TP Hồ Chí Minh: ​Nghịch lý “bỏ rau sạch, chuộng rau “bẩn”

(PLO) - Hội nghị “Đối thoại chính sách về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn” với sự tham gia của các sở, ban, ngành và bà con nông dân mới diễn ra tại TP HCM đã ghi nhận nhiều ý kiến cho thấy một nghịch lý “rau sạch đổ bỏ, rau “bẩn” vẫn hút người mua” tại đô thị có thị trường tiêu thụ nông sản lớn hàng đầu cả nước này.
Rau an toàn đang bị người tiêu dùng "chê" vì "xấu mã"
Rau an toàn đang bị người tiêu dùng "chê" vì "xấu mã"

Rau sạch mới đáp ứng được 1/3 nhu cầu

Ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP HCM cho biết, sản xuất nông sản sạch đối với nhu cầu của TP rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay lượng nông sản do TP sản xuất chỉ đáp ứng được khoảng 20-30%, tương đương với 1/3 so với nhu cầu của người dân. Cùng với đó, công tác đảm bảo sản xuất nông sản an toàn vẫn còn tồn tại nhiều thách thức. 

Với tốc độ gia tăng dân số nhanh và liên tục (đặc biệt là dân nhập cư), tình trạng ô nhiễm môi trường về đất, nước, không khí càng khó kiểm soát, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất nông sản của người nông dân.

Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản vẫn diễn ra rất phổ biến khiến sức khỏe của người dân hàng ngày bị đe dọa vì tiêu thụ… rau “bẩn”, rau được “khuyến mãi” thêm thuốc trừ sâu. 

Về nguyên nhân, ông Hổ cho rằng, hiện nay nhận thức, ý thức của người dân và người sản xuất chưa được đồng đều. Người sản xuất thường có tâm lý tranh thủ tăng năng suất với mục tiêu tăng lợi nhuận, người tiêu dùng thì lựa chọn sản phẩm theo hình thức.

Như anh Mai Xuân Chiến (46 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP HCM) là người có kinh nghiệm trồng rau 6 năm phản ánh: “Rau sạch thường bị chê vì có sâu, lá không được xanh rờn như các loại rau được xịt thuốc. Sau nhiều lần phải đổ bỏ, chịu lỗ tôi bị buộc phải xịt thuốc”. 

Theo ông Hổ: “Trước thực tế đó, đặt ra cho chúng ta 2 nhiệm vụ là nông sản tự sản xuất trên địa bàn phải đáp ứng sạch; thứ hai là phối hợp với các tỉnh thành lân cận (chủ yếu là các tỉnh miền Đông Nam bộ và các tỉnh miền Tây) để nhập nông sản đáp ứng được những yêu cầu về chất lượng, đảm bảo các yếu tố về ATVSTP cung ứng về cho thị trường TP HCM”. 

Cần tăng hỗ trợ cho người nông dân

Thực tế, nhiều nông dân muốn sản xuất rau sạch phải chuyển sang sản xuất theo phương thức “tận dụng hóa chất” để tiêu thụ được sản phẩm. Do đó, anh Chiến kiến nghị: “Trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền giúp người tiêu dùng và người nông dân nhận biết được đâu là rau sạch, đâu là rau “bẩn”. Từ đó người nông dân được hưởng giá trị xứng đáng với công sức để cung cấp được rau sạch cho thị trường”. 

Đồng thời, một nông dân tại Quận 12 cho rằng, hiện nay người dân, người nông dân không những thiếu kiến thức về rau an toàn mà còn thiếu hụt kiến thức về các điều kiện đầu vào (giống, phân bón, thuốc…), nên thường phải sử dụng hàng trôi nổi, không đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, thành phẩm sau khi sản xuất nếu đưa vào các siêu thị thì chiết khấu quá cao, người nông dân vẫn bị “bóp chẹt đủ đường”. 

Vì vậy, cần tổ chức những lớp về tiêu chuẩn cho nông dân, hỗ trợ cung cấp kiến thức về tiêu chuẩn VietGap, xây dựng những chuỗi cửa hàng cung cấp giống, phân bón uy tín cho người nông dân, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, đất đai, đầu ra sản phẩm… để người nông dân yên tâm sản xuất rau an toàn. 

Ông Nguyễn Tiên Vượng – Phó Trưởng ban Xã hội, Dân số, Gia đình TƯ Hội Nông dân Việt Nam cho biết, cho đến nay TP HCM đã ban hành 21 chương trình, đề án phát triển bền vững nông sản và nhiều chính sách hỗ trợ lãi vay cho người nông dân, chính sách hỗ trợ nông nghiệp thực hành sản xuất tốt.

Ngành NN&PTNT cũng đang nỗ lực hỗ trợ cho bà con sản xuất nông nghiệp giám sát, hỗ trợ chứng nhận VietGap, thực hiện cung cấp các giấy chứng nhận an toàn nông lâm thủy sản hoàn toàn miễn phí (cấp 2 năm); triển khai thí điểm và nhân rộng chương trình dán tem truy xuất nguồn gốc rau củ quả (trước tiên thực hiện cho các hợp tác xã, DN); tổ chức các chợ phiên nông sản an toàn, để đưa sản phẩm của bà con đến với người tiêu dùng. 

Theo bà Huỳnh Thị Kim Cúc - Phó trưởng Ban Quản lý ATTP TP HCM nhấn mạnh: “Công tác đảm bảo nông sản, thực phẩm an toàn cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan ban ngành, địa phương và hợp tác của từng người dân. Trong thời gian tới, Ban sẽ tập trung tuyên truyền nhiều hơn nữa, đẩy mạnh xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, có kết nối với các tỉnh thành khác. Chuỗi thực phẩm an toàn sẽ được ưu tiên giới thiệu vào các bếp ăn tập thể, khu chế xuất, bệnh viện.

Ngoài ra, Ban sẽ đẩy mạnh thanh, kiểm tra, giám sát, căn cứ Nghị định 115 về tăng mức xử phạt vi phạm ATTP để tăng tính răn đe. Đặc biệt, công tác kiểm tra sẽ tập trung vào chợ đầu mối, sản phẩm về trường học…”. 

Đọc thêm