Cuộc “chiến đấu” khổng lồ

(PLO) - Hôm qua là ngày “Vía Thần Tài”. Cũng như mọi năm, phố vàng Trần Nhân Tông (Hà Nội) và tất nhiên sẽ nhiều nơi tấp nập, người dân xếp hàng dài xuống đường để chờ tới lượt mua, thậm chí xếp hàng từ khi chưa nhìn “rõ mặt” người. Lực lượng công an và bảo vệ liên tục điều phối giao thông trên phố Trần Nhân Tông để tránh ùn tắc kéo dài.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Trong văn hóa của phương Đông nói chung và người Việt nói riêng, vàng luôn biểu thị cho những giá trị tốt đẹp, đại diện cho phú quý, sung túc và may mắn. Ngày vía Thần Tài luôn là ngày quan trọng của năm đối với những người kinh doanh, buôn bán. Mua vàng trong ngày vía Thần Tài, chủ nhân sẽ được phúc lộc, sung túc, may mắn cả năm. Vì thế từ lâu cứ vào mồng 10 tháng Giêng âm lịch người dân lại tấp nập đi mua vàng đón lộc...

Thậm chí có người từ tận Mộc Châu (Sơn La) ôm cả 200 triệu về Hà Nội mua vàng. “Tôi không thích gửi ngân hàng, cũng ít khi cho vay mà tiền ở nhà cất trong tủ không an toàn nên vợ chồng tôi quyết định mua hết vàng để tích cóp”, ông nói và cho biết, mua vàng lúc nào cần dùng thì bán đi lấy tiền. Dịp này xuống đây mua vào vì nghe mọi người nói mua vàng ngày vía Thần Tài sẽ được may mắn cả năm nên ông dồn tiền để mua.

Câu chuyện gợi nhiều suy nghĩ khi doanh nghiệp thiếu vốn, Nhà nước cần đầu tư nhưng người Việt chỉ khoái “chôn vàng” cho chắc.

Nhiều năm gần đây, xu hướng mua vàng Thần Tài lan rộng ra mọi tầng lớp. Người dân thường chọn mua các sản phẩm bằng vàng như: nhẫn tròn trơn, vàng miếng, trang sức bằng vàng ta, vàng tây gắn đá ngọc quý thiên nhiên để cầu tài, cầu lộc và may mắn cho cả năm. Nhu cầu mua vàng rất lớn ngày vía Thần Tài để cầu tài lộc cho cả năm đã kéo giá nhiều loại vàng tăng nhanh ngay khi thị trường vàng bạc đá quý hoạt động trở lại sau một đợt nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.

Thống kê trong các năm gần đây cho thấy, giá vàng trong phiên trước và chính ngày Thần Tài thường cao hơn khá nhiều, từ khoảng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/lượng. Âu cũng là dịp làm ăn của các “hãng vàng”, dịp “hốt bạc” của những người kinh doanh vàng. Càng “hội chứng” họ càng thu lời béo bở.

Nghĩ về “văn hóa tiêu dùng” và văn hóa tâm linh, có gì đó đang “lệch chuẩn”.

Tháng Giêng đang là tháng của “lễ hội”, chả thế mà từ lâu đã có câu ca “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Một đất nước muốn mạnh giàu phải tiết kiệm cả trong sản xuất và tiêu dùng. Làm ra đồng tiền đã khó nhưng biết cách tiêu tiền còn đòi hỏi chủ nhân của tiền có văn hóa. Đáng tiếc, cả sản xuất và tiêu dùng, người Việt đang ngày càng chứng minh: họ là dân tộc “lãng phí” nhất thế giới.

Những ngày vừa qua, báo chí, trong đó có “binh chủng” quan trọng là truyền hình nói ra rả vể chuyện đốt vàng mã. Mỗi năm, mùa lễ hội, nhất là sau Tết Nguyên đán, người Việt đã đốt hàng trăm tỷ ra khói.

Lúc sinh thời, dự báo sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, Bác Hồ đã có kế hoạch xây dựng đất nước đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Để làm được công việc rất to lớn, nặng nề, phức tạp cũng rất vẻ vang này, Bác đã viết trong Di chúc: Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.

Xem ra để “chống lại” những thứ “cũ kỹ” còn lâu dài. Xây dựng văn hóa tiêu dùng hội nhập, hiện đại đòi hỏi phải được hưỡng dẫn, tổ chức, không để cuộc sống cứ tự phát mãi.

Đọc thêm