc cây, ngọn cỏ, con thú trong rừng ở vùng này dẫn tôi đi bộ hơn 2h đồng hồ rồi hướng cánh tay lên ba gốc cây trên đỉnh núi bảo, đó là cây dổi rừng. Nhưng chỉ có vào tháng 10 (âm lịch) thì hoa mới bung, mới cho hạt.

Hỏi ra mới biết, ông Thương chính là một thương lái thu mua hạt dổi rừng có “máu mặt” ở huyện Quang Bình. Theo ông, ở địa phương  mỗi người được giao cai quản một khu rừng riêng (hay còn gọi là vườn rừng - PV), nên người nào cai quản nơi có dổi mọc thì người đó ắt giàu.

 Dổi là loài mọc tự nhiên, không mất phân bón, nhưng quá trình thu hoạch hạt lại kỳ công. Bởi trước thời điểm hoa dổi bung hạt, người dân phải rẫy sạch cỏ dưới gốc mới nhặt được hạt này, vì hạt dổi rừng nhỏ, rất dễ lẫn với cây khô và các loại hạt khác. Sau đó, khâu cuối cùng phải phơi khô rồi mới mang bán.

Ông Thương cho rằng, cơ ngơi hiện tại ông đang sở hữu trong đó có là căn nhà sàn bằng gỗ, ô tô tải, ao cá...Tất cả là nhờ nghề “săn” hạt dổi rừng mà mua được. Đặc biệt, ông Thương chia sẻ những năm 2010, khi mà còn có rất ít người biết đến giá trị của hạt dổi dừng, ông đã tận thu sau đó bán cả loạt kiếm lời.

 Nói đến giàu lên từ nghề này thì không riêng gì ông Thương, ông Hiếu  mà còn nhiều dân buôn có trong tay hàng trăm triệu nhờ nghề “bới” hạt này. Tuy nhiên, cũng chính từ giá trị “khủng” của hạt dổi rừng, mà nhiều kẻ đã bất chấp dùng hàng giả, hàng nhái để lừa người tiêu dùng.

Ông Thương chia sẻ kinh nghiệm: “để tránh hàng giả, hàng nhái người tiêu dùng cần thử trước rồi hãy tính đến chuyện mua. Hiện nay trên thị trường xuất hiện một loại hạt gần giống như hạt dổi nếp, nhưng  kích cỡ hạt có dài hơn một chút. Theo tìm hiểu của tôi,  hạt đó tuy mọc nhiều ở miền núi Tây Bắc, cũng có vị gần giống với dổi rừng nhưng không được thơm bằng hạt dổi chuẩn, rất dễ nhầm lẫn”.

Dân buôn hạt dổi “chuẩn” khuyến cáo, người tiêu dùng nên mua hạt dổi khô để tránh hỏng nhanh. Đặc biệt, những ngày cận Tết, hạt dổi trên thị trường đang có giá “trên trời” dẫn đến nhiều hàng nhái, nếu mua hàng này phải đặc biệt chú ý.

Đọc thêm