Trái cây nhập ngoại tốn kém và may rủi

(PLO) - Cách đây khoảng 2 tháng, một công ty phân phối trái cây nhập khẩu đã xách tay về Việt Nam một chùm nho Ruby Roman (hồng ngọc La Mã). Đây là giống nho đặc biệt, to hơn nho thường nhiều, trồng duy nhất ở một vùng tại Nhật Bản và chăm bón thủ công bằng phương pháp đặc biệt. 
Chùm nho Ruby Roman (hồng ngọc La Mã) được bán với giá 11 triệu đồng
Chùm nho Ruby Roman (hồng ngọc La Mã) được bán với giá 11 triệu đồng

Thông thường, ở Nhật giống nho này bán lẻ tầm trên 200 ngàn/trái. Nếu mua theo chùm thì giá vài trăm USD cho một chùm chừng trên dưới 20 trái nhưng phải thông qua đấu giá. Doanh nghiệp nhập khẩu trái cây nói trên đã đem về 5 chùm, bán với giá 11 triệu/chùm, nhưng được mua hết veo sau một đêm. Số lượng người đặt mua tiếp sau đó cũng không ít. Những trái nho lẻ bán với giá vài trăm ngàn/quả cũng bán cháy hàng.

Ngoài nho Hồng ngọc đang “làm mưa làm gió” thì một số giống trái cây nhập ngoại siêu đắt đỏ cũng được chuộng tại Việt Nam. Xoài “trứng mặt trời” Taiyo no Tamago màu đỏ rực là một giống xoài quý hiếm của Nhật Bản, cũng thường được bán thông qua các buổi đấu giá, có cặp xoài bán với giá bằng một chiếc ô tô, cũng đã xuất hiện tại một số cửa hàng trái cây nhập ở Sài Gòn với giá trên dưới 60 triệu/cặp.

Dưa vàng Yubari King quý hiếm ở Nhật cũng đang được bày bán ở Việt Nam với giá trên dưới 2 triệu đồng/trái. Tất nhiên, đây chỉ là giống dưa ghép, lai tạo, còn Yubari thuần chủng có giá vài trăm triệu đồng/cặp. Tuy nhiên, nghe đâu đã có đại gia Việt sẵn sàng chi số tiền này để đặt mua giống dưa vàng thuần chủng.

Theo chị Thanh Thuỷ, chủ một cửa hàng trái cây nhập ở chợ Bến Thành TP HCM, các cửa hàng nhập các dòng trái cây quý hiếm nói trên về để nhằm tăng uy tín cửa hàng và nhập số lượng rất hạn chế chủ yếu để trưng bày. Nếu khách hạng sang có nhu cầu mua thì đặt, hàng sẽ có trong vòng 1-2 tuần.

Theo chị Thuỷ, đa phần là khách kinh doanh, giới nhà giàu muốn tặng quà lạ, sang cho đối tác hoặc muốn nếm thử. Vài trường hợp như nho Ruby, vẫn có giới văn phòng mua lẻ theo trái để “thử xem ngon chừng nào”.

Cạnh các loại trái cây mắc và quý hiếm thì cũng có một số loại được đẩy lên theo thị hiếu của người mua. Như hiện nay, lựu Peru, lựu Ấn Độ đang được ưa chuộng, giá tầm 200-400 ngàn/ trái. Giống lựu này to, đỏ rực và có vị ngọt đậm. Tuy nhiên, thực tế giá lựu này tại các nước trồng chỉ tầm 1/5 giá bán tại Việt Nam. Tương tự, thời gian trước, quả nhót Nhật có giá 4 triệu đồng/kg tại Việt Nam, người mua ùn ùn. Trên thực tế, tại Nhật loại quả này không có gì quý hiếm, được trồng xen với rau.

Theo chia sẻ của chị Thanh Thuỷ, trái cây nhập khẩu giờ đây cũng có năm, bảy loại: nhập khẩu chính ngạch, xách tay từ các nước, hàng tuồn về từ Trung Quốc, hoặc về từ các nước phương Tây nhưng sử dụng hoá chất Trung Quốc để bảo quản vì đóng container, đi đường tàu dài ngày... Kì thực, chỉ người bán mới thực sự biết đâu là trái cây nhập “xịn” đâu là hàng pha, hàng chất lượng kém, có thuốc.

Chính vì thế, trái cây nhập ngoại mác sang chảnh là một nhu cầu có thực, lâu dài nhưng thực tế lại là một “ma trận” với người tiêu dùng Việt. Với những người thực sự có tiền, có lẽ độ an toàn cao hơn với những giống trái cây quý hiếm tiền triệu, hoặc đặt xách tay tin cậy từ nước ngoài. Còn với người tiêu dùng phổ thông, trái cây ngoại hấp dẫn nhưng cũng là thú thưởng thức đầy may rủi./.

Đọc thêm