Đẩy mạnh bảo tồn phát huy giá trị bánh dân gian Nam Bộ

(PLVN) - Xuất phát là món ăn dân dã, đời thường của người Nam Bộ xưa, ngày nay những chiếc bánh dân gian đã trở thành nét đặc sắc tạo nên thương hiệu riêng của ẩm thực Nam Bộ. Ai đến đây tham quan, du lịch cũng mong muốn được một lần được thưởng thức hương vị đồng quê này. Vì vậy, bảo tồn và phát triển bánh dân gian Nam Bộ là việc nên làm.
Các nghệ nhân trình diễn làm bánh dân gian
Các nghệ nhân trình diễn làm bánh dân gian

Tăng cường hỗ trợ nghệ nhân và cơ sở sản xuất 

Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm TP Cần Thơ đều tổ chức “Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ” nhằm quảng bá, bảo tồn và phát triển bánh dân gian. Hàng năm, lễ hội thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách từ các tỉnh, thành trong cả nước đến tham quan và thưởng thức. Qua tám lần tổ chức, quy mô, cách thức tổ chức ngày càng được cải thiện và nâng tầm. Hình ảnh những chiếc bánh dân gian từ bàn tay khéo léo của những nghệ nhân đã chiếm được một vị thế nhất định trong lòng du khách nội địa và quốc tế. 

Trong Lễ khai mạc “Lễ hội Bánh Dân gian Nam Bộ lần thứ 8 – 2019”, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, ẩm thực phương Nam rất phong phú, chất lượng bánh dân gian ngày càng nâng lên nhưng vẫn giữ được hồn cốt truyền thống. Hiện có hơn 150 loại bánh vẫn giữ nguyên nguồn gốc, cách thức chế biến và hơn 400 loại bánh được biến tấu, sáng tạo. Qua đó càng tôn thêm giá trị bánh dân gian Nam Bộ.

Theo ông Nam, bánh dân gian trước đây chỉ sử dụng trong cộng đồng, làng xã sau đó đã bước ra thị trường trong và ngoài nước. “Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ hàng năm đã góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống đó. Đồng thời quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, văn hóa Nam Bộ. Ngoài ra, còn làm sống lại nhiều loại bánh tưởng chừng như đã mất đi”, ông Nam nhấn mạnh.

Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ hàng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan, thưởng thức
Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ hàng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan, thưởng thức

Tuy nhiên, bảo tồn không phải chỉ nằm hạn hẹp trong một chương trình lễ hội mà cần sự lan tỏa, nhân rộng ra mọi tầng lớp nhân dân và “vươn khơi” ra thị trường quốc tế. Để giải quyết “bài toán” này, UBND TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị bánh dân gian Nam Bộ trên địa bàn thành phố.

Theo đó, hướng đến hỗ trợ nghệ nhân và cơ sở sản xuất bánh dân gian quảng bá sản phẩm, phát triển sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tăng cường giao lưu văn hóa, thương mại giữa các địa phương, thu hút khách du lịch đến trải nghiệm văn hoá ẩm thực khu vực Nam Bộ nói chung và ẩm thực Cần Thơ nói riêng, góp phần quảng bá thương hiệu Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, phát triển du lịch. Đồng thời, thúc đẩy ngành chế biến sản xuất bánh dân gian truyền thống, tạo điều kiện cho nghệ nhân liên kết với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Vượt “cổng làng”, vươn tầm quốc tế

Trong buổi tọa đàm về tìm thị trường cho bánh dân gian Nam Bộ tổ chức mới đây, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết: “Bánh dân gian của chúng ta có thể đến quốc tế, nhưng phải kèm theo yếu tố con người. Chúng cần tính toán xây dựng một chuỗi khép kín từ xây dựng, đào tạo con người, đến việc tính toán về nguyên liệu, thị trường… phục vụ việc đưa chiếc bánh dân gian đi xa”.

Để thực hiện mục đích trên, việc đầu tiên là phải đẩy mạnh tuyên truyền. Theo định hướng bảo tồn, ngoài việc tuyên truyền về giá trị của bánh dân gian, TP Cần Thơ sẽ tập trung tuyên truyền việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho các nghệ nhân và cơ sở sản xuất bánh dân gian.

Đồng thời, để chiếc bánh dân gian không chỉ nằm trong “bếp nhà” mà phải bước ra thị trường, TP sẽ hỗ trợ hướng dẫn các nghệ nhân và cơ sở sản xuất bánh dân gian thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh và các điều kiện để hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, “những chiếc bánh dân gian phải có mặt tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch và các khách sạn được xếp hạng 3 - 5 sao có nhà hàng ăn uống, buffet phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố”.

Hiện có hơn 150 loại bánh vẫn giữ nguyên nguồn gốc, cách thức chế biến và có hơn 400 loại bánh được biến tấu, sáng tạo
Hiện có hơn 150 loại bánh vẫn giữ nguyên nguồn gốc, cách thức chế biến và có hơn 400 loại bánh được biến tấu, sáng tạo

Theo kế hoạch, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, TP sẽ hướng dẫn các cơ sở sản xuất bánh dân gian thực hiện thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hóa. Đồng thời, thông tin, giới thiệu, quảng bá sản phẩm bánh dân gian đến các trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị… trên địa bàn TP.

Với những hộ có nhu cầu, TP sẽ tạo điều kiện thuận lợi xây dựng điểm du lịch, giới thiệu ẩm thực, bánh dân gian đến du khách. Hộ nào thiếu vốn thì sẽ hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, sẽ tổ chức các lớp nâng cao tay nghề, kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ khách du lịch và các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về an toàn lao động cho các nghệ nhân và cơ sở sản xuất bánh dân gian.